ĐỜI SỐNG

Bão thất nghiệp và tâm thế của Gen Z

Yellowly • 10-02-2023 • Lượt xem: 3666
Bão thất nghiệp và tâm thế của Gen Z

Những năm trở lại đây, ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp lao đao, người lao động (NLĐ) mất việc, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến so với trước đó. Bước sang năm 2022 và 2023, nhờ những chính sách thúc đẩy kinh tế, thị trường lao động cũng có dấu hiệu phục hồi và chuyển biến tích cực hơn.

Vừa không tuyển được người vừa không tìm được việc

Tuy nhiên, chúng ta vẫn nghe đâu đó lời ca thán của bộ phận tuyển dụng ở các doanh nghiệp là không tuyển được người, trong khi theo Cục thống kê: “Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2022 là 52,1 triệu người, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng gần 0,3 triệu người so với quý trước và tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước”. Vậy là do đâu?

Tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM (FALMI), nhu cầu tuyển dụng nhân lực qua đào tạo năm 2022 là 85,78%.

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực trình độ đại học trở lên chiếm 20,19% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực trình độ cao đẳng là 19,55%; với trung cấp là 28,64%; sơ cấp là 17,4%, còn nhu cầu với nhân lực chưa qua đào tạo là 14,22%.

Trong khi đó, nhu cầu tìm việc cũng cùng trong năm này được liệt kê như sau: Nhu cầu tìm việc ở nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 76,86%. Ở nhân lực trình độ cao đẳng là 13,93%; trung cấp là 3,14%; sơ cấp là 1,61%; còn nhân lực chưa qua đào tạo chiếm 4,46%.

Chúng ta có thể thấy được, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trình độ đại học trở lên ở các doanh nghiệp chỉ chiếm hơn 20%, tương đương so với trình độ cao đẳng và trung cấp. Tuy nhiên, người lao động có trình độ đại học trở lên có nhu cầu tìm việc chiếm tỷ lệ hơn 75%. Cao hơn rất nhiều so với các trình độ khác. Cơ cấu lao động phân bố chưa cân đối là nguyên nhân khách quan dẫn đến sự chênh lệch về nhu cầu ở cả hai phía, sẽ có một số lượng người lao động không tìm được việc, một số khác, sẽ tìm kiếm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn thấp hơn so với trình độ thực tế.

Doanh nghiệp không tuyển được người, trong khi nhiều người lao động không có
việc làm

Gen Z - thị trường lao động tiềm năng

Hiện nay, thế hện Gen Z đã bắt đầu bước vào thị trường lao động, và là nhóm trẻ nhất, tính đến năm 2025, Gen Z sẽ chiếm 30% trong tổng số lao động ở thị trường Việt Nam. Trong tương lai họ sẽ là lực lượng lao động chính của xã hội. Thế hệ Gen Z đã mang đến một cách tiếp cận nghề nghiệp rất khác so với các thế hệ trước. Có thể nói, một bộ phận Gen Z đề cao sự phát triển cá nhân. Họ đòi hỏi ở công ty không những là mức lương cao, đãi ngộ phải tốt mà môi trường làm việc còn phải công bằng, năng động, công việc còn phải đúng với sở thích của họ. Đối với họ, mối quan hệ giữa nhân viên và sếp cũng phải bình đẳng với nhau, sẵn sàng đấu tranh phản biện nếu “ý sếp” không phù hợp với “ý em”. Họ không chấp nhận những cuộc gọi đột xuất ngoài giờ làm việc. Họ có cuộc sống riêng khi làm việc và cuộc sống ngoài công việc. Những điều này khiến chúng ta có thể nhận ra đó là khác biệt rõ rệt so với thế hệ Gen X, và Y.

Lao động Gen Z mang nhiều nét khác biệt rõ rệt so với Gen X và Y

Nhu cầu tuyển dụng hàng năm của các doanh nghiệp tại Việt Nam không phải ít, lực lượng lao động cũng rất dồi giàu, tuy nhiên ứng viên có thể đáp ứng được các tiêu chí của họ lại không nhiều. Nhiều doanh nghiệp yêu cầu người lao động có trình độ chuyên môn cao, kèm theo kinh nghiệm làm việc thực tiễn, và các kỹ năng mềm khác. Tuy nhiên, mức lương đưa ra lại chưa đáp ứng được nguyện vọng của họ. Hơn nữa một số công ty đưa ra quy trình/chính sách không minh bạch trong việc trả lương, thưởng, KPI, điều này cũng khiến cho nhiều người muốn chuyển đến công ty tốt hơn.

Phần lớn Gen Z đều là những người vừa bước vào thị trường lao động, họ sẽ sẵn sàng nhảy việc nếu công ty không đáp ứng được tiêu chí của họ hoặc khi họ cảm thấy công việc không có sự phát triển. Dường như với họ, thất nghiệp không đáng sợ, họ tận dụng những khoảng thời gian trống trong lúc nhảy việc, để nghỉ ngơi, nhìn lại cuộc sống. Tuy nhiên, liên tục nhảy việc khiến cho một số nhà tuyển có thái độ e dè và quan ngại đối với các ứng viên Gen Z. Việc này không giúp họ có nhiều kinh nghiệm hơn, được nhận mức lương cao hơn, mà chỉ cho thấy họ không thật sự gắn bó với một công việc đủ lâu để tích lũy kinh nghiệm cho một vị trí. Do vậy, cũng có rất nhiều người đã phải vỡ mộng vì khi nhảy sang một công ty khác có vẻ là thích hợp hơn, thì họ vẫn sẽ  gặp phải những vấn đề khác, khiến họ nhận thấy thực tiễn và những gì họ nghĩ có phần khác xa. Hơn nữa phần lớn Gen Z chỉ vừa bắt đầu sự nghiệp, họ chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và các kỹ năng cần thiết cho công việc. Việc một bộ phận Gen Z đòi hỏi mức lương chưa thỏa đáng với năng lực cũng khiến các nhà tuyển dụng có phần ngao ngán.

Gen Z là lực lượng lao động chính trong tương lai

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận, sự “kén chọn” của một bộ phận Gen Z vô tình đã mang đến một làn gió mới và những thay đổi khá tích cực trong thị trường tuyển dụng nói chung. Điều này khiến các doanh nghiệp cũng phải xem lại các tiêu chí và phương pháp tuyển dụng, cũng như các đãi ngộ cho người lao động để làm sao mà thu hút được những nhân sự có chất lượng cống hiến cho công ty. Gen Z là một thế hệ dám nói, dám nghĩ, dám làm. Họ có tự tin thể hiện bản thân và một tinh thần tích cực trong công việc. Đó là điều rất đáng quý.