GIẢI TRÍ

Ca sĩ ảo: từ sống ảo, hát ảo đến thần tượng ảo 'lên ngôi'

Cẩm Chi • 19-03-2023 • Lượt xem: 1760
Ca sĩ ảo: từ sống ảo, hát ảo đến thần tượng ảo 'lên ngôi'

Không lo scandal, không bị ảnh hưởng bởi tuổi tác, sức khỏe, có thể lập trình theo ý muốn của con người, tiết kiệm chi phí…, tuy nhiên, sự xuất hiện của những ca sĩ ảo dấy lên tranh luận và lo ngại về mặt truyền tải cảm xúc và những giá trị ảo trong đời sống giải trí.

Xu hướng giải trí mới

Mới đây, thông tin về việc nữ ca sĩ ảo đầu tiên tại Việt Nam mang tên Ann (Kim Ngân) ra mắt thị trường với MV “Làm sao thương Anh” vào ngày 14/3/2023 đã đánh dấu cột mốc mới trong lĩnh vực giải trí. Cô được tạo ra bởi thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) cùng kỹ xảo âm thanh sống động. Giọng hát của Ann có màu riêng biệt là sự kết hợp của nhiều giọng ca khác nhau, sau đó được xử lý bằng công nghệ để đáp ứng trường độ, cao độ trong thanh nhạc. Trước đó, tại Việt Nam, hai ca sĩ ảo Michau và Damsan từng xuất hiện tại Lễ hội âm nhạc quốc tế 2022 ở TP. HCM.

Ann được tạo hình là một ca sĩ 18 tuổi, nhẹ nhàng và trẻ trung với phong cách biểu diễn và diễn xuất đa dạng.

Thực tế, các thần tượng ảo không còn quá xa lạ với các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Nhật là nơi đầu tiên sản sinh ngôi sao ca nhạc 3D, từ thập niên 1990. Kyoko Date được công ty tìm kiếm tài năng lớn nhất Nhật Bản tạo ra vào năm 1995 với giọng hát do người thật thực hiện. Năm 2007, Hatsune Miku là ca sĩ tạo nên cơn sốt và trở thành ca sĩ ảo hàng đầu thế giới. Giọng hát của cô được công ty phát triển dựa trên mẫu giọng của ca sĩ Saki Fujita kết hợp phần mềm âm thanh Vocaloid.

Nhiều buổi biểu diễn tại Mỹ, Canada, Đài Bắc, Hong Kong, Singapore... của Miku thu hút hàng chục triệu người hâm mộ trên toàn cầu.

Miku có hơn 100.000 bài hát, đa dạng thể loại từ pop, ballad, EDM. Cô từng mở màn show của Lady Gaga, làm mẫu cho Louis Vuitton, phủ sóng trong các sự kiện âm nhạc, phim hoạt hình, tạo cảm hứng cho nhiều hãng đồ chơi. Doanh thu từ Miku lên tới 35 triệu USD mỗi năm.

Tại Hàn Quốc, thần tượng ảo Adam ra đời vào năm 1998, sau đó là ban nhạc ảo Gorillaz, Grimes, Lucy, Rosy, Yuna - “Nghệ sĩ K-pop ảo đầu tiên trên metaverse” (2021), nhóm nhạc Aespa với 4 thành viên thật và 4 thành viên ảo của công ty giải trí hàng đầu SM Entertainment, Reah Keem (2022)…

Sự kết hợp giữa người thật người giả với tạo hình cá tính như những nhóm nhạc Idol hàng đầu Hàn Quốc.

Tại Trung Quốc, hiện nay có hàng nghìn nghệ sĩ ảo. Trong đó, Lạc Thiên Y từng “làm mưa làm gió” với bím tóc màu xám, đôi mắt xanh lục ra mắt năm 2012. Concert với giá vé chương trình năm 2019 khi cô kết hợp cùng các nghệ sĩ nổi tiếng xứ Trung khác lên tới 1.580 nhân dân tệ (5,4 triệu đồng), hết sau vài phút mở bán. Ca sĩ ảo này cũng được phủ sóng, xuất hiện trên TV, nhận hợp đồng quảng cáo.

