ĐỜI SỐNG

Bất ngờ với lí do ‘stress khi quần áo diện một lần đã thấy cũ’

Minh Trung • 15-10-2022 • Lượt xem: 339
Bất ngờ với lí do ‘stress khi quần áo diện một lần đã thấy cũ’

Với sự phát triển chóng mặt của ngành thời trang nhanh, chúng ta đang thuận lợi hơn trong việc mạnh tay chi cho mua sắm. Với giá cả phải chăng, mẫu mã đa dạng, dễ phối với các phụ kiện khác, thời trang nhanh đang và sẽ là một thị trường béo bở mà bất kì thương hiệu nào cũng hướng tới. Từ đây cũng nổi lên một hiện trạng, đó là việc nhiều người trong chúng ta stress với quần áo đã qua mặc lần thứ nhất.
 

Hiệu ứng ánh đèn sân khấu - Spotlight Effect 

Hiệu ứng ánh đèn sân khấu

Có thể giải thích đơn giản rằng, đây là hiệu ứng khiến chúng ta đang tưởng tượng quá mức về sự chú ý của người khác dành cho bản thân chúng ta. Nó giống như những ánh đèn trên sân khấu tập trung hướng về thứ gì đó, nhằm làm nổi bật chủ thể trên sân khấu. 

Một ví dụ dễ hiểu, khi lần đầu khoác lên mình bộ quần áo mới, bạn sẽ bắt gặp ánh mắt từ nhiều người. Đó có thể đến từ vẻ đẹp hay nét độc đáo của bộ quần áo. Một cách tự nhiên, đa số chúng ta sẽ cảm thấy một chút tự hào, hãnh diện về bộ trang phục đang mặc. Lần kế tiếp, khi khoác lên mình bộ trang phục đó lần thứ hai, bạn vẫn sẽ tưởng tượng tới cảnh người khác đang chú ý đến bạn. Sự tưởng tượng này diễn ra vì kí ức về lần đầu mặc bộ quần áo này đã in sâu trong não của bạn. Việc in sâu không chỉ hình ảnh mà còn cả cái cảm giác rất thật. Điều này sẽ khiến bạn lo ngại về việc người khác đang nhìn và chú ý vào bộ trang phục đã mặc lần thứ hai của bạn. 

Tóm lại, hiệu ứng ánh đèn sân khấu là hiệu ứng tâm lý khiến chúng ta tự tưởng tượng và đánh giá quá cao mức độ quan tâm, chú ý của người khác dành cho bản thân chúng ta, từ đó gây ra những cảm xúc không mong muốn như stress, lo lắng… 

Nguyên nhân của hiện tượng hiệu ứng này là gì? 

Có thể nói, “sợ bị bỏ lại phía sau” (fomo) là nguyên nhân chính yếu gây nên tác động tiêu cực này. Trang web uy tín về tâm lý học – Psycology Today năm 2016 trong bài nghiên cứu về tác động của thời trang đến cuộc sống cho biết, 72,3% chúng ta bị chi phối bởi những thứ mới mẻ do thời trang mang lại. Với tâm lý sợ là “người tối cổ” khi không sở hữu món đồ nào đó, mọi người sẽ săn lùng để mua cho bằng được và chỉ mặc nó đúng vài lần. Thậm chí, theo một khảo sát nhỏ từ hãng H&M, có những người chỉ mua để thỏa mãn chứ chưa từng mặc. Khi kiểm tra lại tủ đồ thì đã lỗi thời. Thứ hai, các mẫu quảng cáo hay tầm ảnh hưởng từ những người nổi tiếng (influencer) là nhân tố định hình xu hướng thời trang của chúng ta, nhất là giới trẻ. Không thể phủ nhận chiến lược cộng tác nhằm mời các kol trở thành đại sứ thương hiệu hoặc góp mặt trong các tvc quảng cáo đã mang lại mức lợi nhuận đáng kể, đồng thời một cách gián tiếp định hình gu thời trang trong giới trẻ. Trong tâm lý học gọi hiện tượng này là “neo cảm xúc”, nghĩa là khi nhìn thấy một bộ trang phục nào đó, người dùng sẽ nhớ đến cái cảm giác mà những influencer đã thể hiện trong khoảnh khắc đó, tạo một cảm giác thân quen, từ đó góp phần nhanh chóng đưa ra quyết định mua hàng.

Cuối cùng, những bình luận hay đánh giá từ những người xung quanh và từ nền tảng mạng xã hội vô hình chung gây nên một nỗi sợ vô hình. Đặc biệt, nhiều khi những bình luận đó không phải dành cho chúng ta, nhưng ấn tượng về những đánh giá đó trên người khác vô tình làm chúng ta chột dạ và đắn đo hơn trong việc lặp lại một bộ trang phục.

Làm sao để hạn chế việc stress với quần áo mặc “lần hai”? 

Tất cả những nguyên nhân trên đều dẫn đến một hệ quả là mua sắm. Theo nhà tâm lý học Penn State, trong nghiên cứu về sự chuyển đổi cảm xúc khi mua sắm cho ra kết quả, 62% số người được khảo sát cho biết, họ cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn khi mua sắm, và cảm giác này cũng đúng với những người đang có vấn đề nhẹ về sức khỏe tâm thần. Thật vậy, nhiều nhà nghiên cứu về não bộ đã chỉ ra rằng, trong quá trình mua sắm, cơ thể đang tiết ra hormone dopamine giúp cơ thể đạt được trạng thái hưng phấn và trực tiếp nạp một lượng năng lượng tức thời. 

Không thể phủ nhận lợi ích của việc mua sắm, nhưng chúng ta đều hiểu và ý thức về việc tiền bạc và môi trường đang có những ảnh hưởng tiêu cực từ hành động này đúng không? Vậy làm sao để hạn chế việc mua sắm quá đà? Nói cách khác, làm sao để không bị stress khi diện lại đồ cũ để chụp ảnh? 

Thứ nhất, nếu chụp ảnh, cách đơn giản nhất để người khác không chú ý vô trang phục mình đang mặc là làm cho họ chú ý vô một thứ khác nổi bật hơn, ví dụ như cảnh vật hoặc ý nghĩa của bối cảnh (sự kiện, khóa học, đồ ăn). Thứ hai, ra quyết định mua hàng sau 48 giờ suy nghĩ. Cách này khiến não bộ đã có thời gian xử lí và cân nhắc tính thiệt hơn để mua một sản phẩm nào đó. Cuối cùng, liệt kê những thứ cần mua trước khi đi mua sắm. Tựu chung, cách để hạn chế mua sắm là rất nhiều, nhưng việc ý thức và quyết tâm từ bên trong mới ảnh hưởng đến sự thay đổi của mỗi chúng ta. 

Tóm lại, dưới góc độ tâm lý học, stress khi quần áo diện một lần đã thấy cũ là bởi hiệu ứng ánh đèn sân khấu. Mỗi chúng ta có thể bắt tay vào hành động ngay từ hôm nay để bản thân luôn cảm thấy hạnh phúc khi diện những bộ trang phục mà mình đã kì công chọn lựa khi ra ngoài nhé.