ĐỜI SỐNG

Bí quyết trả lời những câu hỏi khó của nhà tuyển dụng

Nguyễn Hậu • 27-02-2023 • Lượt xem: 901
Bí quyết trả lời những câu hỏi khó của nhà tuyển dụng

Những câu hỏi hóc búa của những nhà tuyển dụng luôn làm các ứng viên lo lắng, không biết phải trả lời thế nào. Vì vậy các ứng viên nên trang bị cho mình những bí quyết sau đây.

Lý do tại sao nhà tuyển dụng lại hỏi những câu hỏi khó

Nhà tuyển dụng hỏi những câu hỏi phỏng vấn hóc búa vì nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do khiến nhà tuyển dụng đặt những câu hỏi khó là để tìm kiếm thông tin quan trọng về bạn. Ví dụ, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu bạn nói với họ về bản thân bạn. Bạn sẽ cung cấp cho họ một bảng tóm tắt ngắn gọn về bản thân sẽ là những thông tin hữu ích giúp nhà tuyển dụng hiểu được bạn.

Một lý do khác khiến nhà tuyển dụng đặt những câu hỏi phỏng vấn khó là để tìm hiểu về quá trình suy nghĩ của bạn. Ví dụ, họ có thể hỏi bạn một câu hỏi trừu tượng và bất ngờ như: “Nếu bạn là một cái cây, bạn sẽ là loại cây nào?”. Nhà tuyển dụng không tìm kiếm một câu trả lời cụ thể ở đây mà muốn xem liệu bạn có thể suy nghĩ nhanh chóng, tư duy có logic hay không...

Tìm kiếm những ứng viên phù hợp - Hình minh họa

Cuối cùng, nhà tuyển dụng có thể hỏi những câu hỏi phỏng vấn khó để đánh giá mức độ kinh nghiệm và sự lạc quan của bạn với những nhiệm vụ khó khăn. Điều này phổ biến hơn trong các ngành nghề kỹ thuật như lập trình máy tính hoặc kế toán. 

Ngoài ra còn lý do nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi khó mục đích của họ chỉ muốn biết bạn đang gặp phải vấn đề gì khiến bạn nghỉ việc để họ có thể biết được công ty của họ có đang tồn tại vấn đề đó không.

Bí quyết chung để trả lời những câu hỏi khó

Trước tiên bạn hãy giữ tâm trạng thật bình tĩnh. Nếu người phỏng vấn hỏi những câu hỏi phỏng vấn khó, bạn không cần phải trả lời ngay. Hãy nói với nhà tuyển dụng những câu như: “Đó là một câu hỏi hay. Có ổn không nếu tôi dành một chút thời gian để suy nghĩ?” Hoặc yêu cầu họ lặp lại câu hỏi để câu giờ điều này giúp bạn có thêm thời gian để bình tĩnh và suy nghĩ kỹ hơn.

Hãy bình thường hóa câu hỏi của nhà tuyển dụng. Thông thường, nhà tuyển dụng dùng những câu hỏi học búa để có thể quan sát quá trình suy nghĩ của bạn và cách bạn vượt qua những tình huống căng thẳng và khó khăn. Vì vậy, không nhất thiết phải có câu trả lời đúng và sai, họ muốn xem bạn nghĩ như thế nào.

Bạn không nên nêu ra lý do bạn nghỉ việc công ty cũ mà nên nói về lý do tại sao bạn lại muốn tìm một công việc mới.

Mô hình Ask phổ biến nhất thế giới hiện nay - Hình minh họa

Không nên nói xấu công ty cũ hay sếp cũ, mà bạn nên lựa chọn những từ ngữ tích cực khi nói về công việc cũ, công ty cũ, sếp cũ.

Áp dụng mô hình Star - một mô hình hiệu quả giúp trả lời các câu hỏi khó của nhà tuyển dụng. Star có nghĩa là bối cảnh tình huống, nhiệm vụ, trách nhiệm bạn được giao, bạn đã làm gì, kết quả thế nào?

Hãy thể hiện thái độ tốt thông qua 8 yếu tố sau: tự truyền động lực, tự tin, lạc quan, hợp tác với người khác, khả năng và mức độ sẵn sàng học hỏi, sự nhiệt tình, mức độ cam kết và cuối cùng là sự chính trực. Trong mô hình Ask là mô hình đánh giá năng lực tiêu chuẩn phổ biến nhất trên thế giới, được viết tắt của Attitude (thái độ); Skill (kỹ năng); Knowledge (kiến thức) thì thái độ chiếm 70%, kỹ năng 26%, kiến thức 4%. Vì vậy khi đi phỏng vấn bạn hãy chuẩn bị thật kỹ về thái độ. Có câu nói thái độ hơn trình độ. 

Dưới đây là một vài ví dụ về các câu hỏi phỏng vấn khó để bạn áp dụng những bí quyết trên vào thực hành:

Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?

Bạn thấy mình ở đâu trong 5 năm nữa?

Vị trí này có giống với các vị trí khác mà bạn đang xem xét không?

Tại sao bạn muốn rời bỏ công việc hiện tại?

Hãy kể cho tôi nghe về một lần bạn mắc sai lầm?

Bạn ít thích điều gì nhất về công việc trước đây của mình?

Làm thế nào để bạn xử lý các tình huống căng thẳng?

Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?

Hãy kể cho tôi nghe về một lần bạn bất đồng với cấp trên.

Tại sao có một khoảng trống trong lịch sử công việc của bạn?