ĐỜI SỐNG

Dấu hiệu nhận diện các hình thức lừa đảo bằng Deepfake

Diễm Chi • 25-10-2023 • Lượt xem: 4074
Dấu hiệu nhận diện các hình thức lừa đảo bằng Deepfake

Cùng với sự phát triển của công nghệ, Deepfake ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người biết đến, đặc biệt là trên mạng hoặc các nền tảng chia sẻ video. Tuy nhiên, không còn được sử dụng với mục đích đơn thuần là phục vụ giải trí được đề ra lúc ban đầu, giờ đây, Deepfake dần bị giới tội phạm lợi dụng, trở thành một trong những công cụ thực hiện các phi vụ lừa đảo.

Xem thêm:

Công nghệ AI tiêu tốn rất nhiều năng lượng

Ở thời điểm hiện tại, khi mỗi người đều sở hữu ít nhất một trang mạng xã hội cho bản thân mình, Deepfake cũng dần trở thành một trong những mối quan ngại to lớn khi số lượng các phi vụ lừa đảo dưới hình thức này ngày càng tăng cao.

Sau khi thực hiện một chuỗi các cuộc nghiên cứu trên nền tảng diễn đàn Darknet, nơi hoạt động thường xuyên của các tội phạm công nghệ, các chuyên gia bảo mật cho biết, họ nhận thấy nhu cầu sử dụng Deepfake của giới tội phạm vượt xa khả năng có thể cung cấp của các phần mềm Deepfake trên thị trường.

Có thể nhìn thấy một cách rõ ràng, khi cầu vượt quá cung, số lượng các cuộc lừa đảo bằng Deepfake ngày một tăng cao là một trong những điều có thể dễ dàng dự đoán được. Hơn thế, loại hình này còn ngày càng trở nên phức tạp, tinh vi hơn trong quá khứ: từ đơn thuần cung cấp một video mạo danh chất lượng cao thì giờ đây, các tội phạm còn có xu hướng sử dụng trái phép hình ảnh người nổi tiếng trong luồng phát sóng trực tiếp giả mạo (fake livestream) trên các nền tảng mạng xã hội, hứa hẹn thanh toán gấp đôi số tiền mà những nạn nhân đã gửi.

Theo một số thống kê của hệ thống tham chiếu thông tin Regula, tỉ lệ các doanh nghiệp trên thế giới từng gặp lừa đảo bằng Deepfake bằng giọng nói là trở thành một trong số những nạn nhân của công cụ này lần lượt chiếm 37% và 29%.

Một trong những phương thức lừa đảo được giới tội phạm thường xuyên sử dụng ở thời điểm hiện tại chính là sử dụng các cuộc gọi video để mạo danh một cá nhân nào đó, từ đó, vay tiền người thân, bạn bè và những người họ quen biết.

Một cuộc gọi Deepfake thông thường có thể thực hiện trong khoảng thời gian 1 phút, có lẽ chính vì khoảng thời gian quá ngắn nên nạn nhân rất khó để phân biệt giữa thực tế và giả mạo.

Không chỉ là mối đe dọa với an ninh mạng Việt Nam, Deepfake đặc biệt còn là nỗi “kinh hoàng” với các chị em phụ nữ: “Hiện nay, có nhiều tội phạm mạng đang khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) để ghép khuôn mặt của nạn nhân dưới dạng hình ảnh và các video khiêu dâm”.

Giám đốc khu vực Việt Nam của Kaspersky, bà Võ Dương Tú Diễm chia sẻ: “Những hình thức này được áp dụng nhằm mục đích phát tán thông tin sai lệch để thao túng dư luận, thậm chí gây tổn hại nặng nề đến danh tính của một cá nhân hoặc tổ chức nào đó”.

AI đã và đang bị lợi dụng nhằm sử dụng cho các mục đích xấu, tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo là một trong những công cụ tối ưu mà các cá nhân và doanh nghiệp có thể sử dụng để phát hiện Deepfake, thắt chặt sự giám sát, góp phần làm giảm số lượng các vụ lừa đảo.

Người dùng có thể sử dụng các ứng dụng phát hiện nội dung được AI tạo ra như một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân khỏi các vụ lừa đảo. Cụ thể, AI sẽ sử dụng các thuật toán tiên tiến để phân tích, làm rõ, từ đó xác định mức độ chỉnh sửa của hình ảnh, âm thanh, video.

Riêng đối với một số video Deepfake, hiện đã có một số công cụ nhận diện và phát hiện mức độ chuyển động động không khớp giữa khuôn miệng và tiếng nói. Một số chương trình còn hiện đại đến nỗi cung cấp nhiều chức năng tiên tiến như phát hiện lưu lượng máu bất thường dưới da bằng cách phân tích độ phân giải của video dựa trên cơ chế thay đổi màu sắc của tĩnh mạch khi bơm máu ở người.

Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể sử dụng hình mờ (watermark) với vai trò thiết yếu là dấu hiệu nhận biết hình ảnh, video,... góp phần bảo vệ bản quyền cho các sản phẩm trí tuệ nhân tạo.

Có thể nói, tính năng này có thể là một trong những “vũ khí sắc bén” góp phần giúp người dùng chống lại các thủ thuật lừa đảo bằng Deepfake, vì chúng giúp trích xuất và truy tìm nguồn gốc của nền tảng tạo ra trí tuệ nhân tạo. 

Đặc biệt, nếu người dùng có một lượng kiến thức nhất định về công nghệ thì có thể truy xuất nguồn gốc nội dung để so sánh với dữ liệu gốc và dữ liệu đã bị chỉnh sửa bởi AI.

Một số công nghệ hiện đại còn sử dụng thuật toán mã hóa để chèn giá trị băm (hash) tương ứng với một khoảng thời gian được đặt trong video. Nếu video đã được “phù phép” thông qua “bàn tay” của AI, người dùng có thể dễ dàng phát hiện khi giá trị băm có sự biến động và thay đổi.

Trước đây, những video làm thế nào để phát hiện một video được tạo bởi AI thông qua màu sắc cũng như các chuyển động bất hợp lý, kém nhịp nhàng của các nhóm cơ, ánh mắt,... xuất hiện rất nhiều trên các nền tảng mạng xã hội nhằm cung cấp kiến thức cho người dùng. 

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên tinh vi hơn bao giờ hết, từ đó, những phán đoán dựa trên hình thức bên ngoài có thể dẫn đến sự sai lệch.

Có lẽ chính vì vậy, để phát hiện một bức ảnh, video hay âm thanh có bị can thiệp hay không cần sử dụng một số các công cụ áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giúp người dùng phòng ngừa, bảo vệ bản thân và tránh khỏi các cuộc lừa đảo.