Hội họa

Diêm Vương xử tội các nhà văn

Trần Đức Tiến • 07-04-2018 • Lượt xem: 11511
Diêm Vương xử tội các nhà văn

Duyên Dáng Việt Nam xin giới thiệu một bài viết vui, nhưng sâu sắc và nhiều liên tưởng của nhà văn Trần Đức Tiến. Sau khi đăng tải trên trang cá nhân của nhà văn, bài viết đã nhanh chóng nhận được nhiều chia sẻ và yêu thích của nhiều người, đặc biệt là các cây bút viết văn.

Nghe nói dưới Âm phủ vừa có phiên xử tội đặc biệt, dành riêng cho các nhà văn.
Đầu tiên là ông nhà thơ bị dẫn ra. Diêm Vương hỏi mỉa:
- Mặt mũi tầm thường. Sao lạm dụng dấu ba chấm (…) nhiều thế?
- Dạ bẩm…
- Đấy, lại ba chấm. Ý tứ của ngươi chỉ đến thế. Đã không còn gì để nói thì chấm mẹ nó đi, bạn đọc yên tâm đi làm việc khác. Đằng này lại ba chấm, chấm lửng, dềnh dàng ra vẻ ý tại ngôn ngoại, sâu sắc, phức tạp ghê gớm lắm! Mà ta nói cho ngươi biết, loại nhà văn nhà thơ ba chấm như ngươi cũng nhiều đấy. Cả loại chấm than (!) với hỏi chấm (?) nữa. Có khi một dấu chưa đã, còn tiện thể tương luôn ba, bốn dấu (!!!, ???). Rối cả mắt.
Không đợi cho ông ba chấm thanh minh, Diêm Vương đập bàn, quát:
- Luộc!
Lính tráng đầu trâu mặt ngựa quẳng ngay ông vào vạc dầu sôi sùng sục.
Ông thứ hai dẫn ra.
- Mỏi chân chưa? – Diêm Vương hỏi.
Thấy ông này ngơ ngác, ngài tiếp:
- Hừ! Cả đời đi mãi một đường mà không chán, không mỏi. Từ lúc cầm bút đến lúc củ tỏi, ngươi yên chí miệt mài viết mãi một thứ văn. Không biết giật mình. Đã không biết giật mình nhìn thiên hạ xem người ta viết lách thế nào để học hỏi, để thay đổi, ngươi lại khinh bỉ, thù ghét, thành kiến với cách tân, đổi mới.
Diêm Vương lắc đầu chán nản:
- Luộc!
Ông không biết giật mình lại bị quẳng vào vạc dầu.
Tiếp đến ông thứ ba. Rồi ông thứ tư…
Ông nào cũng bị Diêm Vương hạch tội. Ông dễ dãi, lười nghĩ, tả người đẹp thì phang bừa lưng ong, tóc dài như suối, da trắng như trứng gà bóc, gã phàm phu tục tử thì da mặt dày, môi nhờn mỡ, ngón tay chuối mắn, trời mùa thu dứt khoát xanh như ngọc, mây bông trắng nõn… Ông cẩu thả câu chữ lộn xộn, rối tinh rối mù, ai chê thì sưng mặt lên cãi văn chương chỉ cốt cái ý. Ơ, thằng đếch nào chả có ý, hơn nhau là ở vẻ đẹp của câu chữ, của cách diễn đạt ấy chứ, nếu không thế thì có ý gì trong đầu cứ huỵch toẹt ra mồm, việc gì phải mượn bút viết văn?... Ông cầu kỳ vặn vẹo zở zói zệch zạc zặt zẹo zãy zụa, hay đâu chả thấy, tìm tòi đâu chả thấy, chỉ thấy zành zành là thứ văn chương của kẻ cả đời bị trói zặt cánh khuỷu.
Đến ông thứ mười một, mười hai, tự nhiên Diêm Vương mất điện. Cứ tưởng ngài chê mấy ông này ngực lép, răng vẩu, không biết viết văn. Nhưng nhìn kĩ hóa ra không phải. Tướng tá ngon lành, thậm chí com lê, cà vạt, đầu vuốt keo oách xà lách. Lát sau mới biết đấy là mấy ông phê bình.
Luộc! Không cho giơ tay phát biểu.
Ông cuối cùng, đột nhiên Diêm Vương ráng sức thét to:
- Tên cạo giấy kia! Biết tội gì chưa?
Ông nhà văn này run cầm cập:
- Dạ… Thưa chưa.
- Giờ này mà còn u mê thế à?
- Bẩm ngài, cả đời con cần cù, vất vả bằng mấy kéo cày…
- Kéo cày hay làm thợ đấu thì mặc xác ngươi. Nhưng văn ngươi viết ra cuốn nào ta cũng thấy nhạt toen toét!
Nhà văn lặng thinh.
- Nhạt là tội to lắm. Nhưng khủng khiếp hơn nữa là ngươi lại không tự biết mình nhạt. Cứ thế cắm đầu cắm cổ hùng hục viết. Sách của ngươi in ra càng nhiều bộ, nhiều tập thì tội của ngươi càng chồng chất.
Ngài đưa mắt cho bọn lính. Bọn này nhanh chóng tót đi. Ngài gọi với theo:
- Phú Quốc, loại 1 nghe!
Nhoáng cái thấy lũ đầu trâu mặt ngựa khênh ra một thùng phuy gỗ sồi bự chà bá. Thứ nước bên trong bốc mùi sực nức, điếc cả mũi. Chúng mở nắp, đổ ồng ộc vào cái vạc đồng thứ hai nãy giờ còn để trống, rồi thả vào cái ly cỡ ly uống bia hơi.
- Biết nước gì rồi phải không? - Diêm Vương nhếch mép, phảy tay về phía vạc dầu sôi - Bọn kia ta cho đầu thai kiếp sau làm nhà văn, bố bảo chúng nó cũng chả dám. Nhưng riêng nhà ngươi thì dám lắm. Nhạt nhẽo bao giờ cũng đi kèm với lì lợm, không biết điều. Bởi vậy, giờ ta phạt ngươi trong cái vạc này, trong uống ngoài ngâm. Bao giờ ngươi quắt lại như cái sợi ca la thầu, ta cho ngươi đầu thai, may ra lúc ấy trần gian mới đỡ khổ.

(Ghi chú: Mình chỉ kể lại câu chuyện được nghe, không chịu trách nhiệm về quan niệm văn chương của Diêm Vương. Ai bất đồng chính kiến, đi tìm ổng mà tranh luận, Facebook của mình không có chỗ cho việc đó).