Duyên Dáng Việt Nam

Cọc ở Đầm Thượng là cọc chiến trận

Hoàng Lan • 14-06-2020 • Lượt xem: 507
Cọc ở Đầm Thượng là cọc chiến trận

Các nhà khoa học vừa khảo sát thực tế tại bãi cọc Đầm Thượng, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên và báo cáo kết quả khai quật di tích này. Theo đó, các chuyên gia đầu ngành khảo cổ nhận định các cọc gỗ này phục vụ mục đích quân sự và nhiều khả năng đây là một trong các điểm đánh chặn quân Nguyên trong trận chiến sông Bạch Đằng năm 1288.

Tin, bài liên quan:

Phát hiện bãi cọc trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng gần nghìn năm trước

Phát hiện thêm tàu Viking hơn 1.000 năm tuổi dưới lòng đất

Phát hiện ‘kho báu’ khổng lồ từ 12 xác tàu đắm dưới Địa Trung Hải

2 bãi cọc tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng được phát lộ và khai quật từ tháng 2/2020. Đây là khu vực thuộc đầm của gia đình ông Đào Văn Đến và ông Bùi Văn Hay (cạnh nhà ông Đến).  

Ban đầu, các nhà địa chất, các nhà khoa học đã khai quật khoảng 30 cọc. Theo các nhà khoa học, cọc có điểm khác lạ, giống như cột buồm. 2 bãi cọc giống nhau về địa tầng nhưng khác nhau về địa hình: Về phía bờ sông thì cọc to hơn, phía gần bờ thì cọc nhỏ hơn. Cọc to nhất có độ dài gần 3m và đường kính khoảng 30cm. 

Bãi cọc nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ phía sau nút thắt tạo ra bởi các núi đá trên sông Đá Bạc và các núi trên sông Kinh Thầy. Bãi cọc gồm các cọc lớn, cọc nhỏ xen lẫn, được đóng rất chắc chắn xuống vùng đầm lầy ở phần giáp ngã ba sông, trong khi các cọc nhỏ hơn được đóng phía sau, trong phạm vi rất rộng cho thấy tính chất một trận địa quân sự vừa nhằm mục đích phòng thủ, ngăn chặn vừa nhằm tiêu diệt sinh lực địch. 
Do đó, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết bãi cọc Đầm Thượng là một trong các điểm đánh chặn và tiêu diệt đoàn thuyền chiến của quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288. 

Các nhà khoa học cũng đề nghị cần mở rộng nghiên cứu khảo cổ học và các khoa học liên ngành để tiếp tục kiểm chứng giả thuyết này. Từ đó, đoàn khảo sát đề nghị thành phố tiếp tục khoanh vùng và có các biện pháp khai quật, bảo vệ, bảo tồn các giá trị về văn hóa lịch sử của bãi cọc Đầm Thượng. 

Ngoài một số cọc đang trong quá trình nghiên cứu, hầu hết các cọc đều được bọc vải, đắp đất kỹ lưỡng, tránh tác động của môi trường. Trước đó, ngày 9/2/2020, gia đình ông Đào Văn Đến, ở thôn 11, xã Lại Xuân phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao trong quá trình thu hoạch cá và đã báo cho cơ quan chức năng tiến hành khảo sát khu vực để phục vụ việc nghiên cứu. 

Tháng 10/2019, các nhà khoa học cũng khai quật bãi cọc liên quan đến trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng chống quân xâm lược Mông Nguyên, thời Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.


Ảnh: An ninh HP