ĐỜI SỐNG

4 cạm bẫy sinh viên thường mắc phải ít nhất một lần

Minh Trung • 03-09-2022 • Lượt xem: 306
4 cạm bẫy sinh viên thường mắc phải ít nhất một lần

Sinh viên là chặng hành trình giúp bản thân trưởng thành hơn qua những va vấp. Thế nhưng, cái gì mới cũng tiềm tàng những thách thức. Đâu là những cạm bẫy mà sinh viên thường gặp? Làm sao chuẩn bị tốt nhất để trải qua thời sinh viên “sóng gió” nhưng vẫn vui?

Không quản lí bản thân

Sinh viên là quãng thời gian bắt đầu với cuộc sống tự lập ở một nơi hoàn toàn mới mẻ đối với nhiều người. Nơi đây sẽ không có tiếng ba mẹ đánh thức, không còn ai nhắc nhở khi tới giờ cơm, cũng không còn ai quản lí việc chơi hay học của bản thân. Và đó cũng là thời điểm thử thách sự tập trung và kỷ luật của mỗi người. Nhiều sinh viên mang đôi mắt cú vọ đến trường khi lớp học đã bắt đầu gần một nửa, những bữa ăn tạm bợ thiếu dinh dưỡng cũng nhiều hơn, và thời gian biểu bị đảo lộn một cách chóng mặt để nuông chiều những cảm xúc của cơ thể. Đây là thử thách mà sinh viên nào cũng phải trải qua vì phần lớn sinh viên sẽ đi học xa nhà, đặc biệt, nó xuất phát từ bản thân trong chính chúng ta. Đối diện với những cám dỗ từ bên trong mỗi người, bản thân chúng ta cần tỉnh táo và ý thức những việc đang làm. Sự kỷ luật là chìa khóa duy nhất để đưa bản thân trở lại với quỹ đạo cuộc sống. Lập ra thời gian biểu để khởi đầu ngày mới là cách tốt nhất để tất cả chúng ta bắt đầu một ngày mới thêm ý nghĩa, không bị sao lãng với những thứ xung quanh.

Bên cạnh đó, những cuộc đi chơi hay tiệc tùng với bạn bè không thể tránh khỏi. Nhiều sinh viên mải mê với những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng mà lơ là với việc học và chuyện rớt môn trở nên “thông lệ” với các bạn. Thế nhưng cũng có nhiều bạn sẽ ngại từ chối khi những người bạn mới quen rủ mà lại không đi, hay cả phòng đều góp tiền để tổ chức mà mình không góp gì thì thấy cũng kì, nhưng nửa muốn nửa không vì nhiều lí do, kiểu như chơi thì cũng vui nhưng tiền ăn của tháng đã sắp hết… Tùy vào bối cảnh và mối quan hệ để bạn đưa ra cách từ chối khác nhau. Trên internet có những mẹo vặt rất hay để giúp bạn có thể từ chối trong nhiều hoàn cảnh rất thú vị, bạn có thể tham khảo và thử áp dụng cho bản thân xem sao nhé.

 Việc làm thêm

Làm thêm là cách để sinh viên có chi phí trang trải thêm cho cuộc sống. Hơn nữa, làm thêm cũng là cách để chúng ta rèn luyện những kỹ năng đã học, xây dựng một cv đẹp để chuẩn bị cho vòng hồ sơ xin việc sau khi ra trường. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều cái bẫy đang dăng ra để chờ đón những bạn sinh viên thiếu cảnh giác.

