ĐỜI SỐNG

Bạn phi thường đến mức nào?

Yellowly • 21-10-2023 • Lượt xem: 1693
Bạn phi thường đến mức nào?

Thường khi nói đến một người phi thường, chúng ta thường gắn liền nó với vị trí, chức vụ, như những vị vua chúa, cho đến bậc thiên tài trong lịch sử nhân loại, họ là những người mà gắn với một hành động nào đó làm thay đổi cả một nền văn minh. Nếu phi thường được định nghĩa bởi những điều đó, bạn nghĩ mình có thể phi thường đến mức nào?

Bạn phi thường đến mức nào?

Có lẽ rất ít người gắn mình với hai chữ “phi thường”. Nó dường như quá choáng ngợp và khác biệt. Thường khi nói đến một người phi thường, chúng ta thường gắn liền nó với vị trí, chức vụ, như những vị vua chúa, cho đến bậc thiên tài trong lịch sử nhân loại, nói gọn ghẽ là những người mà gắn với một hành động nào đó làm thay đổi cả một nền văn minh.

Nếu phi thường được định nghĩa bởi những điều đó, bạn nghĩ mình có thể phi thường đến mức nào.

Một con bướm vỗ cánh trong rừng rậm Amazon có thể gây ra một cơn bão tàn phá một nửa châu Âu.

Thế giới rộng lớn, phức tạp và đôi khi có vẻ như những quyết định và hành động nhỏ của chúng ta có ít hoặc không ảnh hưởng gì đến bức tranh lớn. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ về những chi tiết nhỏ trong cuộc đời mình, bạn có thể thấy một sự kiện nhỏ thực sự là chất xúc tác cho sự thay đổi lớn trong cuộc đời bạn như thế nào.

Trong khoa học có một khái niệm gọi là Hiệu ứng cánh bướm. Hiệu ứng cánh bướm dựa trên quan điểm cho rằng mọi sự kiện trên thế giới có mối liên hệ sâu sắc với nhau, do đó một sự kiện nhỏ có thể ảnh hưởng đến một hệ thống phức tạp lớn hơn nhiều. Hiệu ứng này được đặt tên theo một câu chuyện ngụ ngôn về lý thuyết hỗn loạn; nó gợi lên ý tưởng rằng một con bướm nhỏ vỗ cánh theo giả thuyết có thể gây ra một cơn bão. Hoặc nó không thể - phần đáng kinh ngạc của hiệu ứng cánh bướm là hầu như không thể dự đoán được quá trình và kết quả của nó. 

Hiệu ứng cánh bướm lần đầu được công bố bởi nhà khí tượng học và toán học Edward Lorenz.

Hiệu ứng cánh bướm lần đầu tiên được đặt tên bởi nhà khí tượng học và toán học Edward Lorenz. Lorenz đang tìm cách dự đoán chính xác thời tiết, tuy nhiên, khi nhập các số liệu đầu vào, cho dù sai số có nhỏ đến thế nào, kết quả vẫn có sự khác biệt lớn so với khi nhập số liệu chính xác. Ông nhận ra rằng những thay đổi rất nhỏ ở điều kiện ban đầu có thể tạo ra sự khác biệt to lớn trong các sự kiện sau này.

Người ta từng nghĩ rằng những sự kiện làm thay đổi thế giới là cơn thịnh nộ của những nhà độc tài điên cuồng, những trận động đất lớn hay những cuộc di cư dân số rộng lớn, nhưng giờ đây có lẽ chúng ta có thể nghĩ theo hướng khác. Theo lý thuyết Hỗn loạn, những thứ thực sự thay đổi thế giới là những thứ nhỏ bé. “Một con bướm vỗ cánh trong rừng rậm Amazon và sau đó một cơn bão tàn phá một nửa châu Âu.”

Đây có lẽ là hiệu ứng cánh bướm được biết đến rộng rãi nhất trong lý thuyết này. Năm 1907-1908, một chàng trai trẻ nộp đơn vào Học viện Mỹ thuật ở Vienna, nhưng thật không may, anh ấy đã bị từ chối hai lần.

Sinh viên nghệ thuật đầy tham vọng đó là Adolf Hitler, người sau khi bị từ chối đã gia nhập Quân đội Đức thay vì thực hiện ước mơ làm nghệ sĩ và sau đó là câu chuyện của lịch sử.

Bạn có thể phi thường đến mức nào?

Một ví dụ bắt đầu từ bạn. Bạn có một chiếc máy ảnh cần bán và đăng món đồ lên trang bán hàng. Một người nào đó ở cách cả ngàn cây số tiếp cận và mua nó. Bạn đâu thể ngờ được nó sẽ mang đến cho bạn cơ hội để làm một công việc mà bạn hằng mơ ước. Những kết quả tưởng chừng như hoàn toàn không liên quan, thậm chí là to lớn hơn rất nhiều so với mục đích ban đầu.

Hoặc chỉ đơn giản hôm nay khi bạn đi dạo mát ở công viên, nhìn thấy một đứa bé đang hí hoáy vẽ tranh, bạn chỉ buột miệng khen bức tranh thật đẹp, bạn cũng đâu thể biết rằng, một ngày nào đó, đứa bé kia trở thành một  họa sĩ lừng danh chỉ nhờ một câu nói của bạn.

Theo cách như thế, ta thấy rằng một người rất đỗi bình thường cũng có thể làm nên những điều phi thường, hoặc không (tất nhiên luôn có xác suất cho mọi khả năng). Nhưng nếu bạn không làm gì, sẽ chẳng có cơ hội nào cho nó xảy ra cả. Như chú bướm bé nhỏ đâu nhận thức được một cái vỗ cánh yếu ớt của nó có thể là tác nhân gây nên một cơn bão lớn. Nhưng nó vẫn miệt mài vỗ cánh không ngừng để vận chuyển những hạt phấn hoa. Mỗi người trong chúng ta đều chẳng thể biết được rằng một hành động nhỏ bé trong vô số những điều chúng ta làm hằng ngày sẽ dẫn đến một tác động to lớn, thậm chí vĩ đại.

Nếu nhìn theo cách này, có lẽ mỗi người chúng ta đều là những người phi thường, mang trong mình quyền năng thay đổi thế giới.