Duyên Dáng Việt Nam

Công nghệ thực tế ảo: Một thế giới khác đã mở cùng bạn!

Đông Dương • 07-04-2020 • Lượt xem: 2261
Công nghệ thực tế ảo: Một thế giới khác đã mở cùng bạn!

Triển lãm mỹ thuật công nghệ thực tế ảo 360 chủ đề “Lời thiên thu gọi”  của họa sĩ Lê Sa Long trên Duyên Dáng Việt Nam đã gây được hiệu ứng xã hội và quan tâm của báo chí. Gần 20 tờ báo, tạp chí trên cả nước đã đưa thông tin.

Rất nhiều người hâm mộ nhạc sĩ thông qua triển lãm “ Lời thiên thu gọi” đã tìm thấy sự cổ vũ, niềm chia sẻ trong những ngày đầu “cách ly xã hội” trên toàn quốc để chống dịch.

Triển lãm tình cờ xuất hiện đúng vào dịp cả nước đang gồng mình chống dịch n-covid 19 hoành hành, không hẹn mà gặp thông qua triển lãm đã tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn, bình yên trong cảm xúc giữa những người yêu nghệ thuật, yêu nhạc Trịnh , giúp họ “xích lại” gần nhau, để thắp lên thông điệp “Mỗi ngày ta chọn một niềm vui” cũng như thông điệp “Để gió cuốn đi” những ưu phiền, mệt mỏi, khi cùng “dạo quanh” không gian triển lãm.

Qua sự kiện này, nhớ lại lời chia sẻ của họa sĩ Lê Sa Long cái duyên tạo nên sự kiện triển lãm mà anh đã ấp ủ từ năm 1995 đến nay.

Như một định mệnh, cách đây đúng 1 tháng, khởi duyên từ buổi gặp gỡ tại sinh nhật nhà báo Nguyễn Công Khế, khi Duyên dáng Việt Nam chúng tôi quay 2 talkshow giới thiệu cặp đôi bạn trẻ chuyên hát ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn là Hoàng Trang và Nguyễn Đông tại DDVN. Buổi này có mời họa sĩ Lê Sa Long. Được biết anh Long rất tâm huyết về đề tài vẽ chân dung các nghệ sĩ Việt Nam đương đại, đặc biệt là nhạc Trịnh với những bí ẩn qua các tác phẩm "âm nhạc và lịch sử", gần như chưa được "mở" hết hay chưa có nhà phê bình âm nhạc nào đủ tài năng, thời gian cũng như "chiều kích" để lật trở, giải quyết thấu đáo các vấn đề nhạc sĩ đặt ra .

Buổi gặp gỡ đó, nhà báo Nguyễn Hữu Hồng Minh vốn biết về những bức vẽ Trịnh của họa sĩ, sau tiệc sinh nhật đã mời họa sĩ Lê Sa Long lên văn phòng tòa soạn, cùng chị Trần Ngọc Nguyệt Quế hiện phụ trách nội dung DDVN gợi ý họa sĩ Lê Sa Long nên thực hiện 1 dự án tranh vẽ về đề tài nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà anh ấp ủ, bằng cách ứng dụng công nghệ thực tế ảo 360 VR để mở rộng cho nhiều người được thưởng lãm hơn.

Bởi vốn dĩ, nhạc Trịnh thông qua sự thể hiện của ca sĩ trẻ Hoàng Trang đã tạo nên một ảnh hưởng tích cực đến những người yêu nhạc, đến gần hơn với những người thuộc thế hệ sau, tạo nên một sự phá cách nhưng vẫn đúng tinh thần và đầy cảm xúc. Vậy tại sao chân dung nhạc Trịnh lại không thể hiện theo một hình thức độc đáo hơn, để khán giả trẻ cũng có thể chiêm ngưỡng và đồng cảm với “tinh thần” khí chất của ông trong lối sống, cách nhìn đời.

Khi ấy cùng với kiến trúc sư Ngô Trường Duy, phụ trách mỹ thuật của Duyên dáng Việt Nam, những bản vẽ demo không gian triển lãm đã được hình thành.

Tên gọi triển lãm: “Lời thiên thu gọi” đã đến trước 2 tuần triển lãm diễn ra. Khi ngày 1 tháng 4, ngày ra mắt triển lãm vừa qua, lại đúng vào dịp kỷ niệm sau 19 năm nhạc sĩ rời cõi tạm vào cõi thiên thu, nhưng dư âm từ những ca khúc của nhạc Trịnh vẫn ở lại với đời, vang mãi trên môi những người yêu nhạc, những tình khúc của Trịnh vẫn như lời tình tự. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng / Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” giúp hàn gắn vết thương, giúp san sẻ yêu thương, giúp vơi đi nỗi ưu phiền mệt nhọc của bao tầng lớp, thế hệ người Việt Nam.

