ĐỜI SỐNG

5 cách quản lý tài chính hiệu quả cho những cô nàng 'cuồng' mua sắm

Diễm Chi • 29-07-2023 • Lượt xem: 1217
5 cách quản lý tài chính hiệu quả cho những cô nàng 'cuồng' mua sắm

Mua sắm là một trong những cách giúp các cô nàng xả stress một cách hiệu quả. Tuy nhiên, ẩn sau đó là những hệ luỵ về tiền bạc mà họ không thể ngờ đến, sau đây là 5 cách giúp quản lý tài chính một cách hiệu quả cho những cô nàng "cuồng" mua sắm.

Xem thêm:

'Vitamin rừng' sẽ giúp bạn nâng niu làn da từng chút một

Mua sắm là một trong những phương pháp góp phần "xả stress" một cách hiệu quả. Trong 10 cô gái được phỏng vấn thì có 8 người cho biết mua sắm giúp họ giải tỏa căng thẳng, lo âu và mang lại cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc tạm thời. 

Khi mua sắm những thứ mà bản thân thích hoặc có mong muốn được sở hữu, hành động này kích thích não bộ sản sinh ra hormone dopamine, mang lại cảm giác hứng thú và hạnh phúc. Đây cũng chính là lý do giải thích cho việc vì sao mua sắm có thể mang lại niềm vui và sự thoải mái tạm thời.

Dopamine còn được gọi là hormone "hạnh phúc". Khi loại hormone này được gia tăng một cách nhanh chóng sẽ mang đến cảm giác vui vẻ, tạo động lực thúc đẩy thực hiện các kế hoạch trong cuộc sống. Ngược lại, khi hormone dopamine thấp có thể khiến cơ thể trở nên lười biếng, kém hoạt bát và không còn sự nhiệt tình với những chuyện diễn ra xung quanh. 

Cùng với sự phát triển vượt bậc về công nghệ, các sàn thương mại điện tử và các ví điện tử, việc mua sắm cũng diễn ra một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng liệu phương pháp mua sắm để "xả stress" này có thật sự tốt? Trong bộ phim "Confessions of a Shopaholic" (Lời tự thú của một tín đồ shopping), nhân vật chính Rebecca Bloomwood (Isla Fisher) cũng chính là một tín đồ "nghiện" mua sắm một cách chính hiệu. Tuy nhiên, cũng vì thói quen mua sắm không thể dừng tay mà Rebecca Bloomwood cũng phải chịu nhiều hệ quả nặng nề như đẩy bản thân vào cảnh nợ nần, đánh mất những người thân yêu. Vậy làm thế nào để có thể mua sắm và chi tiêu một cách hợp lý, sau đây là một số phương pháp mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng một cách dễ dàng.

Không chi tiêu bốc đồng chỉ với mục đích giải khuây

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chiến lược quảng cáo và truyền thông có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cô gái và thúc đẩy họ mua sắm. Hiểu được tâm lý này, các sàn thương mại điện tử mỗi tháng đều có những chương trình giảm giá ưu đãi để tạo ra nhu cầu và ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. 

Cũng chính vì vậy mà có lẽ bất kỳ ai cũng đã từng trải qua ít nhất một lần mua sắm bốc đồng (impulsive buying). Đây là tình trạng mà người ta tiêu tiền một cách vô tổ chức và không có kế hoạch, thường là do cảm xúc như căng thẳng, buồn bã, lo lắng, cô đơn, hoặc không vui. Nhưng ngoại trừ những niềm vui ít ỏi và ngắn hạn thì động lại sau mỗi lần mua sắm bốc đồng là những hậu quả khôn lường.

Vì vậy, trước những dịp giảm giá lớn, để tránh tâm lý dễ bị lung lai, mỗi người cần phải làm công tác tư tưởng với bản thân bằng cách đặt những câu hỏi như: Món đồ này có thật sự cần thiết cho cuộc sống của mình ở thời điểm hiện tại không? Sản phẩm này có đáng giá với số tiền mà bản thân bỏ ra không? Mình có đủ tiền để mua sản phẩm này mà không ảnh hưởng đến ngân sách cá nhân và các kế hoạch tài chính khác?,...

Câu trả lời sẽ cho biết liệu bản thân chúng ta có thật sự cần mua món đồ này không. Bởi việc đặt ra những câu hỏi này giúp đánh giá và cân nhắc một cách thông minh trước khi quyết định mua sắm. Điều này giúp tránh việc chi tiêu bốc đồng và đảm bảo rằng bạn sẽ dùng tiền một cách có ý thức và hiệu quả.

Chuyên gia tài chính và là "Cha đẻ" của "quy luật 72 giờ", ông Carl Richards, cũng chỉ ra rằng: "Khi bạn đặc biệt muốn mua sắm hay sở hữu một món đồ, hãy đợi khoảng 3 ngày (72 giờ) xem bạn có thật sự mong muốn món đồ này một cách mãnh liệt không. Nhiều khi kết quả có thể là bạn hoàn toàn không nhớ gì đến chúng!"

Thành lập quỹ mua sắm hàng tháng

Mỗi một cô gái đều yêu thích sự xinh đẹp và việc được mua sắm khiến họ trở nên vui vẻ hơn. Chính vì vậy, trên thực tế, để cắt bỏ hoặc cắt giảm ở mức độ lớn thì hoàn toàn không khả thi. Và đây cũng chẳng phải là một biện pháp có thể thực hiện lâu dài, cho dù họ cố gắng thực hiện được trong vài tháng đầu tiên thì những tháng tiếp theo sẽ trở lại tình trạng như cũ.

