ĐỜI SỐNG

Câu chuyện về người đàn ông 18 năm sống ở sân bay

Yellowly • 15-07-2023 • Lượt xem: 5936
Câu chuyện về người đàn ông 18 năm sống ở sân bay

Đối với hầu hết chúng ta, sân bay có lẽ chỉ là một trạm dừng chân, một nơi chuyển tiếp để đưa ta đến những vùng đất mới tươi đẹp. Nhưng đối với mội số người không hẳn là như vậy, đó là câu chuyện về một người đàn ông xem sân bay như là nhà, như là đất nước của mình. Đó là câu chuyện về người đàn ông tị nạn Merhan Karimi Nasseri ở nơi thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp.

Quê hương của Nasseri là Iran

Sinh ra ở thị trấn giàu dầu mỏ Masjed Soleiman, Nasseri đến Anh vào năm 1973 để theo học tại Đại học Bradford ở Tây Yorkshire.

Sau khi trở về Iran, Nasseri nói rằng ông đã bị trục xuất khỏi đất nước của mình vào năm 1977 vì đã phản đối sự cai trị của Quốc vương. Sau một thời gian dài đấu tranh liên quan đến việc nộp đơn xin tị nạn ở một số quốc gia, ông đã được trao tư cách tị nạn Bỉ.

Nasseri đã bị trục xuất khỏi đất nước của mình và trở thành người tị nạn.

Liệu Nasseri sẽ quyết định sống ở đâu?

Vào thời điểm đó, ông ấy đã có thể đi lại giữa Vương quốc Anh và Pháp. Nasseri quyết định rằng ông muốn định cư ở Vương quốc Anh, nhưng vào năm 1988, chiếc cặp chứa những giấy tờ quan trọng chứng minh danh tính của ông bị đánh cắp. Khi đến nước Anh, ông bị trả về Pháp khi không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. Tại sân bay Pháp, ông cũng không thể chứng minh danh tính hoặc tình trạng tị nạn của mình và vì vậy đã bị giam giữ tại khu vực chờ dành cho du khách không có giấy tờ. Rất may sau đó được thả vì việc ông ta ở sân bay là hợp pháp và ông cũng không có nước nào để trở về.

Một luật sư nhân quyền người Pháp đã cố giúp đỡ ông

Christian Bourget, một luật sư nhân quyền người Pháp, đã đồng ý nhận vụ việc của người đàn ông tị nạn này, và vào năm 1992, một tòa án Pháp đã ra phán quyết rằng Nasseri không thể bị dẫn độ vì ông đã nhập cảnh hợp pháp vào nước này. Tuy nhiên, phán quyết không cho phép ông nhập cảnh vào Pháp, khiến Nasseri tiếp tục bị mắc kẹt ở sân bay.

Sau đó, có một số đề nghị hỗ trợ được đưa ra, nhưng Nasseri có vẻ không chấp nhận những điều kiện đi kèm, ví dụ như liệt kê quốc tịch của ông là Iran, lấy tên là Sir Alfred Mehran, phải sống dưới sự giám sát của một nhân viên xã hội. Và đặc biệt là nơi ông muốn sống là nước Anh, mà trong số những quốc gia đồng ý cho ông cư trú chỉ có Bỉ và Pháp. Kết quả là ông đã từ chối tất cả quyết định cho tị nạn.

Nasseri đã sống và sinh hoặt ở sân bay trong suốt 18 năm.

Bắt đầu cuộc sống ở sân bay

Luật sư của Nasseri khi đó hoàn toàn thất vọng về người mà mình đang cố gắng bảo hộ. Khi được hỏi tại sao Nasseri không chấp nhận những lời đề nghị, luật sư nói rằng Nasseri đang cố sống cuộc sống mà ông ta muốn.