Gió cuốn những thị phi, lo toan, phiền muộn đời sống nhưng sự cao cả, nhân bản, nhân văn mong manh trong từng hành động, ý nghĩa cốt cách thể hiện trong ca từ nhạc Trịnh vẫn còn ở lại. Và một bộ tranh vẽ về nhạc sĩ thể hiện được những điều này đến đúng dịp đất nước trải qua những biến cố, thử thách nhưng vẫn kiên cường cùng nhau chống đỡ, thật kỳ diệu. Như mở ra chứng ngộ của một thông điệp bất hữu trong âm nhạc của tiền nhân.

Thật đặc biệt khi họa sĩ Lê Sa Long đã chọn và phát triển thông điệp “Lời thiên thu gọi” thông qua những câu chuyện thăng trầm, biến cố của cuộc đời anh. Ý nghĩa hơn nữa khi DDVN kết nối họa sĩ và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để tìm thấy sự đồng điệu trong những bức tranh được cẩn thận, trân quý chọn lọc.

Thông qua ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và chồng chị anh Nguyễn Trung Trực, những tư liệu, câu chuyện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với những sắc màu cảm xúc âm nhạc, không gian sáng tác được gợi lên, đã cung cấp thêm nhiều ý tưởng làm chất liệu cho bộ tranh. Và họa sĩ Lê Sa Long đã miệt mài hoàn thành lần lượt 32 bức tranh “Lời thiên thu gọi” với tất cả sự đam mê , tình yêu , lòng tôn kính, sự đồng điệu với từng ca từ, lời chia sẻ mà anh vẫn hằng ghi nhớ, ấp ủ trong hơn 30 năm khắc khoải như mang nợ người nhạc sĩ, khi ký ức khó phai mờ nhất trong cuộc đời anh là về người bạn đã ra đi về với Cát bụi, mang theo bức tranh đầu tiên anh vẽ nhạc sĩ tặng bạn khi chia tay trên đường hành quân, lời của nhạc sĩ : “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thận phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.

Thân phận và tình yêu mà nhạc Trịnh đã chuyển đến anh, một người sinh viên từng bước qua giảng đường nơi nhạc sĩ cũng từng theo học tại Quy Nhơn, đã như 1 sự kết nối thế hệ, rồi thể hiện thành những màu sắc hội họa và những lời tâm sự anh gửi gắm trong từng bức tranh trưng bày trong không gian triển lãm : “Lời thiên thu gọi”.

Sau khi xem triển lãm của họa sĩ Lê Sa Long, nhiều nhà phê bình, nhiều nhà nghiên cứu xã hội học cũng đã thể hiện sự trân quý đến tài năng của anh. Nhà nghiên cứu xã hội học Nguyễn Quang Vinh nhận xét: “Phong phú. Tầng tầng ý nghĩa. Rất đẹp, lạ và giỏi. Tuy rằng viết, vẽ, hát ca về Trịnh sẽ không bao giờ là đủ, nhưng công trình hôm nay của Lê Sa Long là cái mốc nghệ thuật hòa ca khó quên cho tất cả những ai yêu quý Trịnh Công Sơn”.

Triễn lãm vẫn còn tiếp diễn đến 30/4 , vẫn còn những dịp để những người yêu mến hội họa, âm nhạc Trịnh Công Sơn có thể thưởng lãm và chia sẻ thêm những cảm xúc của mình.

Và sau đó Duyên Dáng Việt Nam vẫn mong muốn mở rộng thêm những cơ hội để người họa sĩ có thể thể hiện tài năng đến công chúng nhiều hơn và những người yêu nghệ thuật có thể tìm hiểu , tiếp xúc thêm những tác phẩm, có thêm phương thức giao lưu, trải nghiệm mới mẻ về phong cách hội họa hiện thực mà họa sĩ đang theo đuôi . Kỳ vọng rằng sẽ góp phần mở rộng thêm nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật đa dạng của công chúng khắp mọi nơi .

Dịch covid-19 kết thúc, dự kiến đến cuối năm, Duyên dáng Việt Nam sẽ cùng họa sĩ Lê Sa Long và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mở rộng triển lãm thành 1 chuỗi sự kiện giao lưu, thưởng thức âm nhạc và hội họa về nhạc Trịnh, ngay tại Quy Nhơn , quê hương họa sĩ và cũng là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo học ở những năm đại học.

Và song song đó, không gian triển lãm của Duyên dáng Việt Nam với công nghệ thực tế ảo 360VR sẽ tiếp tục mở rộng, để những người yêu thích văn hóa và nghệ thuật thưởng lãm hình ảnh, âm thanh có một nơi để trải lòng mình, tìm thấy những cảm xúc đẹp mà hội họa, nhiếp ảnh và âm nhạc mang lại.