ĐỜI SỐNG

Biết chữ không chỉ là khả năng đọc và viết

Nina • 17-09-2024 • Lượt xem: 344
Biết chữ không chỉ là khả năng đọc và viết

Chúng ta cần hiểu rằng chữ viết là nền tảng của mọi kỹ năng học tập khác. Khi hiểu đúng về chữ viết và ưu tiên nó như một mục tiêu học tập, các kỹ năng quan trọng khác cũng sẽ phát triển theo để hỗ trợ thành công trong cuộc sống. Bạn nghĩ gì về việc "biết chữ"?

Hầu như điều chúng ta nghĩ rằng việc biết chữ là khả năng đọc các từ, nhưng định nghĩa đó còn khá sơ sài về bản chất thực sự của nó. Khi học chữ, người ta học nhiều thứ hơn là chỉ các kỹ năng đọc viết, mặc dù đó chắc chắn là một phần quan trọng.

Vấn đề cơ bản của những suy nghĩ cho rằng biết chữ chỉ là biết đọc biết viết ký tự, là họ từ chối bất cứ điều gì liên quan tới chữ nghĩa vì họ không giỏi về ngôn ngữ và "không đọc nhiều". Điều này thường khiến họ sẽ bỏ lỡ nhiều thông tin có sẵn, dẫn đến bản thân không có khả năng tự vệ trước những thông tin đáng ngờ.

Chúng ta cần hiểu rằng chữ viết là nền tảng của mọi kỹ năng học tập khác. Khi hiểu đúng về chữ viết và ưu tiên nó như một mục tiêu học tập, các kỹ năng quan trọng khác cũng sẽ phát triển theo để hỗ trợ thành công trong cuộc sống. Sau đây là 7 lý do tại sao biết đọc biết viết là mục tiêu học tập quan trọng nhất đối với tất cả học sinh:

1. Biết chữ không chỉ là khả năng đọc và viết

Biết chữ bao gồm khả năng hiểu những gì có trên một văn bản và viết lại được những thông tin đó bằng một văn bản khác. Cách tốt nhất để kiểm tra khả năng đọc hiểu của học sinh là cho phép các em tự thực hiện một tác phẩm (bài luận hoặc poster), cho phép các em chọn lọc các sự kiện có liên quan và tự mình giải thích chúng.

Các câu hỏi đọc hiểu trong sách giáo khoa mặc dù có thể nhàm chán nhưng thực sự vô cùng có giá trị trong việc giúp học sinh nắm được ý chính của bài học, đồng thời khuyến khích các em phản hồi nội dung đó bằng cách mở rộng ý nghĩa ra hoặc liên kết một kiến thức cũ vào bài mới này.

Sử dụng ngôn ngữ để sáng tạo phương pháp học tập mới - Ảnh: Pexels

2. Biết chữ không phải chỉ để đọc sách

Khi chúng ta nói 'văn bản', chúng ta không chỉ muốn nói đến sách, truyện ngắn hoặc thơ. Trong Văn học, Lịch sử, Địa lý, Nghiên cứu Tôn giáo và nhiều môn học khác, học sinh được yêu cầu thu thập thông tin từ các văn bản trực quan như phim, ảnh, áp phích và quảng cáo, và các văn bản nghe được như bài hát và bài phát biểu.

Ngoài ra còn có ngôn ngữ của các ký hiệu và biểu tượng, chẳng hạn như biển báo đường bộ, đèn giao thông hoặc các ký hiệu phổ quát như chữ thập bên ngoài bệnh viện và hiệu thuốc. Những ký hiệu này được nhìn thấy trên khắp thế giới và vượt ra ngoài ngôn ngữ thông thường, khiến chúng trở thành một công cụ giao tiếp quan trọng.

"Biết chữ" nghĩa là hiểu cách viết, nói và ý nghĩa của các ký hiệu, biểu tượng trực quan; đồng thời có khả năng tạo ra (một cái gì đó) ý nghĩa bằng cách sử dụng các hệ thống ký hiệu này.

3. Việc học chữ không nhất thiết phải nhàm chán

Mặc dù phần lớn việc học chữ ban đầu có nghĩa là hiểu và viết được từ ngữ, nhưng học để dùng đúng chính tả và ngữ pháp, dấu câu và cấu trúc câu thực sự sẽ rất thú vị. Bài tập là một phần, nhưng kết hợp các trò chơi, làm việc nhóm và các hoạt động sáng tạo phù hợp cũng sẽ khiến môn Văn thú vị như môn Toán.

4. Kỹ năng đọc viết áp dụng cho mọi hình thái học tập

Ngay cả khi con cái bạn không thiên về việc học về ngôn ngữ, điều đó không có nghĩa là chúng không thể phát triển các kỹ năng đọc viết tốt. Chương trình đại trà có những phương pháp tiếp cận rộng rãi để đáp ứng việc học trên lớp của số đông học sinh, và các giờ học ngoại khóa/bổ trợ cùng gia sư riêng có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp với phong cách học tập của mỗi học sinh. Đừng ngại dùng bút chì và vở để vẽ sơ đồ tư duy, học sinh còn có thể chơi trò chơi và thực hành sáng tạo, giúp hiểu sâu hơn về những gì chúng đã được học ở trường.

Ảnh: Pexels

5. Kỹ năng đọc viết là nền tảng của số học

Nhiều học sinh gặp khó khăn với các bài toán đố không phải vì họ không hiểu phương trình toán học mà vì họ gặp khó khăn trong việc hiểu cách các từ ngữ chuyển thành phương trình. Đôi khi chúng ta phải đưa các vấn đề toán học áp dụng vào bối cảnh thực tế để có thể giải được chúng. Để hiểu cách các con số hoạt động, chúng ta cần hiểu rằng các từ ngữ và con số đi cùng nhau. Kỹ năng đọc viết tốt cho phép chúng ta thấy rằng toán học ở khắp mọi nơi và ta có thể hiểu các phép tính này được diễn tả như thế nào.

6. Kỹ năng đọc viết mở đường cho tư duy phản biện

Tư duy phản biện là kỹ năng đánh giá nguồn thông tin (Có đáng tin cậy không?) và đánh giá thông tin mà nguồn thông tin đó cung cấp (Có đúng không? Có phải toàn bộ câu chuyện không?). Đây là một kỹ năng thiết yếu trong thế kỷ 21 khi tin tức lan truyền nhanh chóng trên internet và phương tiện truyền thông xã hội.

Để trở thành một công dân xã hội có trách nhiệm, biết bầu cử sáng suốt, hiểu và nhận định hợp lý về các tuyên bố khoa học (thường được sử dụng để thuyết phục chúng ta mua một thứ gì đó hoặc làm một việc gì đó), học sinh của chúng ta cũng cần học cách tư duy phản biện.

7. Mọi môi trường làm việc đều yêu cầu kỹ năng đọc hiểu cặn kẽ

Hãy nghĩ xem:

Thời điểm bạn bắt đầu công việc hiện tại, bạn phải viết sơ yếu lý lịch, thư xin việc, đọc hợp đồng và một số quy trình quản lý sức khỏe và an toàn lao động (WHS) rồi ký xác nhận rằng bạn đã đọc và hiểu chúng. Sau đó bạn phải điền vào mẫu đơn hưu trí và khai báo mã số thuế của mình. Trong tuần đầu tiên, bạn tìm đường đến nơi làm việc bằng các biển báo trên đường, tìm đường đi quanh tòa nhà, ghi chú về các thủ tục mới và tên của đồng nghiệp, trả lời email đầu tiên và đọc áp phích trong phòng ăn trưa.

Mọi nơi làm việc đều yêu cầu trình độ đọc viết cơ bản để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, theo phim Tài liệu gốc của SBS, Lost For Words, 43% người lớn ở Úc không có các kỹ năng đọc viết cơ bản cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Có gần 50% người lớn ở Úc không thể đọc nhãn thực phẩm, viết danh sách mua sắm hoặc điền vào mẫu đơn mà không cần nhờ giúp đỡ, chứ đừng nói đến việc viết, đọc, ký và hiểu tất cả các từ và biển báo xung quanh nơi làm việc.

Ảnh: Pexels

Việc đọc hiểu ngày càng trở nên quan trọng vì nó giúp con em chúng ta lớn lên trở nên độc lập và tự lập trong xã hội. Và hãy hiểu rằng, không phải tất cả học sinh đều có khả năng đọc viết nhanh hoặc dễ dàng ngay lập tức, nhưng với phương pháp phù hợp thì mọi trẻ em đều sẽ được tiếp thu đầy đủ những gì xứng đáng với chúng.