GIẢI TRÍ

Đời sống của lụa Việt và câu chuyện tạo nên giá trị trong thời trang cao cấp

Phong Du • 25-10-2023 • Lượt xem: 1396
Đời sống của lụa Việt và câu chuyện tạo nên giá trị trong thời trang cao cấp

Lụa là một chất liệu đại diện cho sự quý phái và cao sang. Trong bản đồ thời trang Việt Nam và thế giới, lụa luôn có chỗ đứng cho riêng mình để tô vẽ nên nhiều màu sắc ấn tượng cho đời sống của con người.

Giữa muôn vàn chất liệu trong thế giới thời trang, lụa luôn có sức hút riêng và vị trí đặc biệt cho mình. Từ câu chuyện hình thành và dòng đời của chính mình, lụa tạo nên một giá trị độc bản, xứng đáng trở thành “ông hoàng của các loại vải” và có một vị thế không thể lung lay ở dòng thời trang cao cấp.

Hành trình của lụa: Từ con tằm, quả kén đến sợi tơ

Lụa khác với những chất liệu vải khác trong ngành công nghiệp thời trang. Lụa có một đời sống khác trước khi trở thành chất liệu may mặc để làm đẹp và tăng giá trị cho cuộc sống của con người.

Từ xưa, người ta trao cho những tấm vải lụa biệt danh cao sang, quyền quý đến độ gọi là “ông hoàng của các loại vải”. Sự quyền quý và cao sang đó nằm ở chỗ độ khó, độ lâu, độ bền bỉ để con người ta nuôi tằm, kéo tơ và dệt lụa.

Bởi vì lụa là loại vải được làm từ sợi tơ tằm tự nhiên, mềm mại và có bề mặt khá mịn. Để tạo ra vải lụa dệt từ tơ tằm, người ta phải trồng dâu nuôi tằm với quy mô lớn để nhả kén. Sau đó quay sợi tơ và dệt thành những tấm vải lụa.

Người ta thường hay nói với nhau, tuyển thợ ươm tơ trước nhất phải tuyển tính cách. Vì nếu chỉ bỏ qua một mối nối có thể hỏng con tơ khi đi kéo sợi. Công sức làm thành một bó tơ không hề dễ dàng. Do đó, những nghệ nhân tạo ra những tấm lụa tơ tằm phải yêu nghề, tỉ mỉ, khéo léo để dày công làm nên những bó tơ chỉ lụa đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Vì thế trang phục sử dụng chất liệu vải lụa có giá thành cao và lụa luôn có vị trí đặc biệt trong ngành thời trang trên toàn thế giới.

Đời sống của lụa Việt

Việt Nam là một trong những quốc gia được thế giới công nhận có lịch sử nghề tơ lụa lâu đời, trải qua hàng nghìn năm với nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa nổi tiếng như Cổ Đô, Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Duy Duyên, Mã Châu (Quảng Nam), Tân Châu (An Giang)... Và đặc biệt là thủ phủ tơ lụa của Việt Nam - Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang nổi lên trên bản đồ tơ lụa thế giới thời gian gần đây. 

Với sự phát triển nhanh chóng của tơ lụa Bảo Lộc, người Việt đang cố sức tạo được những thành công nhất định khi đem tinh túy quý giá nghề dệt may truyền thống của dân tộc vươn ra thế giới. Minh chứng cho điều đó là con số ấn tượng về sản lượng tơ Bảo Lộc sản xuất hằng năm lên đến 1.000 – 1.2000 tấn, sản lượng lụa đạt 3.5 triệu mét vuông. Đồng thời, tơ lụa Bảo Lộc còn có mặt tại  các thị trường lớn, các thủ phủ thời trang trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp và Hàn Quốc… Lụa Bảo Lộc đang từng bước có mặt ở nhiều nước thuộc châu Âu.

Tháng 4/2023, hơn 100 mẫu thiết kế trong bộ sưu tập áo dài từ lụa tơ tằm Bảo Lộc được nhà thiết kế Minh Hạnh mang đến thành Ý, trình diễn tại thành Rome trong sự kiện giao lưu văn hóa kỷ niệm giữa Việt Nam và Italy. Bộ sưu tập thành công chinh phục trái tim của những người yêu nghệ thuật, yêu thời trang tại Ý bằng những thiết kế được thêu tay tinh xảo trên nền lụa mỏng.

Qua đó, những tà áo dài được làm từ chất liệu vải lụa tơ tằm thiên nhiên của Việt Nam giúp người dân Ý hình dung được một Việt Nam thanh bình và tươi đẹp qua những hình ảnh dạng dị và thân thuộc như cây tre, nón lá… Từ đó, lụa Việt khoe sắc rn ngời giữa nước bạn. Đó là một vẻ đẹp mềm mại, nhẹ nhàng

Lụa giản dị nhưng vẫn cao cấp

Nếu ngày xưa, lụa chỉ có đời sống quý tộc, là mặt hàng xa xỉ được sử dụng trong cung cấm, chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu thì ngày nay lụa được biến hóa đa dạng thế trở thành món hàng quen thuộc, gần gũi với đời sống của con người như quần áo, khăn choàng, khăn voa được các tín đồ đam mê thời trang đặc biệt yêu thích. Bởi vì trang phục từ lụa không chỉ có độ mềm mại, nhẹ mát, độ bóng vượt trội mà còn rất thân thiện với làn da. Ngoài khả năng giải nhiệt, các trang phục từ chất vải này còn toát lên sự sành điệu, thậm chí là giúp sang chảnh hóa phong cách hiệu nghiệm.

Để những thiết kế làm từ vải lụa được đa dạng, các nhà thiết kế Việt đã linh hoạt sử dụng các chất lụa khác nhau, có nguồn gốc thiên nhiên lẫn công nghiệp. Một số thương hiệu thời trang Việt Nam góp phần giữ gìn và phát triển giá trị của lụa Việt như Lam Boutique, Thủy Design House, Vietnam Silk House, Lơ Boutique, Xéo xó, Le Tonkin – House of Silk… 

Các nhà thiết kế Việt luôn gìn giữ, duy trì và phát triển vẻ đẹp của lụa Việt trong những thiết kế thời trang độc đáo, mang tính ứng dụng cao cho đời sống của con người. Lụa từ đó được sống thêm đời sống mới cùng các nhà thiết kế bay bổng tô nên những vẻ đẹp mát rượi cho cuộc sống muôn màu.

Tuy thân quen hơn với đời sống của con người hiện đại nhưng lụa vẫn giữ trọn vẹn nét đẹp cao sang, giá trị vững bền từ những ưu điểm vốn có của một chất vải cao cấp được công nhận.
 
Năm 2023, trên toàn cầu trang phục chất liệu vải lụa liên tục được lăng xê bởi các thương hiệu thời trang hàng đầu như Balmain, Burberry, Celine… trong những bộ sưu tập Xuân – Hè được giới thiệu đến công chúng. Những thiết kế từ vải lụa đều toát lên sự sang trọng, giúp người mặc trở nên quyến rũ, cuốn hút. Chính vì vậy, nhiều ngôi sao trên thế giới như Kendall Jenner, Song Hye Kyo… đã nắm bắt xu hướng, chọn trang phục chất liệu vải lụa để tôn lên những vẻ đẹp của cơ thể, tôn khí chất đẳng cấp của một ngôi sao.

Với sự vươn mình của lụa Việt và lụa nói chung thì chất liệu này sẽ mãi là vùng đất sáng tạo để những nhà thiết kế tạo ra những phục trang bắt mắt, phục vụ cho việc tạo tác nên cái đẹp trong cuộc sống.