Hội họa

'Bão tố' khi Nguyễn Quang làm đêm nhạc Nguyễn Ánh 9

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 23-04-2021 • Lượt xem: 10957
'Bão tố' khi Nguyễn Quang làm đêm nhạc Nguyễn Ánh 9

Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh là khách mời của chương trình "Xa vắng tiếng dương cầm" đêm nhạc tưởng niệm 5 năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tổ chức cuối tuần qua tại nhà hát Opera House Đà Lạt. Anh đã có nhận xét "đêm nhạc bão tố" khi đánh giá những thành công "vượt bậc", như "cơn bão thổi qua những ngày tháng khô cằn vì covid" khó quên trong tâm tưởng. Vẫn dư vị cảm xúc ngập tràn khi nhớ lại. Không chỉ bây giờ mà có lẽ còn thời gian dài về sau nữa... 

Tin và bài liên quan: 

Những dư âm ấn tượng sau đêm diễn 'Xa vắng tiếng dương cầm'

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Nhớ NS Nguyễn Ánh 9, 'Buồn ơi, chào mi!'

Nguyễn Hữu Hồng Minh: NS Nguyễn Quang, người sống cùng Âm nhạc Việt 

Ca sĩ Tuấn Anh và 'duyên lành' được gặp nhạc sĩ Nguyễn Quang

Đêm nhạc 'Xa vắng tiếng dương cầm' - Thành công của những điều kỳ diệu

Tôi đã đến Đà Lạt đến với chương trình "Xa vắng tiếng dương cầm" bằng chuyến xe giường nằm nửa khuya ở Hàng Xanh - Sài Gòn. Lúc đó trong tôi gần như không có một cảm xúc dư vị gì! Chỉ theo đuổi một suy nghĩ tại sao lại đưa một đêm nhạc lên phố núi?

Không lẽ, giữa những ngày tháng Covid đã và đang đe dọa toàn cầu này, cho đến bây giờ - vẫn còn dấu hiệu đe dọa bùng nổ bất cứ khi nào, thì phố núi, thì Đà Lạt, thì Opera House bình yên hơn hay sao?

Có lẽ nào...

Chuyến xe khởi hành trong tôi vẫn âm vọng bài hát "Buồn ơi chào mi'. Thôi thì cứ để mặc những vòng quay theo bánh xe lăn.

Và tôi bất ngờ nhận ra Nguyễn Ánh 9 đã có những ca khúc bất hủ.

Thậm chí, như bài hát "Buồn ơi chào mi" tình cờ chuyến viễn hành trong đêm này được bác tài mở trên xe vang lên giữa khuya khoắt như một lời thì thầm kỳ diệu với tôi mà qua nhiều tư liệu cho biết thì nhạc sĩ đã viết từ cảm xúc khi đọc tiểu thuyết tiếng Pháp cùng tên "Bonjour Tristesse" của nhà văn Francoise Sagan viết năm 1954. Khi bà đang tuổi dậy thì, là 'gái non" mới lớn, là còn quá trẻ.

Nhưng cho dù tuổi nào thì những ca từ thấm thía như Nguyễn Ánh 9 đã viết "Buồn ơi ta xin chào mi! Khi người yêu đã bỏ ta đi / Buồn ơi hãy đến với ta / Để quên chuyện tình xót xa..." vẫn bén ngọt, vẫn "đốn tim" dù cao bồi già hay hoàng tử "đi tìm sự thật để học rùng mình" với nàng công chúa ngủ trong rừng vẫn đau đớn như nhau. Tôi lại nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có lần kể với tôi khi hai anh em đang uống quán cà phê Nhân trong phố cổ Hà Nội "Càng có tuổi càng nhục, càng già lại càng đau...".  Vì thế, bài hát "Buồn ơi chào mi" sống lâu trong mọi trái tim. Còn thử khảo sát chút ít về nguyên bản tiểu thuyết "Bonjour Tristesse" từng được ca ngợi là "một tiểu quái quyến rũ" (un charmant petit monstre) trên trang nhất của tờ báo Le Figaro. Và rõ ràng bài hát với một xuất xứ như thế sẽ không còn ở phạm vi trong nước nữa mà theo mọi trái tim, tâm hồn yêu nhạc Nguyễn Ánh 9 ra khỏi biên giới.

Ừ, mà nếu nghĩ được như thế thì đêm nhạc tưởng niệm 5 năm ông mất ở Sài Gòn, Hà Nội hay Đà Lạt cũng chẳng là bao xa... 

Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh và hoa hậu Đền Hùng Giáng My cùng gặp nhau tại nhà hát Opera House Đà Lạt trong đêm nhạc "Xa vắng tiếng Dương cầm" trước giờ khai diễn, tối 11.4.2021.

Âm nhạc hay bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng cần sự đột phá. Nhưng để làm được điều đó không hề dễ. Bởi người nghệ sĩ ngoài tài năng ra còn phải được cập nhật thường xuyên thông tin công nghệ, phát hiện được những công năng hàng đầu của ngành công nghệ giải trí thế giới để thao tác ứng dụng.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang, Tổng đạo diễn chương trình "Xa vắng tiếng dương cầm" tưởng niệm 5 năm ngày mất của cha anh, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - xúc động tặng hoa cho mẹ mình, nghệ sĩ thiết hài Ngọc Hân. Dù sức khỏe yếu, chưa bình phục sau ngày chồng mất, bà vẫn quyết định có mặt khi di chuyển một chặng đường xa từ Sài Gòn lên Đà Lạt giữa tiếng vỗ tay rào rào của khán giả trong nhà hát Opera House Đà Lạt.  

Nhạc sĩ Nguyễn Quang, con trai của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vốn đã nổi tiếng về "độ quái" vì anh quá yêu âm nhạc và luôn luôn muốn hướng tới sự hoàn hảo. Trong một số bài viết đây đó tôi đã viết về anh. nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh thời đã từng nói về Nguyễn Quang là "phù thủy âm nhạc" khi nghe anh chơi đàn piano. Và rất nhiều nhận xét khác nữa cho thấy Quang luôn là "quá khổ", không vừa với một khuôn nhận định nào và bao giờ cũng tách khỏi đám đông. Những cái tên bạn bè hay cuộc đời tặng cho anh chỉ càng nói lên một điều, Quang không giống ai cả. Mà trong nghệ thuật, "không giống ai" đôi khi chính là một lực cản, một gánh nặng không nhỏ. Thậm chí bị biệt lập. Có phải vì quá hiểu những đứa con của mình nên trong một lần ở trên sân khấu Hà Nội, mà ca sĩ Ngọc Châm đã kể lại trong phần giao lưu đêm nhạc "Xa vắng tiếng dương cầm", ông đã xúc động nói với khán giả và các nghệ sĩ trong đêm diễn "Nếu quý vị có thương yêu tôi, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 như thế nào thì xin quý vị hãy thương yêu như thế với Nguyễn Quang...".

Nhạc sĩ Nguyễn Quang giao lưu với ca sĩ Evis Phương về một số kỷ niệm xung quanh hai ca khúc "Không" và "Tình khúc chiều mưa" của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. 

***  

Thật vậy! Không có ai hiểu con cái mình bằng các bậc làm cha mẹ. Và hiểu luôn cả những khát vọng, tài năng ẩn khuất cũng như thói hư tật xấu của mỗi đứa con. Riêng Nguyễn Ánh 9 còn hiểu cả những đam mê, dằn vặt, luôn khao khát đi tới những chân trời nghệ thuật nối dõi tinh thần của cha từ hai người con trai ông. Ông tin Nguyễn Quang sẽ làm được những điều gì đó cho âm nhạc. Và tôi đã chứng kiến trong chương trình "Xa vắng tiếng dương cầm" tưởng niệm 5 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa do công ty Haha Production tổ chức tại nhà hát Opera House Đà Lạt sự đột phá của nhạc sĩ Nguyễn Quang. Nói không quá, ngoài là một Tổng đạo diễn tài hoa, ở anh còn tiềm ẩn phẩm chất độc đáo của một thiên tài âm nhạc. Anh đã làm rất cả trong một. Từ viết hòa âm phối khí đến chỉ huy dàn nhạc, lo âm thanh ánh sáng đến thiết kế sân khấu. Và nữa, sự xuất thần nhập hồn trong vai trò của một pianist diễm tuyệt. Những ngón trắng chớp trong đêm đã mang lại cho khán giả thưởng thức những âm giai, những biến tấu kỳ ảo. Tôi không hiểu sao trong tâm hồn một người nhìn khiêm tốn như vậy lại mang chứa nhữn quyền năng khủng khiếp. Vi tình yêu cha mình, tình yêu âm nhạc đã mở ra những bến bờ mới cho một tài năng tiềm ẩn chăng?    

Giây phút xuất thần của ca sĩ Hồ Lệ Thu cùng tiếng đàn của Pianist Nguyễn Quang, tổng đạo diễn chương trình "Xa vắng tiếng dương cầm".  