Trước hết phải nói đến đa cấp, vấn nạn đã nhan nhản trên các phương tiện truyền thông nhưng nhiều sinh viên vẫn sập bẫy vì cách chiêu dụ ngày càng tinh vi và nghe rất hấp dẫn. “Em có muốn cùng anh/chị thực hiện một dự án khởi nghiệp để tạo ra một công ty triệu đô nhằm tiến đến sự tự do tài chính? Hãy thành công nhanh hơn sự già đi của ba mẹ bằng cách hợp tác với anh/chị để kinh doanh và chăm sóc cho ba mẹ. Em có thấy nhiều người bỏ học đại học nhưng vẫn thành công không? Em có muốn làm việc trong một môi trường năng động, lương cao và có thể phát triển bản thân mỗi ngày? Rủ rê tham gia các hội thảo để chứng kiến sự thành công của một ai đó”. Đây là những câu nói mà các anh/chị đa cấp thường dùng để chiêu dụ những bạn sinh viên nhẹ dạ, mất cảnh giác. Thực sự những câu nói đã đánh đúng vào nhu cầu và cảm xúc của sinh viên nên rất nhiều người đã trở thành miếng mồi cho hệ thống đa cấp. Ai mà không muốn có nhiều tiền để đỡ đần ba mẹ, ai cũng muốn làm việc trong một môi trường trẻ trung năng động, và ai cũng muốn được chăm sóc và báo hiếu cho ba mẹ.

Đa cấp là một hình thức bán hàng rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây vì nó phát huy những lợi thế mà các kênh bán hàng khác chưa chắc có được. Đó là cách quảng cáo truyền miệng, mua hàng bằng cảm xúc, lợi nhuận bán hàng hấp dẫn, không chi tiền cho quảng cáo quá nhiều. Tuy nhiên, sau khi sang Việt Nam, nhiều cá nhân lợi dụng hình thức này để bán ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng, và dùng mô hình này để lợi dụng nhiều người chưa kịp chuẩn bị kiến thức cho cuộc sống. Vậy làm sao để hạn chế thấp nhất việc dính vào các công ty đa cấp?   

Sinh viên tham gia mô hình đa cấp

Đầu tiên, các bạn có thể hỏi về địa chỉ và tên công ty, sau đó lên Google để tìm kiếm.  Việc tìm kiếm thông tin sẽ giúp bạn tự tin hơn, vì nói cho cùng, không phải lời chiêu dụ nào như trên cũng là đa cấp. Thường các anh/chị đa cấp sẽ không nói tên công ty, mà chỉ hẹn bạn đến một địa chỉ nào đó rồi dẫn vô một nơi rất đông các bạn sinh viên đang hoạt động để bạn cùng giao lưu. Và đó là dấu hiệu đầu tiên của đa cấp, vì lịch đào tạo của một công ty luôn có sẵn, hoặc các nhân viên mới hoặc cũ sẽ gặp nhau trong một dịp đặc biệt của công ty chứ không phải thích là gặp. Thứ hai, bạn có thể vô các hội nhóm của trường để hỏi về thông tin công việc của bạn. Khi nghe những mô tả về tên công ty, cách họ tiếp đón bạn là các bạn sinh viên trong trường sẽ nhiệt tình tư vấn để bạn tránh xa ngay nếu đó là đa cấp, hoặc phân tích những mặt lợi hại của một công ty không phải đa cấp mà các sinh viên đó đã làm để mỗi người cân nhắc trước khi ứng tuyển. Cuối cùng, sẽ không có cái gọi là “việc nhẹ lương cao”, nếu có thì họ hàng của họ đã làm hết rồi, không tới lượt những người xa lạ như chúng ta. Một lần nữa, đa cấp không xấu, và không phải cái gì đăng lên cũng đa cấp, việc kiểm định thông tin nằm ở chính chúng ta qua việc tìm hiểu và hỏi han những người đồng cảnh hoặc đi trước.

Tự nhiên mất những khoản tiền nhỏ nhỏ

Việc tìm trọ của sinh viên sẽ bớt khó khăn hơn nếu biết những điều này. Đầu tiên, trước khi cọc tiền, bạn cần xem phòng trực tiếp và phải có giấy tờ đàng hoàng, hỏi rõ khi nào thì được lấy cọc, tiền điện nước tính thế nào. Hiện nay, nhiều dịch vụ môi giới nhà trọ xuất hiện để giúp các sinh viên tìm nhà thuận lợi hơn, nhưng đó cũng là cơ hội để nhiều người lợi dụng việc chưa chuẩn bị kiến thức đầy đủ của sinh viên mà ép giá và “treo đầu dê, bán thịt chó”, nghĩa là đưa hình mẫu thì rất tốt, nhưng phòng không giống trong hình, nếu từ chối thì mất cọc. Nhiều sinh viên vì một tháng cọc nhà mà sẵn sàng kí hợp đồng 6 tháng để nhận lại một trải nghiệm không giống như mong muốn.

