GIẢI TRÍ

Giấc mộng vàng son - khi bi kịch làm ta giật mình

Lâm Hạnh - Ảnh: HTT • 17-02-2018 • Lượt xem: 1221
Giấc mộng vàng son - khi bi kịch làm ta giật  mình

Giấc mộng vàng son là một trong những vở kịch đi ra ngoài không khí kịch tết năm nay, nó không vui, không tràn ngập tiếng cười, ngược lại còn mang đầy bi kịch của các nhân vật. Sân khấu Hoàng Thái Thanh từ những ngày đầu thành lập đến nay chưa bao giờ "kiêng kỵ" những ngày đầu năm mà không "dám" nói chuyện buồn. Tuy Giấc mộng vàng son là câu chuyện của bi kịch đã được đẩy tới cùng nhưng sẽ làm cho khán giả suy nghĩ về sự lựa chọn và những giấc mơ hão huyền.

Khán giả yêu kịch hẳn đã biết một Quang Thảo diễn viên quen thuộc của sân khấu Hoàng Thái Thanh và là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu, đặc biệt là các vở Ngày xửa ngày xưa và Ngọc Duyên vừa là diễn viên vừa là đạo diễn của một số vở kịch. Lần đầu tiên, nghệ sĩ Quang Thảo và Ngọc Duyên cùng nhau dàn dựng một vở kịch tại sân khấu Hoàng Thái Thanh và đã tạo được nhiều ấn tượng đẹp với khán giả. Giấc mộng vàng son được Quang Thảo viết kịch bản và kết hợp với Ngọc Duyên làm đạo diễn vở kịch này.

Quang Thảo đã  mượn câu chuyện chú Cuội cung trăng để viết nên một câu chuyện khác về cuộc đời. Rằng, gia đình Cuội bao nhiêu thế hệ sinh con trai đều đặt tên Cuội để chờ cái ngày định mệnh được Thiên đình gọi lên cung quế, kết hôn với Hằng Nga và sống cuộc đời sung túc. Giấc mơ "truyền đời" ấy cho tới một ngày cũng trở thành hiện thực, Cuội lên cung trăng nhưng "đời không như là mơ nên đời thường giết chết mộng mơ". Cung hằng tưởng vui hóa ra chỉ là những ngày nhạt thếch trôi qua, mọi thứ đều đã được sắp xếp sẵn, không có biến cố, không một bất ngờ nào ngoài bất ngờ duy nhất là Hằng Nga một lòng chờ Hậu Nghệ, chẳng chịu cưới Cuội. Cuội tiếc nuối những ngày sống cùng Bưởi - người vợ hiền là vầng trăng sáng mà hắn chẳng bao giờ thấy được vẻ lung linh. 

Đã bao nhiêu lần ta mạnh dạn "chi" thời gian cho những thứ tưởng chừng có ý nghĩa vô song trong cuộc đời mình hóa ra chỉ là hão huyền? Đã bao nhiêu lần ta chọn lựa sai lầm mà nghiệt ngã thay đã giẫm chân vào con đường một chiều, không cách nào quay trở lại? Bi kịch của con người đôi khi cũng từ đó mà ra. Trong một đêm mưa gió, Cuội đối mặt với việc ở lại cùng vợ con hay đu gốc đa bay lên sống một cuộc đời khác. Trong phút chốc, hắn đã tạm biệt gia đình suốt 70 năm ròng. Bưởi - vợ Cuội cũng ròng rã từng đó năm sống cùng biết bao biến cố, bỏ qua một tấm chân tình quanh quẩn bên mình.

Kịch bản Giấc mộng vàng son của Quang Thảo có những lúc làm cho khán giả nhớ tới  những vở kịch Ngày xửa ngày xưa của IDECAF với kiểu đặt tên các bà tiên Hằng Học, Hằng Ngày, Hằng Đêm và những miếng hài nơi cung trăng. Kịch bản này hay ở chỗ làm cho khán giả thấy đôi khi bi kịch của mỗi người đến từ sự chọn lựa của chính mình chứ không phải bởi một sự ác độc nào đẩy ta vào. Cuội sai lầm khi chọn lựa sống ở cung trăng để rồi khi xuống được trần thế đau đớn nghe vợ, lúc này mắt đã hết thấy đường, thương yêu gọi tên một người đàn ông khác, Bưởi lẽ ra có thể sống hạnh phúc bên người đã yêu mình bao lâu nay nhưng đã chọn sống trong uất hận ngóng trông Cuội trở về, Cóc đã chọn sống đau buồn trong tù tội để bảo vệ người mình yêu...  

Vở kịch này may mắn có được một dàn diễn viên diễn tốt đồng đều. Quang Thảo vừa là tác giả kịch bản, đồng đạo diễn và đảm nhiệm vai Cóc - một trong những nhân vật quan trọng của vở kịch. Anh đã thể hiện rất tốt chàng Cóc si tình, bao nhiêu năm "phung phí trong cơn muộn phiền" cùng một tình yêu chẳng được đáp lại bởi nhiều lý do. Quang Thảo đã đi qua tốt những đoạn tâm lý nặng nề của chàng Cóc, đặc biệt là khi xuất hiện sau bao nhiêu năm tù và đau đớn hưởng chút tình cảm của người mình thương.  

Một nhân vật nhất thiết phải nói đến trong vở kịch này là bà tiên Hằng Học do diễn viên Hồng Ánh thủ vai. Chị đã có những biến hóa ấn tượng không ngờ trong vai diễn của mình. Đầu tiên, bà Hằng Học xuất hiện, đòi cưới Cuội tưởng chỉ là tình huống vui vẻ làm cho vở kịch nhẹ nhàng hơn nhưng hóa ra bà ta sống ở cung trăng mấy ngàn năm cũng chất chứa nỗi niềm. Tâm lý của nhân vật được Hồng Ánh chuyển biến nhuần nhuyễn từ lúc mới xuất hiện mang lại những miếng hài cho khán giả cho đến lúc làm khán giả "điếng hồn" vì ước mong một lần được biết đến tình yêu là gì mà loài người suốt đời ca tụng của bà tiên ngàn tuổi. Bà tiên Hằng Học qua diễn xuất của Hồng Ánh đã mang được sức nặng tâm lý đáng kể.

Vai Cuội của Quốc Thịnh và vai Bưởi của Tuyết Thu cũng được hai diễn viên nhiều kinh nghiệm sân khấu chuyển tải khá tốt. Quốc Thịnh có sở trường đóng những vai hơi "kì dị"  trong các vở cổ trang, kiểu như Cuội. Kiểu thoại từ từ, cà tưng làm khán giả thích thú và rồi cũng chính anh đem lại cho khán giả cảm xúc vừa giận vừa thương. Tuyết Thu qua vai Bưởi chính là người đem lại nhiều nước mắt và sự nặng nề đến cho khán giả.

Vở kịch tiếp tục được diễn suốt tết Mậu Tuất tại sân khấu Hoàng Thái Thanh