ĐỜI SỐNG

Bánh mì Sài Gòn và bánh mì Hà Nội có gì khác nhau?

Thúy Vy • 29-07-2022 • Lượt xem: 847
Bánh mì Sài Gòn và bánh mì Hà Nội có gì khác nhau?

Nền ẩm thực Việt luôn được thế giới biết đến với những món ăn giản dị nhưng hương vị lại khó quên, và bánh mì chính là một trong nhiều cái tên được lòng bạn bè quốc tế nhất.

Sự đa dạng và phá cách của bánh mì ở Sài Gòn

Bánh mì Việt Nam chưa bao giờ là hết hot, thậm chí trong những năm gần đây, món ăn giản dị này ngày càng thăng hạng trên bản đồ ẩm thực thế giới và liên tục lọt vào top những món ăn ngon trên những tờ báo lớn. Nếu bạn là người sành ăn, sẽ không khó để nhận ra bánh mì của Sài Gòn và bánh mì Hà Nội có khá nhiều sự khác biệt.

 


“Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm ngon, ba ngàn một ổ” - bất cứ ai khi đặt chân đến Sài Gòn đều sẽ ít nhất một lần nghe thấy giai điệu đặc trưng này văng vẳng trên khắp các nẻo đường. Những chiếc bánh mì nóng hổi, vàng ruộm, thơm nức mùi bơ, sữa và bột trộn. Hương vị đặc trưng ấy cứ thế lan tỏa khắp mọi con đường, ngóc ngách ở Sài Gòn. Hôm nào lười quá, một ổ bánh mì không chấm với một chén sữa đặc, hoặc ăn cùng một dĩa trứng ốp-la, thế là đã xong một bữa sáng nhanh chóng mà ngon miệng.

 

Ngoài những ổ bánh mì không nóng giòn thơm ngon còn có đa dạng món bánh mì kẹp với đủ các loại topping bên trong như thịt nướng, thịt quay, thịt phá lấu, gà chiên, giăm bông, chả, xá xíu... Ngày nay, một số quán ăn còn biến tấu thêm bánh mì bò lá lốt, bánh mì sườn bì chả, bánh bột lọc xoài... Đặc trưng của bánh mì kẹp Sài Gòn là ổ to, lõi dày và phần nhân đầy đặn. Bánh thường được ăn kèm các loại rau thơm, đồ chua, nước sốt và đặt biệt là pate tạo nên hương vị hài hòa mà khó quên.

 

 

Thêm vào đó, ảnh hưởng từ ẩm thực Trung Hoa, người Sài Gòn cũng kết hợp bánh mì với các món có nước như cà ri gà hay phá lấu, nấu từ thịt bò và nội tạng như gan, lá lách, dạ dày, biến tấu từ món ăn gốc Hoa. Thay vì ăn cùng bún hoặc mì, người ta thường lựa chọn bánh mì. Hương vị đậm đà của cà ri, phá lấu hòa quyện với mảnh bánh mì thơm phức, nóng hổi luôn làm thực khách mê mẫn, ăn mãi không thể dừng.

 

Nhân thơm phức ở bánh mì Hà Nội

Ở Hà Nội, bánh mì là món ăn sáng phổ biến, đôi khi lại là món ăn trưa nếu muốn đổi vị. Bánh mì Hà Nội trước kia thường có nhân pate, giò lụa, ruốc, trứng rán, rau mùi và tương ớt. Ngày nay bánh mì còn có thêm nhiều loại topping ăn kèm như thịt nướng, giăm bông, nem khoai, xá xíu hoặc chấm cùng một bát sốt vang... Đặc trưng của bánh mì Hà Nội là phần nhân bánh không quá dày, vỏ bánh giòn xốp.

 

 

Một trong những món bánh mì mà bất cứ ai khi đặt chân đến Hà Nội đều muốn một lần thưởng thức là bánh mì dân tổ ở góc phố Trần Nhật Duật, Cao Thắng. Bánh mì có lớp vỏ mỏng, giòn rụm cùng với các nguyên liệu để làm nên phần nhân như hành tây, trứng, pate, xúc xích, chả, lạp xưởng, bò khô, bơ... được cho lần lượt vào một chiếc chảo để xào lên cùng nhau. "Hỗn hợp" này thoạt nhìn có thể sẽ thấy hơi ngấy một chút vì hầu như nguyên liệu đều mặn và béo. Thế nhưng nó lại tạo nên một hương vị khác biệt, lạ miệng cho chiếc bánh mì dân tổ khiến thực khách yêu thích, hoặc đơn giản là tò mò tìm đến ăn.

 

 

Ngoài ra, ở Hà Nội, người ta cũng sẽ dễ dàng bắt gặp các quán bánh mì bò bít tết với nhân pate, trứng ốp la, khoai tây chiên, thịt bò được rưới ngập sốt nóng hổi trên chảo gang. Món ăn này cũng có tại nhiều nơi ở miền Trung và miền Nam với tên gọi bánh mì bò né, miêu tả phản ứng của người ăn khi được phục vụ, né mỡ nóng trên chảo gang.