Trước cổng trường Đại học không ít lần chúng ta nhận được những tờ rơi liên quan đến ưu đãi và học thử các khóa tiếng Anh với giá rất rẻ. Tuy nhiên, theo thông tin từ nhiều tờ báo, các trung tâm không làm đúng như những gì họ cam kết, chỉ đưa một sấp tài liệu và để lớp học diễn ra như một cái chợ. Do đó, học tiếng Anh để phát triển bản thân là một điều rất tốt, nhưng đừng để sự ham học của mình bị lợi dụng. Sinh viên có thể tìm hiểu về thông tin các trung tâm tiếng Anh được quảng cáo trong tờ rơi trên internet trước khi quyết định đóng phí để lựa chọn một nơi uy tín nhằm phát triển chặn đường cho tương lai nhé.  

Gần đây, công an đã triệt phá một đường dây liên quan tới việc lợi dụng tình thương của người đi đường. Cụ thể, các đối tượng sẽ đem các sản phẩm như đồ mỹ nghệ, tăm tre,… chào mời những người mà họ gặp, đặc biệt là các bạn sinh viên – những người với tinh thần sẵn sàng cống hiến. Họ cho biết đây là hoạt động gây quỹ để ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn (như người khuyết tật, trẻ bại não, các cụ già neo đơn). Tuy nhiên, điểm lạ ở đây là không phải ủng hộ tùy tâm, khi ủng hộ họ sẽ đưa một danh sách để người mua kí tên nhằm lấy uy tín, nhưng thực tế là để người mua thấy những người trước đã mua rất nhiều, tối thiểu phải ở một mức nào đó. Hành động này nhằm đánh vô tâm lý đồng cảm với người nhận và xấu hổ với người đang bán để phải bỏ một số tiền lớn hơn. Do đó, khi bắt gặp một hành vi giống vậy, bạn có thể ngó lơ hoặc từ chối. Rất nhiều hoạt động về từ thiện được công khai và minh bạch trên internet, đó là cơ hội để bạn đặt cái tâm của mình đúng chỗ.

Sinh viên bị lợi dụng tình thương

Một số vấn đề thường gặp trong cuộc sống

Để đi xe buýt an toàn, bạn nên dùng các ứng dụng (như BusMap, Moovit) để chủ động khi di chuyển, tránh trường hợp lạc đường và dẫn tới nhiều hệ quả không hay. Chống mất trộm bằng cách đeo balo phía trước, chuẩn bị sẵn tiền lẻ để không bị móc túi, không lấy ví ra khi ở trên xe buýt để tránh sự dòm ngó của kẻ gian. Đặc biệt, các bạn nữ cần ăn mặc kín đáo để không thu hút các cá nhân có ý định không tốt.

Sinh viên bị móc túi

Đừng mở giùm điện thoại hay uống nước từ người lạ, vì có thể có thuốc mê. Rất nhiều vụ được công an đưa tin liên quan tới việc nạn nhân bị dính thuốc mê khi trò chuyện quá lâu với một ai đó để giúp đỡ họ. Với trẻ lạc, bạn nên dẫn đến công an nơi gần nhất thay vì đi theo sự chỉ đường của các em, vì nếu nhớ đường đi thì các em đã tự tìm đường về rồi. Rất nhiều đối tượng lừa đảo lấy trẻ em để đánh vào lòng thương người của chúng ta nhằm chuộc lợi, lỗi không phải ở các em nên chúng ta cứ nhẹ nhàng và hành xử đúng mực, đừng để trẻ em thêm tổn thương nhé.

Cạm bẫy là điều chúng ta tất yếu sẽ đối diện trong cuộc sống. Hiểu và nhận ra những cạm bẫy là cách để mỗi người chuẩn bị cho hành trang sống của mình một cách tốt nhất để hạn chế những điều không mong muốn. Với sinh viên, nhóm đối tượng với những sự khởi đầu trong hành trình trở thành người lớn lại càng phải nhận biết và trang bị những kiến thức liên quan đến đời sống xã hội để trưởng thành hơn mỗi ngày.