VĂN HÓA

Ý nghĩa của các biểu tượng văn hóa trong lễ Giáng sinh

Cẩm Chi • 15-12-2022 • Lượt xem: 1011
Ý nghĩa của các biểu tượng văn hóa trong lễ Giáng sinh

Không gian đón giáng sinh trên toàn thế giới không thể thiếu cây thông, vòng nguyệt quế, ông già Noel, hang đá, bít tất,…. Vậy bạn có biết nguồn gốc và ý nghĩa đặc biệt của những biểu tượng đã tồn tại hàng thế kỷ này là gì không?

Cây thông – vòng nguyệt quế: biểu tượng vĩnh hằng

Loài cây đặc biệt này được chọn làm cây giáng sinh bởi nhiều lý do. Đầu tiên là do đặc tính sinh trưởng của cây. Vào mùa đông, trong khi mọi cây cối đều héo rũ thì riêng mình cây thông vẫn xanh tươi, cứng cáp. Vì vậy, người cổ đại đã coi thông là loại cây phục sinh.

Ngoài ra, trong một truyền thuyết vào thế kỷ thứ VII, cũng tin cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa cứu thế. Nhà tu người Anh - Thánh Boniface trên đường hành hương gặp một nhóm những kẻ ngoại đạo dùng một đứa trẻ để tế thần quanh một cây sồi. Ðể ngăn cản buổi tế thần và cứu đứa trẻ, Boniface đã hạ gục cây sồi chỉ bằng một quả đấm. Tại nơi đó đã mọc lên một cây thông nhỏ. Từ đó, người ta trồng cây thông trong lễ Giáng sinh - biểu tượng của niềm hi vọng và sức sống mới. Cây thông Noel trưng bày trong dịp Giáng Sinh đầu tiên phải kể đến là nước Đức.

Ngoài cây thông, vòng nguyệt quế (Vòng lá mùa Vọng) được kết hình tròn bằng lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy. Đây là vật dụng trang trí Noel không thể thiếu khi nói lên tính cách sự sống vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa.

Ông già Noel – lan tỏa tình yêu thương và những món quà

Nguồn gốc của từ “ông già Noel” (Santa Claus) hay thánh Nicholas bắt đầu ở Thổ Nhĩ Kì từ thế kỉ thứ IV. Lúc còn nhỏ thánh đã là một người rất ngoan đạo và đã hiến cả cuộc đời của mình cho đạo Cơ Ðốc. Một số truyền thuyết cho rằng, quê hương ông già Noel đến từ Santa Claus Village ở thành phố Rovaniemi, vùng Lapland thuộc Phần Lan (nằm ở biên giới Phần Lan và Nga).

Từ lâu, ông già Noel gắn với hình ảnh thân thương và gần gũi: mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội chiếc mũ đỏ, chòm râu dài trắng, bộ mặt hóm hỉnh cùng tiếng cười hào sảng đã tồn tại trong nhiều nền văn hoá các quốc gia, đặc biệt ở các nước phương Tây. Theo truyền thuyết, chiếc sừng của những chú tuần lộc còn có ý nghĩa khác như là chiếc ăng ten bắt và thu nhận tất cả những giấc mơ, nguyện vọng của tất cả các trẻ em trên thế giới. Do đó, Ông già Noel đã chọn tuần lộc trở thành phương tiện để di chuyển của mình.

Vào dịp Giáng Sinh, ông già Noel nhận được rất nhiều thư từ trẻ em khắp thế giới. Và mỗi đêm Giáng Sinh, ông lại bắt đầu cuộc hành trình của mình với cỗ xe kéo bởi 9 con tuần lộc để mang quà và đồ chơi cho các bạn nhỏ. Đối với một số người, những món quà Giáng Sinh còn có một ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc. Đó là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giê-su - món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người. Trẻ em vẫn giữ thói quen treo tất chờ đến sáng hôm sau sẽ có 1 món quà trong đó từ ông già Noel. Câu chuyện được truyền tai nhau thể hiện rằng nhiều người đặt niềm tin vào việc Thánh Nicholas đã giúp đỡ nhà quý tộc nghèo qua những đôi tất là nguồn gốc chính của biểu tượng này.

Ngoài những phần quà, nhiều người còn tặng thiệp giáng sinh. Chiếc thiệp đầu tiên ra đời năm 1843, Henry Cole, khi một thương gia giàu có nước Anh, đã nhờ Horsley, một họa sỹ ở London, thiết kế một tấm thiệp thật đẹp để tặng bạn bè. Thiệp Giáng sinh nhanh chóng trở thành phổ biến ở Anh, Đức và tới 30 năm sau người Mỹ mới chấp nhận nó.