Mà thực sự muốn đạt được sự hoàn hảo trên sân khấu là điều vô cùng khó vì âm nhạc và sàn diễn luôn chuyển dịch và quá nhiều phụ thuộc của "kẻ khác". Ví dụ như ánh sáng không đủ, sân khấu có sự cố, ca sĩ kém phong độ, ban nhạc vào nhịp không chuẩn... đều đặt ra cho Tổng đạo diễn một trách nhiệm nặng nề, nỗi căng thẳng, niềm thử thách lo âu tột bật. Nhìn góc rộng như vậy để thấy Nguyễn Quang đã chịu một áp lực lớn như thế nào cho trước, trong và sau đêm diễn. Một sơ suất, một sự cố nhỏ cũng sẽ dẫn đến bao điều đáng tiếc. 

Và kỳ diệu là anh đã tiên đoán được mọi điều. Đã dũng cảm đương đầu. Và đã vượt qua tất cả! Một đêm nhạc đầy xúc cảm. Từ kịch bản chương trình, phân cảnh trên sân khấu đến cách thể hiện của ca sĩ, ban nhạc...

Và tất nhiên có sự dõi theo từ xa hay sự độ trì của người cha, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Nhiều người đã chứng kiến một việc rất kỳ lạ là có một con bướm to đã xuất hiện trong nhà hát và bay đến bên bà quả phụ, vợ nhạc sĩ, nghệ sĩ thiết hài Ngọc Hân. Con bướm có thể bay từ đâu vào và làm sao có thể xuất hiện bất ngờ giữa một biển người như vậy? Cho đến khi đêm nhạc thành công thì con bướm đã biến mất. Điều này hình như MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên là biết rõ nhất. Có thể do cô có một đời sống thanh cao về tâm linh. Tôi nghe giám đốc Chu Thị Hồng Anh điện thoại và kể rằng Kỳ Duyên có làm video về con bướm trên kênh Youtube của cô. Nếu bạn bào muốn biết thêm những điều kỳ diện của đêm nhạc "Xa vắng tiếng dương cầm" xin mời theo dõi thêm những video này trên kênh riêng của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên. 

Ca sĩ Triệu Long khi hát nhạc Nguyễn Ánh 9 tiếng hát anh dạt dào cảm xúc.

Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh qua giới thiệu của nhạc sĩ Đức Trí, đã tìm thấy cây đàn Dương cầm đầu đời của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tập khi ông còn học ở trường Petit Lycee Đà Lạt những năm 1950. 

Đó là vì suốt một thời tuổi trẻ ông đã gắn bó với Danh đô phố núi này khi đi học ở đây. Cây đàn piano đầu đời của ông tập khi học tại trường Petit Lycee Đà Lạt hiện đã được một bảo tàng lưu giữ những tư liệu Văn hóa của người Đà Lạt tìm thấy và trưng bày cho nhiều du khách đến tham quan. Trong chuyến trở lại miền đất Hoàng triều Cương thổ này, được sự giới thiệu của nhạc sĩ Đức Trí, tôi đã tìm dến Dinh Tỉnh trưởng 3 gần đường Phan Bội Châu để được chạm tay vào cây đàn piano đó! Thật là kỳ diệu!

Khó quên với cá tiết mục của các ca sĩ từ Hải ngoại về như Hồ Lệ Thu, Evis Phương, Ngọc Liên...

Khi Evis Phương hát hai ca khúc "Không" và "Đêm nay ai đưa em về". Ông cho biết ca khúc "Không" vốn là Nguyễn Ánh 9 viết cho Khánh Ly, Nhưng chính ông là người đã đưa ca khúc đến bến bờ của sự thành công. Nhạc sĩ Nguyễn Quang trong phần giao lưu cho khán giả phố núi biết!

Và xuất sắc hơn cả là tiết mục song tấu piano của Nguyễn Quang và cha mình, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - lấy  lại những diễn tấu của ông ngày còn sống. 

Phải nói với tiết mục này làm cả hội trường sởn da gà, chếnh choáng vì mức độ "khủng khiếp" dâng trào không định trước của cảm xúc.

Để những tiếng vỗ tay làm nên "bão tố", làm nên thành công vô bờ của đêm diễn "Xa vắng tiếng dương cầm".

Ấn tượng Nguyễn Quang. Anh đã chinh phục hoàn toàn những trái tim khán giả! 

Và tất nhiên, mọi người xem chương trình đều rất mong một ngày anh và ban nhạc và các cộng sự của mình sẽ trở lại...

Đà Lạt, cà phê Tùng, sáng Chủ nhật 12.4.2021.

Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh