Tiểu thuyết “Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm” là một lát cắt sâu về đời sống của thế hệ người Việt thứ hai trong hành trình vật lộn để trưởng thành và hội nhập tại đất Mỹ trong thời hậu chiến.
Nhân vật chính trong truyện là “Tôi” – một cô bé 6 tuổi theo ba mình lên thuyền vượt biên cùng dòng người xa lạ để tìm cuộc sống mới, bỏ lại mẹ cô cùng người anh trai bị chết đuối cách đó không lâu nơi làng chài xơ xác, mặn mùi muối biển.
Sau vài năm lưu lạc tách biệt, cuối cùng gia đình của cô bé cũng được đoàn tụ, nhưng rồi những bức bối, tủi hờn, bế tắc trong cuộc sống bắt đầu tác động thô bạo và làm méo mó từng phận người dù họ vẫn luôn cố gắng chống cự. “Tôi tìm thấy ở ba tôi sức chịu đựng khủng khiếp, chịu đựng, chôn chặt, im lặng và tôi thấy phải viết ra những gì mình đã sống, đã chôn chặt, nếu không, sẽ không chịu nổi”.
Với “Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm”, chiến tranh không bao giờ kết thúc, cho dù trên danh nghĩa, nó đã lùi xa. Và những mảnh vỡ của nó vẫn luôn còn lưu trú trong đất đai, cỏ cây, trong những sâu xa vô thức cùng ý thức của con người.
Tiểu thuyết đã cho người đọc thấy một cái nhìn về chiến tranh từ mặt bên – mặt của những phận người. Rốt cuộc, chẳng có bên ấy-bên này, chúng ta-bọn họ. Chung quy lại, chỉ có những con-người, đang nỗ lực sống cuộc đời mình.
Trong “Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm” của Lê Thị Diễm Thúy, sự chia cắt đẩy nhân vật tôi cùng cha lên thuyền vượt biên sang Mỹ. Trong đầu óc đứa trẻ sáu tuổi, chiến tranh, chia cắt không rõ ràng về mặt khái niệm. Chúng biểu hiện qua những đêm mặn chát tròng trành trên biển và nước mắt cha cô rỏ nơi đất lạ – nước mắt gã du đãng từng ở trong quân đội Nam Việt Nam.
Cha con cô đã làm cuộc tẩu thoát về mặt vật lý lẫn tinh thần. Sau nhiều năm ở Mỹ, người cha – thợ sơn, thợ máy, người làm vườn, người chải tóc con gái mỗi buổi sớm, người đem về nhà những cành hoa bầm dập từ khu vườn mình chăm sóc, người uống rượu và đánh đập vợ con, người trong một đêm say đứng dưới chung cư và gào lên: “Tao sẽ giết hết tất cả bọn mày” – tiếp tục làm cuộc chạy trốn vào sâu bên trong, co rúm người lại để sự hiện diện của mình chiếm thật ít diện tích cuộc đời. Nhân vật tôi khi mười sáu tuổi cũng làm cuộc chạy trốn khỏi gia đình, đúng hơn, chạy trốn khỏi quá khứ đang không ngớt dày vò cha mẹ cô.
Cuộc chạy trốn nhưng cũng là cuộc kiếm tìm. Trong một lần cãi vã, mẹ nhân vật tôi hét lên với người cha: “Đừng đụng bàn tay du đãng kia vào người tôi”. Người cha đấm tay vào tường đến toé máu và gầm lên: “Tên du đãng nào? Chỉ cho tao tên du đãng đó”. Cô bé con chứng kiến cảnh tượng, tự nhủ một ngày sẽ đi tìm tên du đãng mà tất cả bọn họ đang lùng kiếm. Nào ngờ khi lớn lên, giống như cha mình, cô trở thành một tên du đãng bé con. Và cuộc tìm trở thành hành trình truy kiếm danh tính của chính cô.
Lê Thị Diễm Thúy là nhà thơ, nhà văn kiêm diễn viên kịch sinh năm 1972 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Năm 1978, cô theo cha đến định cư tại San Diego, California, Hoa Kỳ. Năm 1990, cô học trường Hampshire College ở Massachusetts, chuyên ngành nghiên cứu văn hóa và văn chương hậu thuộc địa. Năm 1993, cô sang Paris để khảo cứu các thư tịch tàng trữ ở Pháp về Việt Nam. Cùng thời gian này, Lê Thị Diễm Thúy cũng bắt đầu sự nghiệp sáng tác.
Và "Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm" xuất bản lần đầu năm 2001, chính là tiểu thuyết đầu tay của Lê Thị Diễm Thúy nhưng ngay khi vừa ra mắt công chúng đã gặt hái được nhiều giải thưởng uy tín như Guggenheim Fellowship (2004), USA Fellowship (2008).
Nhận xét về tác phẩm, Viet Thanh Nguyen – tác giả Người tị nạn cho rằng: “Chiến tranh đã định hình nên một thế hệ và cùng lúc đẽo gọt ra thế hệ kế tiếp, như những gì Lê Thị Diễm Thúy đã bày ra trong "Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm".”
Báo New York Times cũng không tiếc lời khen ngợi "Gã du đãng chúng ta đang lùng kiếm": “Một sự gợi nhắc tuyệt vời về nỗi buồn và khát vọng của những phận người… Nhói lòng và xúc động… Sâu sắc như một câu chuyện cổ, trầm ẩn như một áng thơ xưa”.