ĐỜI SỐNG

Có nên điều trị trầm cảm bằng cách nuôi thú cưng?

Nguyễn Hậu • 21-03-2023 • Lượt xem: 909
Có nên điều trị trầm cảm bằng cách nuôi thú cưng?

Trầm cảm là căn bệnh sẽ ảnh hưởng đến chúng ta tạm thời hoặc suốt đời. Để điều trị trầm cảm ngoài sử dụng thuốc, thay đổi môi trường sống, mối quan hệ... thì thú cưng hiện nay được nhiều người quan tâm.

Trầm cảm có thể là một bệnh nội khoa mãn tính tạm thời hoặc suốt đời ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống của con người. Nguyên nhân của trầm cảm có rất nhiều đó là do căng thẳng, áp lực trong công việc hay trong gia đình, con cái, vợ chồng, do mất đi người thân, do tiền bạc... Trầm cảm có thể đến một cách đột ngột hoặc âm thầm trong một thời gian dài.

Trầm cảm gây ra những mức độ buồn bã khác nhau và thiếu hứng thú với cuộc sống. Khiến bệnh nhân cảm thấy chán nản, bi quan, mất niềm tin gây ra các hành động tiêu cực như nổi giận với người xung quanh, ngại giao tiếp, luôn có cảm giác tuyệt vọng không lối thoát, không có niềm tin vào bản thân và tương lai, luôn nghĩ đến cái chết và thậm chí là có hành động tự tử.

Trầm cảm căn bệnh ngày càng gia tăng trong thời hiện đại

 Lý Ngọc, 27 tuổi, một nhân viên truyền thông sống tại quận Hoàng Mai chia sẻ, từ khi lên chức quản lý công việc của cô luôn bận rộn và nhiều áp lức khiến cô luôn căng thẳng và kiệt sức. Những lúc như vậy cô không muốn đi ra ngoài mà tự nhốt mình trong phòng trọ hoặc tìm đến đồ uống có cồn để giải tỏa. Cô không thể chia sẻ cùng ai bởi bạn bè đều bận rộn và sợ bố mẹ lo lắng nên cô cũng không dám chia sẻ với họ. Vì vậy cô phải âm thầm chịu đựng một mình.

Mọi chuyện thay đổi khi Ngọc nhận nuôi một chú mèo, sau đó là một chú chó phốc sóc để giảm bớt sự cô đơn. Cô cảm thây vui vẻ, phấn chấn hơn khi được con vật quấn quýt bên chân, nũng nịu đòi ăn, đòi chơi hay đòi ngủ chung. Các thói quen đi chơi khuya của cô cũng được loại bỏ nhờ thú cưng.

Ảnh minh họa

Anh Thư, 30 tuổi, sống tại Hà Nội. Khi dịch covid ập đến làm đảo lộn cuộc sống của cô. Từ cuộc sống bận rộn và liên tục gặp gỡ bạn bè sang cuộc sống cô lập, phong tỏa khiến cô rơi vào cảm giác buồn chán, có suy nghĩ tiêu cực. Khi đi khám tâm lý, bác sĩ đã khuyên cô thử nuôi thú cưng.

Cuối năm 2020, cô mua hai con chó giống poodle đặt tên là Thỏ và Nhím. Cô cho biết từ ngày có Thỏ và Nhím. Căn nhà của cô luôn ngập tràn tiếng cười. Cuộc sống của cô như trở lại như trước, bận rộn với việc đưa hai con chó, đi dạo, nấu ăn, tâm sự cùng chúng khiến cô cảm thấy dễ chịu hơn.

Thú cưng giống như một người bạn đáng tin cậy, một người bạn đồng đồng hành, một người sẽ yêu thương chủ nhân của chúng cho đến tận cùng. Chúng luôn đồng hành với chủ vào bất kể giờ nào trong ngày hay đêm khi nỗi buồn ập đến. Chúng luôn lắng nghe chủ nhân cho dù chủ nhân có thể kể cùng một câu chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần đi chăng nữa. Điều này khiến người trầm cảm giảm bớt cảm giác cô đơn, không người chia sẻ nói chuyện.

Thú cưng - Người bạn đáng tin cậy

Khi đồng hành với thú cưng trong các hoạt động như ăn, chơi, âu yếm, vuốt ve... sẽ giúp chủ nhân cảm thấy bận rộn hơn không có thời gian để nghĩ đến những suy nghĩ tiêu cực nữa. Từ đó họ cảm thấy mình quan trọng hơn, có trách nhiệm hơn, vận động nhiều hơn sẽ giúp sức khỏe tốt hơn thì tinh thần cũng tốt hơn...

Chơi cùng thú cưng giúp sức khỏe nhiều hơn nhờ vận động nhiều

Tại Việt Nam tuy chưa có thông kê chính thức nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy số người Việt nuôi thú cưng để giảm bớt cô đơn, căng thăng những nguyên nhân sẽ dẫn đến trầm cảm nếu phải chịu đựng quá nhiều quá lâu.

Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, bệnh viên Tâm thần trung ương I Hà Nội cho biết: Vật nuôi giúp người cô đơn, người chưa lập gia đình, người thiếu nơi chia sẻ có cảm giác an toàn và sống trách nhiệm hơn. Vì vậy nuôi thú cưng là cách chữa lành tâm lý, giảm căng thẳng, áp lực... từ đó giảm số người mắc bệnh trầm cảm.

Theo khảo sát năm 2021 của Pety, một ứng dụng cho người yêu thú cưng tại Việt nam cho thấy người ở độ tuổi từ 23 - 35 nuôi thú cưng chiếm tỷ lệ cao nhất 48%. Trong đó dân văn phòng là nhóm nuôi thú cưng nhiều nhất chiếm 38,9%, nhóm tiếp theo là học sinh, sinh viên chiếm 35%, người làm nghề tự do chiếm 21,9% còn lại là các ngành nghề khác.