Duyên Dáng Việt Nam

Cuộc chiến chống Covid-19 tại châu Á: Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trỗi dậy ra sao?

Quyên Hạ • 28-04-2020 • Lượt xem: 854
Cuộc chiến chống Covid-19 tại châu Á: Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trỗi dậy ra sao?

Máy bay không người lái chống lây nhiễm, Robot có khả năng giao tiếp, quét hàng ngàn hình ảnh y tế trong nháy mắt… đang là “vũ khí lợi hại” trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 tại châu Á. Đây đều là những sản phẩm ứng dụng Trí thông minh nhân tạo (AI).

Tin, bài liên quan:

Top 10 công nghệ tân tiến đẩy lùi Covid-19 của Israel

Cảnh sát Mỹ dùng drone đo thân nhiệt từ xa

Việt Nam chế tạo nhiều loại robot phòng chống dịch Covid-19

Nhiều nước ứng dụng AI để phòng chống Covid-19
Những công nghệ được vận hành bởi Trí thông minh nhân tạo (AI) đang giúp con người theo dõi sự bùng nổ của dịch bệnh, vệ sinh bệnh viện, vận chuyển thiết bị và phát triển vaccine.
Tại Singapore, nguồn dữ liệu mở của chính phủ đã tạo ra một bản đồ dịch bệnh chi tiết, vận hành các robot vận chuyển đồ ăn và thuốc men đến cho các bệnh nhân. 
Tại Trung Quốc, nơi Covid-19 bùng phát hồi cuối năm 2019, cơ quan chức năng đã dùng robot làm nhiệm vụ khử trùng bệnh viện, máy bay không người lái vận chuyển vật tư y tế và ứng dụng trí thông minh nhân tạo để phát hiện ra các điểm dịch.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chính quyền có thể “truy tìm” những người mang bệnh bằng cách sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) và công nghệ định vị

Một người đàn ông đeo khẩu trang trong khi máy bay không người lái phun khử trùng không khí. Nguồn: Reuters – Athit Perawongmetha

“Không có gì ngạc nhiên khi các quốc gia này ứng dụng công nghệ mới nhanh đến vậy”, Carolyn Bigg, một cộng sự của hãng luật DLA Piper tại Hồng Kông đang nghiên cứu về công nghệ này, cho biết.
Singapore và Trung Quốc muốn là những quốc gia tiên phong trong việc sử dụng và phân tích dữ liệu lớn. Họ đang thể hiện nền tảng dữ liệu khổng lồ của mình có thể được huy động nhanh và minh bạch như thế nào”, bà nói.
 
Những rào cản thực tế
Sự bùng phát của virus corona chủng mới đã khiến các thành phố bị phong tỏa, trường học phải dừng hoạt động, các biên giới đóng cửa và nhiều sự kiện văn hóa thể thao bị hủy bỏ. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đã phản ứng với những động thái khác nhau.
WHO cho rằng những quy định trong việc bảo vệ dữ liệu đã khiến thông tin về sự lây lan và bùng phát của dịch bệnh truyền đi chậm trễ bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi các luật bảo vệ dữ liệu tại Châu Âu bị chi phối bởi quyền tự do cá nhân, mặc dù đã có các khung luật pháp chặt chẽ nhằm ngăn chặn việc lạm dụng dữ liệu, nhiều nước châu Á đã đưa ra các điều luật mang tính thực dụng hơn”, bà Bigg cho biết.
Nhiều luật bảo vệ dữ liệu trên khắp thế giới đã cho phép các chính phủ bỏ qua sự đồng thuận của người dân trong một vài tình huống nhất định, vì an toàn quốc gia hay trong các tình huống khẩn cấp vì sức khỏe cộng đồng”, bà nói. 

Công nghệ trên tuyến đầu giúp chống lại virus nCoV tại Châu Á. Nguồn: Reuters/Thomas Peter

Tại châu Âu, Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) yêu cầu bất cứ ai muốn truy cập dữ liệu cá nhân của người khác phải thông qua sự đồng ý của họ. Việc theo dõi hàng loạt lộ trình di chuyển và liên lạc của người dân nhờ dữ liệu định vị của điện thoại di động là vi phạm quy định này.
Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân của Singapore đã được nới lỏng nhằm cho phép chính phủ thu thập, sử dụng và tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không cần sự cho phép của họ nhằm truy tìm nguồn bệnh và có các biện pháp đối phó với nCoV.

Công nghệ giám sát hàng loạt
Trong khi đó các quốc gia Đông Nam Á khác vẫn đang sử dụng dữ liệu cá nhân mà không có sự bảo vệ riêng tư cho người dân”, Emilie Pradichit, chủ tịch Quỹ từ thiện vì nhân quyền Manushya tại Bangkok, Thái Lan phát biểu.
“Họ theo dõi người dân và cả người nước ngoài qua các ứng dụng di động, trong khi các nhà chức trách của cơ quan nhập cư của Thái Lan cũng đang sử dụng các dữ liệu định vị những người nước ngoài đến nước này, tăng cường giám sát hàng loạt, đây là một nguy cơ nghiêm trọng đối với quyền riêng tư”, bà phát biểu.
Việc thiếu một cơ quan có thẩm quyền phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân tại nhiều quốc gia sẽ gây ra nguy cơ các biện pháp xâm phạm quyền riêng tư có thể sẽ tồn tại ngay cả khi tình huống khẩn cấp đã qua đi.
"Trong khi nhiều công nghệ được ra mắt, câu hỏi về tính hiệu quả và sự đe dọa quyền riêng tư cá nhân được đặt ra, và sự bùng phát dịch bệnh sẽ thúc đẩy các chính phủ quyết định những điều này có thể được chấp nhận hay không”, Jonathan Tanner, một nhà tư vấn kỹ thuật số tại Viện nghiên cứu ODI (Overseas Development Institute) cho biết.
Sự căng thẳng về cơ bản vẫn tồn tại giữa việc dùng công nghệ số để thu thập dữ liệu cho các mục đích nhất định và nguy cơ dùng dữ liệu sai mục đích có thể đe dọa sự tự do và bảo mật cá nhân”, ông phát biểu.
Chúng ta cần các chính phủ đảm bảo cho người dân trong việc xây dựng các khung pháp lý tương lai và cách chúng ta sử dụng trí thông minh nhân tạo, nhận diện số hay công nghệ nhận dạng khuôn mặt sao cho hợp pháp”. 
Với những tiến bộ vượt trội trong công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), và những mâu thuẫn trong hàng rào pháp lý bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, cùng chờ xem AI sẽ có những bước tiến như thế nào trong cuộc sống hằng ngày sắp tới.

(Theo World Economic Forum)