ĐỜI SỐNG

Giải pháp năng lượng tái tạo tại khu vực Đông Nam Á

Thiện Thuật • 20-06-2023 • Lượt xem: 991
Giải pháp năng lượng tái tạo tại khu vực Đông Nam Á

Hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng và nhu cầu về các nguồn năng lượng bền vững ngày càng trở nên cấp thiết, các nước trong khu vực Đông Nam Á đang thúc đẩy sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện nhằm hạn chế tình trạng suy thoái môi trường và giảm thiểu những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

Tin bài khác:

Ông lớn công nghệ tìm giải pháp ngăn chặn thông tin giả do AI

Thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo

Các nguồn năng lượng tái tạo có khả năng giảm đáng kể lượng khí thải carbon nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, năng lượng tái tạo không tạo ra khí nhà kính hoặc các chất gây ô nhiễm có hại khác. Theo khảo sát, năm 2021, năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng gió và mặt trời chiếm hơn 10% sản lượng điện của thế giới, một cột mốc quan trọng trên con đường hướng tới một tương lai năng lượng bền vững hơn.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những quốc gia đã triển khai hiệu quả các giải pháp năng lượng tái tạo phi tập trung để tăng cường khả năng phục hồi và tiếp cận của người dân. Tại các hải đảo xa xôi, người dân đã lắp đặt năng lượng mặt trời để cung cấp điện sạch, giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Hiện nay, khoảng 14,9% năng lượng của Thái Lan được tạo ra từ các nguồn tái tạo, chính phủ Thái Lan đang đặt mục tiêu nâng con số này lên 30% vào năm 2037. Về cơ cấu năng lượng tái tạo của Thái Lan bao gồm 30% sinh khối, 25% thủy điện, 24% năng lượng mặt trời, 13% năng lượng gió và 8% các nguồn khác như chất thải và năng lượng địa nhiệt.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá công nghệ sạch toàn cầu sẽ đạt giá trị khoảng 650 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, giúp tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Ngoài ra, các vị trí việc làm như kỹ thuật viên tuabin gió, kỹ sư chuyên về hệ thống năng lượng tái tạo, quản lý dự án và nghiên cứu đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tiến bộ của công nghệ năng lượng tái tạo.

Thách thức chuyển đổi năng lượng tái tạo

Thách thức đối với việc sử dụng năng lượng tái tạo là tính không liên tục của các nguồn năng lượng, do phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết. Vì vậy cần có những giải pháp dự trữ năng lượng, chẳng hạn như pin hoặc hệ thống thủy điện là rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung năng lượng. Ngoài ra, việc sản xuất các công nghệ năng lượng tái tạo, chẳng hạn như tấm pin mặt trời và tua bin gió, cũng có thể gây ra tác động đến môi trường, trong việc khai thác và xử lý kim loại hiếm.

Một thách thức khác khi sử dụng năng lượng tái tạo có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng xã hội. Điển hình là việc xây dựng các dự án năng lượng mặt trời và gió quy mô lớn đôi khi có thể dẫn đến xung đột với các cộng đồng bản địa hoặc các nhóm yếu thế khác. Điều này cho thấy chúng ta cần đảm bảo rằng các lợi ích của năng lượng tái tạo được phân phối công bằng và các cộng đồng địa phương được tư vấn và tham gia vào quá trình ra quyết định.

 Tại Lào, việc xây dựng đập thuỷ điện Xayaburi đã khiến khoảng 2.100 người phải di dời và ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 200.000 người trong khu vực. Con đập cũng gây tác động đáng kể đến hệ sinh thái của sông Mê Kông, gây nguy cơ một số loài cá bị tuyệt chủng. Theo báo cáo của International Rivers, tác động của con đập đối với nghề cá của sông có thể dẫn đến thiệt hại hơn 500 triệu USD mỗi năm cho khu vực.

Giải pháp cân bằng năng lượng tái tạo

Theo Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA). Năm 2020, công suất năng lượng mặt trời lắp đặt tại Đông Nam Á đã tăng khoảng 42%, đưa Đông Nam vực trở thành một trong những khu vực phát triển năng lượng mặt trời nhanh nhất thế giới.

Việc sản xuất các tấm pin mặt trời và tua bin gió cũng gây ra những tác động đáng kể đến môi trường, khi sản xuất các tấm pin mặt trời cần phải sử dụng các kim loại đất hiếm như cadmium và tellurium, có khả năng gây ô nhiễm nước và suy thoái đất. Tương tự như vậy, việc sản xuất tua bin gió đòi hỏi phải sử dụng các kim loại đất hiếm như neodymium và dysprosium, những kim loại này thường được khai thác theo những cách gây hại cho môi trường.

Để giải quyết những thách thức này, điển hình như chính phủ Thái Lan đang đầu tư vào R&D để phát triển các vật liệu mới, bền vững hơn cho các tấm pin mặt trời và tua bin gió nhằm đáp ứng mục tiêu sản xuất 30% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2036. Tương tự, chính phủ Indonesia đang đầu tư vào các giải pháp lưu trữ năng lượng để hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện nhằm đáp ứng mục tiêu sản xuất 23% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2025.

Nhìn chung, năng lượng tái tạo mang lại lợi ích đáng kể về môi trường, nhưng việc triển khai chúng đôi khi có thể tạo ra những hậu quả về kinh tế và xã hội ngoài ý muốn. Chính vì vậy, cần phải đảm bảo các dự án năng lượng tái tạo phải được thiết kế phù hợp nhằm giảm thiểu các thách thức và mở đường cho một tương lai bền vững.