Việc mỗi người cố gắng mỗi ngày để kiếm nhiều tiền chung quy chỉ để chi tiêu và mua cho bản thân những thứ mình thích, cho nên việc cắt bỏ hoàn toàn là không nên, mà thay vào đó, hay suy ngẫm về khả năng tài chính của mình, tính toán một cách hợp lí và thành lập cho bản thân một quỹ mua sắm hàng tháng. Suze Orman cũng đã từng nói rằng: "Tiền là công cụ, hãy sử dụng nó một cách thông minh và nó sẽ hỗ trợ cuộc sống của bạn."  

Để thành lập được quỹ mua sắm, trước hết mọi người cần ghi nhận thu nhập hàng tháng của bản thân, những thu nhập này sẽ bao gồm tất cả các nguồn như lương, thưởng, tiền lãi,... Sau đó, xác định tất cả các chi phí cố định và chi phí biến đổi mà bản thân dự kiến cần phải trả trong một tháng. Chi phí cố định có thể là các khoản chi không thay đổi từ tháng này sang tháng khác như tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền internet,... Còn chi phí biến đổi có thể là các khoản chi phục vụ cho việc ăn uống, đi lại, giải trí,... Sau khi cân nhắc một cách kỹ càng, quỹ mua sắm sẽ được thành lập dựa trên mục tiêu, nhu cầu và khả năng của mỗi người. Trong quá trình này, các cô gái cần đảm bảo rằng bản thân sẽ không sử dụng số tiền trong quỹ này cho bất kỳ mục đích khác ngoài mục tiêu mua sắm đã đề ra.

Để tận dụng quỹ này một cách tốt nhất, các cô gái cũng có thể mở cho mình một tài khoản chuyên dụng dùng để mua sắm hoặc chỉ dùng tiền mặt để tránh rơi vào những cái bẫy như "khuyến mãi" hay "trả nợ tối thiểu".

Không cuống cuồng chỉ để chạy theo "xu hướng"

Cùng với sự phát triển của các trang mạng xã hội, những xu hướng dễ dàng nổi lên, khi mua sắm là một trong những điều mà đa số các cô gái yêu thích, vì vậy, khi một món đồ nào đó trở thành xu hướng, dù là bình dân hay sành điệu, thì đa số các cô gái không ngần ngại mà chi tiền để được sở hữu.

Tuy nhiên, có thể nhìn nhận một điều rằng đây là một trong những cách chi tiêu dễ gây lãng phí tiền bạc. Bởi lẽ, cho dù là “xu hướng” những những món đồ này không phù hợp với bản thân người mua, tính ứng dụng không cao thì cũng không mang đến nhiều lợi ích cho người sở hữu nó. Hiểu được điều này, Suze Orman cũng từng khuyên các cô gái: "Đừng vung tiền mua những thứ bạn không cần chỉ để gây ấn tượng với những người bạn không thích."

Cùng một giá tiền đó, các cô gái có thể tậu ngay cho bản thân những "item" chất lượng hơn, với kiểu dáng thanh lịch, đơn giản, dễ phối  hợp với những món khác và có giá trị sử dụng lâu dài. 

Đầu tư vào những sản phẩm thật sự chất lượng

Tương tự với việc chạy theo xu hướng, nhiều cô gái thường hay mắc phải sai lầm khi mua sắm những loại quần áo rẻ vì nghĩ chúng sẽ giúp họ tiết kiệm hơn những món đồ hàng hiệu mắc tiền. Tuy nhiên, có câu "tiền nào của nấy", đôi khi những loại món hàng hay quần áo rẻ tiền được làm từ những chất liệu rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng, từ đó dễ hư hỏng, thời gian sử dụng không kéo dài. Nhìn nhận một cách kỹ càng có thể nhận thấy quần áo mặc dù rẻ nhưng số lần sử dụng ít sẽ có chi phí cao hơn hẳn những bộ quần áo có giá bình thường hoặc cao hơn.

Chính vì vậy, khi mua sắm, các cô gái không nên chỉ để ý vào giá cả mà còn phải suy xét đến nhiều khía cạnh khác như chất liệu, độ bền, kiểu dáng. Một món đồ phù hợp với bạn dù có giá mắc hơn nhưng có thời gian sử dụng là 10 năm thì cái giá đó hoàn toàn tương xứng với chất lượng. 

Chịu trách nhiệm với khả năng tài chính của bản thân

Số liệu ở Mỹ cho thấy rằng có tận 70% tỷ phú trúng số độc đắc đã phá sản sau một vài năm chỉ vì không có trách nhiệm và khả năng quản lý đối với tài chính bản thân. Chính vì thế, các cô gái có thể đầu tư cho mình những khóa học về quản lý tài chính để có thể thành thạo và có trách nhiệm hơn.

Bên cạnh các khoá học, hiện nay, một số ứng dụng điện thoại dũng được tạo ra để giúp mọi người quản lý chi tiêu. Tiêu biểu có thể kể đến là ứng dụng Money Lover. Khi sử dụng, mọi người sẽ nắm được hầu hết các khoản thu và chi của bản thân, nhận thấy được bản thân đã chi nhiều cho những khoản nào và khoản nào là không cần thiết để từ đó giám sát và tiết chế.