Và thế là cuộc sống ở sân bay bắt đầu, kéo dài 18 năm cuộc đời của người đàn ông này. Trong khoảng thời gian đằng đẵng đó, ông đã tìm mọi cách sinh tồn tại sân bay, tận dụng các tài nguyên miễn phí cung cấp ở đó. Ông sống nhờ lòng hảo tâm của nhân viên sân bay, những hành khách cảm thông trước câu chuyện của ông. Những người tốt bụng này đã cung cấp thức ăn và những cuốn tạp chí cho người đàn ông đơn độc này. Họ còn cho ông tắm ở nhà tắm nhân viên, và giặc đồ ở phòng giặt của sân bay.

Trái với suy nghĩ rằng ông sẽ sống một cuộc đời kiệt quệ và nhếch nhác, người ta có thể tìm thấy ông ta quanh quán bar Paris Bye Bye, ông viết nhật ký, nghe đài, và hút tẩu bằng vàng, hoặc ăn một bữa ngon lành tại McDonalds do người lạ mua cho, hoặc ngồi trên chiếc ghế dài màu đỏ ở nhà ga số 1, trong trạng thái trầm tư. Hành lý luôn ở bên cạnh ông ấy, vì căn bản ông không thể cất nó ở một nơi nào cả.

Nasseri rời sân bay năm 2007

Tháng 7 năm 2006 Nasseri phải nhập viện vì lý do sức khỏe, trong thời gian đó, chiếc ghế mây đỏ yêu thích của ông cũng đã bị dỡ bỏ. Khi xuất viện, ông được một chi nhánh của Hội Chữ thập đỏ Pháp chăm sóc. Họ đưa Nasseri vào một khách sạn gần sân bay, ông ở đây khoảng một tuần sau đó được chuyển đến một trung tâm tiếp nhận từ thiện ở quận 20 của Paris. 

Câu chuyện của Nasseri đã trở thành cảm hứng cho bộ phim nổi tiếng "The Terminal".

Câu chuyện của Nasseri khi được biết đến rộng rãi đã trở thành nguồn cảm hứng to lớn cho rất nhiều nhà sản xuất ở các lĩnh vực điện ảnh, sách báo, âm nhạc. Công ty sản xuất DreamWorks đã liên hệ và trả tiền để mua bản quyền câu chuyện của ông. Nó đã trở thành cảm hứng cho bộ phim nổi tiếng "The Terminal".

Năm 2022, Nasseri qua đời, câu chuyện của ông vẫn được nhắc đến như một sự kiện hi hữu kèm theo nhiều ý kiến trái chiều.

Có lẽ có rất nhiều người khó hiểu về những lựa chọn của Nasseri. Việc được cho cơ hội cư trú và có danh tính hợp pháp nhưng ông cũng một mực từ chối có vẻ là một quyết định hết sức điên rồ. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do khoảng thời gian sống ở sân bay để chờ lệnh được cư trú đủ lâu khiến Nasseri – sống ở một môi trường hết sức đặc biệt là sân bay đã bị ảnh hưởng tâm lý trầm trọng, sinh ra chứng hoang tưởng dẫn đến những hành động khó hiểu. Hoặc cũng có thể là sau thời gian sống ở sân bay, Nasseri đã thích nghi với cuộc sống và tạo dựng được mối quan hệ với những con người tử tế ở đây khiến ông không muốn rời đi để bắt đầu một cuộc sống mới từ con số 0. Hoặc giả, có thể ông đơn giản chỉ muốn sống cuộc đời tự tại mà không bị ràng buột bởi bất cứ quyền lực của quốc gia nào như ông đã từng trải qua ở quê hương mình.

Dù sao chúng ta cũng không thể phủ nhận sức sống mãnh liệt và khả năng sinh tồn của người đàn ông này. Có lẽ đời người cũng sẽ có lúc như vậy, bước tới một bước hay bước lùi một bước đều không được, chỉ có thể chấp nhận nghịch cảnh và chung sống với nó. Chỉ cần giữ vững niềm tin và khát vọng sống, cuối cùng điều tốt đẹp sẽ đến. Còn bạn, nếu là bạn thì sẽ lựa chọn như thế nào?