Được và mất

Thông qua công nghệ đồ họa, công cụ trò chơi và trí tuệ nhân tạo được phát triển công phu, các nghệ sĩ ảo được thiết kế để cư xử giống con người với vẻ ngoài hoàn hảo. Họ có thể trở thành bất cứ hình mẫu nào bạn muốn và tương tác với công chúng khéo léo hơn. Mô hình nghệ sĩ ảo hoàn hảo và bất tử có thể sẽ thúc đẩy tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế của khán giả.

Ngoài ra, các ngôi sao ảo không già đi hoặc thay đổi theo thời gian, có thể làm việc 24/7 mà không bị kiệt sức, bệnh tật. Vì những người tạo ra chúng có toàn quyền kiểm soát nên chúng cũng không vướng bê bối, tai tiếng. Thần tượng ảo còn giúp các công ty quản lý giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đào tạo.

Đặc biệt, trong thời đại số lên ngôi hiện nay, nghệ sĩ ảo tạo ra nguồn thu khá lớn từ MV, streaming, biểu diễn trực tiếp, tham dự event, bán các vật phẩm liên quan, đại diện thương hiệu quảng cáo, thời trang, game, phim ảnh… Báo cáo của iiMedia cho biết ngành công nghiệp này ở Trung Quốc thu về 3,5 tỷ nhân dân tệ (547 triệu USD) vào năm 2020, đạt hơn 6 tỷ nhân dân tệ trong năm 2021. Tại Nhật, chỉ riêng 1 ca sĩ ảo đã thu hơn 35 triệu USD mỗi năm.

Nghệ sĩ ảo tạo ra những ảnh hưởng nhất định tới thời trang

Theo Bloomberg, sự ra đời của nghệ sĩ ảo chủ yếu phục vụ đối tượng gen Z – nhóm công chúng chiếm phần lớn số dân trẻ cũng như tạo nên những xu hướng giải trí hiện đại. Báo cáo năm 2019 của iQiyi cho thấy 64% người trong độ tuổi từ 14 đến 24 theo dõi thần tượng ảo.

Tuy nhiên, sự ra đời của ca sĩ ảo có thể mở ra những thách thức mới cho thị trường âm nhạc. Đầu tiên là nó tạo sức cạnh tranh lớn cho thị trường, thúc đẩy sự coi trọng ngoại hình quá mức với nghệ sĩ. Nhưng việc giữ được sự hấp dẫn trong thời gian dài cũng là một thử thách đối với nghệ sĩ ảo.

Nghệ sĩ ảo cũng khá khó khăn về việc biểu diễn thực tế do chủ yếu làm việc trên các nền tảng số và đội ngũ sản xuất nội dung đằng sau sẽ phải làm rất nhiều công việc. Nhất là khâu chuẩn bị và tổ chức đòi hỏi sự am hiểu và đầu tư mạnh về công nghệ số.

Nghệ sỹ ảo tạo sự cạnh tranh lớn với các nghệ sỹ thật

Đặc biệt, những nghệ sĩ ảo sẽ khó đi đường dài bởi gặp khó khăn khi kết nối và chăm sóc khán giả của mình. Bởi về lâu dài, khán giả muốn nhìn thấy một phần nào đó của chính họ ở nghệ sĩ họ yêu thích, muốn nuôi dưỡng cảm xúc, sự yêu mến, mối quan hệ gắn bó từ tính cách đời thường hàng ngày, trò chuyện… Do đó, khó có thể có sự kết nối về mặt cảm xúc giữa nghệ sĩ ảo và khán giả.

Sự trỗi dậy của nghệ sĩ tạo ra bởi AI trong thực tế ảo cũng không tránh khỏi những tranh cãi về vấn đề suy giảm giá trị của nghệ thuật và giá trị của con người trong ngành giải trí. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu nghệ sĩ ảo được tạo ra không phải cho mục đích thay thế cho nghệ sĩ thật, nó chỉ là một phương tiện để mở rộng khả năng sáng tạo và đưa ngành giải trí đến với một tầm cao mới. Từ đây, khán giả có nhiều lựa chọn mới mẻ hơn trong việc thưởng thức.