Ánh sáng, âm thanh, âm nhạc thắp lên niềm hi vọng

Đêm giáng sinh không thể thiếu sự lung linh huyền ảo của những nguồn ánh sáng. Ngôi sao trong lễ Giáng sinh xuất hiện rưc rỡ đủ màu sắc mang ý nghĩa đặc biệt. Tương truyền lúc Chúa vừa chào đời thì xuất hiện một ngôi sao rực rỡ. Từ các vùng phía đông xa xôi nay thuộc lãnh thổ Iran va Syria, có 3 vị vua tìm theo sự dẫn đường của ánh sáng để đến được thành Bethelem nơi Chúa đã ra đời. Ba vị này thân quỳ trước mặt Chúa, dâng lên Chúa các vật phẩm trầm hương và vàng bạc châu báu. Từ sự tích trên, ý nghĩa ngôi sao còn tượng trưng cho phép lạ của Thượng đế nên ngôi sao được treo chỗ cao nhất, sang trọng nhất ở các giáo đường, cơ sở tôn giáo.

Trong khi đó, nến cũng thường được sử dụng trong đêm giáng sinh, để biểu thị cho sự ấm áp, thịnh vượng cũng như là ánh sáng chiếu sáng đến Chúa giáng sinh. Ngài là ánh sáng chúng ta nên đi theo và nhờ Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy con đường của mình trong bóng tối của cuộc đời. Nến thường được dùng để trang trí cây thông Noel trước khi đèn điện được phát minh.

Sau đó, đèn được cộng sự của Edison - Edward Hibberd Johnson nảy ra ý tưởng trang trí trên cây thông, làm nổi bật vẻ lung linh và rực rỡ trong dịp lễ Christmas.

Một âm thanh đặc biệt không thể thiếu chính là những tiếng chuông. Nếu như văn hóa Á châu, tiếng chuông được dùng báo hiệu cho quần chúng biết một việc vui hay một sự kiện buồn nào đó vừa xảy đến thì tại phương Tây, các chuông nhà thờ ngân vang vào lúc nửa đêm báo hiệu Chúa ra đời, chào mừng Chúa Cứu thế xuống trần. Tiếng chuông cũng hòa cùng lời thánh ca trong các nghi thức cầu nguyện – nghi lễ không thể thiếu của người theo Đạo.

Ẩm thực: gắn kết sự sum vầy, may mắn

Nói đến Giáng sinh chúng ta phải nhắc đến món bánh khúc cây đặc biệt cho khoảnh khắc đoàn tụ của nhiều gia đình trên khắp thế giới. Bánh có nguồn gốc từ Pháp với tên gọi là Bûche de Noël, có ý nghĩa “khúc cây lễ Giáng sinh".

Theo nhiều nguồn tài liệu, loại bánh này có nguồn gốc liên quan đến tục lệ đốt khúc cây để chào đón mặt trời của người cổ đại. Trong lễ hội Yule, người Celtic phải chuẩn bị một khúc gỗ lớn và đốt lên trong suốt 12 đêm để đón chào sự trở lại của thần mặt trời sau những ngày mùa đông lạnh giá. Nếu thân cây cháy trước lúc kết thúc lễ hội thì đó là báo hiệu một điềm chẳng lành cho cả năm. Còn theo tục lệ vào đêm trước Noel, người phương Tây thường vào rừng chặt một khúc cây lớn và đem về nhà làm lễ dâng rượu. Khúc cây được đặt trên lò sưởi, rắc thêm ít dầu, muối, rượu nóng và mọi người bắt đầu nghi thức cầu nguyện. Họ quan niệm tro của khúc gỗ này để chữa bệnh và bảo vệ ngôi nhà khỏi bão, sét và quỷ dữ. Từ đó, người dân châu Âu và Mỹ, rồi châu Á coi việc ăn bánh khúc cây sẽ đem lại may mắn và tránh khỏi điềm dữ.

Những chiếc kẹo gậy với hình dáng độc đáo và màu sắc rực rỡ được ra đời vào những năm 1800 qua bàn tay một người thợ làm bánh kẹo của Ấn Độ. Ông đã làm 1 chiếc kẹo dài, uốn cong 1 đầu, như hình 1 cây gậy của người chăn cừu (thể hiện ý nghĩa Chúa đã dẫn dắt con người) và là hình chữ "J", tên chúa Jesus. Màu trắng, tương trựng cho sự tinh khiết, trong trắng của Đức Chúa. Ba sọc nhỏ tượng trưng cho những đau đớn mà Ðức Chúa đã phải chịu trước khi ngài chết trên cây thập ác đồng thời còn biểu hiện ba ngôi thiêng liêng của Chúa (sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần).