Duyên Dáng Việt Nam

Bỏ ra 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ để làm gì vậy?

Trang Nhung • 19-11-2017 • Lượt xem: 19559
Bỏ ra 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ để làm gì vậy?

Đó không chỉ là băn khoăn của dư luận trong những ngày qua mà còn là trăn trở của Tiến sĩ, Luật sư Ngô Tiến Nhân khi bàn về vấn đề thực học.

Trong buổi tọa đàm chủ đề “Học gì để khởi nghiệp” nằm trong Hành trình Lập chí Vĩ đại – Khởi nghiệp Kiến quốc do Trung Nguyên tổ chức ngày 18.11 tại TP.HCM, diễn giả Ngô Tiến Nhân đã có cái nhìn thẳng thắn đối với vấn đề giáo dục ở nước ta hiện nay.

Lấy bằng tiến sĩ mà không nghiên cứu thì chẳng có ý nghĩa gì

“Hiện nay nước ta có bao nhiêu tiến sĩ? Và chúng ta lại đang có kế hoạch bỏ ra 12.000 tỷ để đào tạo lứa 9.000 tiến sĩ, không hiểu để làm gì?”, ông Ngô Tiến Nhân đặt câu hỏi.

Theo vị diễn giả này, học tiến sĩ là chạm đến phần triết học của một ngành học. Bằng tiến sĩ cấp cho một nghiên cứu sinh, điều đó có nghĩa người nghiên cứu sinh đã học được cách nghiên cứu.

Luận án tiến sĩ của một nghiên cứu sinh chứng tỏ rằng người đó biết nghiên cứu. Và quan trọng nhất là phải có những nghiên cứu sau khi đã nhận bằng tiến sĩ. Ở các nước khác, họ phải chứng minh thêm 2 lần cho việc biết nghiên cứu và phải có thành quả cụ thể.

TS. Ngô Tiến Nhân chia sẻ trong buổi tọa đàm do nhạc sỹ Dương Thụ chủ trì

“Thế nhưng, ở Việt Nam hơn 20.000 tiến sĩ sau khi nhận bằng tiến sĩ thì hầu hết là làm quan hoặc làm thuê, tức không làm nghiên cứu. Thế thì anh lấy bằng tiến sĩ để làm gì? Chứng tỏ rằng anh biết nghiên cứu nhưng không nghiên cứu thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Về danh hiệu tiến sĩ, chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á. Thậm chí trong bộ máy hành chính của nước ta, nếu xét về học hàm, học vị thì Việt Nam gấp đến 5 lần nước Nhật”, luật sư Ngô Tiến Nhân băn khoăn.

Bên cạnh đó, “công tác định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ thông của chúng ta hiện nay rất kém, thậm chí trong trường đại học cũng vậy. Nhiều sinh viên học vào trường đại học không biết chọn nghề như thế nào. Điều này không chỉ xảy ra ở nước ta. Việc sinh viên ra trường thất nghiệp thì ở đất nước nào cũng có”.

Học tinh thần thực học của Fukuzawa

Trước hiện trạng các sinh viên hiện nay thiếu định hướng, thiếu tư duy từ khi chọn trường chọn nghề, không biết học gì và sẽ làm gì khi ra trường, diễn giả Ngô Tiến Nhân dẫn dắt vấn đề mà tác giả Fukuzawa Yutichi đã nhấn mạnh trong cuốn sách Khuyến học. Đó chính là tinh thần thực học.

Thực học là quá trình biến đổi tâm thế, biến đổi não trạng để tiến tới một mục tiêu. Do đó, quan trọng nhất của quá trình biến đổi này là phải biết mình là ai, mình đang ở đâu, tức là biết định vị bản thân. Chúng ta định vị bản thân một cách chính xác hơn thông qua những mối tương quan, hay những va chạm trong cuộc sống.

Diễn giả ký tặng sách cho các bạn trẻ tham gia buổi tọa đàm

Trả lời câu hỏi “Nghề chọn người hay người chọn nghề?”, vị diễn giả này cho rằng: “Nếu trong khả năng có thể thì tôi khuyên các bạn trẻ nên chọn nghề, chọn một cách đúng đắn, bởi vì đây là một quá trình tích cực và có định hướng rõ ràng”.

Trong một quốc gia có nền giáo dục hoàn chỉnh thì định hướng nghề nghiệp vô cùng quan trọng. Khi chọn nghề phải hội đủ 3 yếu tố: khả năng (về nhận thức, xúc cảm, sức khỏe, định hướng), nhu cầu ngành nghề ở xã hội hiện tại và đặc thù của ngành nghề muốn lựa chọn.

Theo ông, “những vấn đề được đưa ra trong cuốn sách Khuyến học cũng giống như ở nước ta, chỉ có điều Nhật Bản đã giải quyết được những vấn đề đó từ rất sớm, còn Việt Nam thì vẫn đang vật lộn với nó”.

Diễn giả Ngô Tiến Nhân khuyên các bạn trẻ nên học tập tinh thần mà Fukuzawa đã đúc kết trong cuốn sách giàu ý nghĩa nói trên, vì đến ngày hôm nay những điều đó vẫn còn nguyên giá trị.

Hành trình Lập chí vĩ đại - Khởi nghiệp kiến quốc cho thanh niên Việt là hành trình do Tập đoàn Trung Nguyên khởi xướng và triển khai từ năm 2012 đến nay. Hơn 2 triệu cuốn sách đã được trao tặng đến các tầng lớp thanh niên trên khắp cả nước. Hành trình cũng đã hỗ trợ nhiều chương trình khởi nghiệp và kết nối nhiều nhân vật truyền cảm hứng trong và ngoài nước. Mong muốn lớn nhất của Hành trình là chia sẻ Hệ thức thành công với 5 yếu tố: Khát vọng lớn - Xác định năng lực lõi - Lập kế hoạch thực thi - Kết nối nguồn lực - Dám thách thức thất bại, được đúc kết trong những cuốn sách của Tủ sách nền tảng đổi đời nhằm giúp các bạn trẻ định hướng được hướng đi và vững bước trên con đường đến với thành công.

Trong thời gian sắp tới, Trung Nguyên sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan uy tín để đưa Hành trình Lập chí Vĩ đại - Khởi nghiệp Kiến quốc cho thanh niên Việt đến các trường đại học - cao đẳng trong cả nước. Các chương trình giao lưu - tọa đàm với các diễn giả và khách mời nổi tiếng nhằm chia sẻ những câu chuyện thành công, những kinh nghiệm thực tế và truyền cảm hứng cũng như định hướng khởi nghiệp cho các bạn trẻ cũng đang được diễn ra định kỳ vào các sáng thứ bảy hằng tuần tại các không gian Trung Nguyen Legend và Cà Phê Thứ Bảy ở TP.HCM và Hà Nội.