Duyên Dáng Việt Nam

Giúp trẻ chơi mà học, học mà chơi hiệu quả trong mùa dịch COVID-19

Cẩm Tú • 09-04-2020 • Lượt xem: 655
Giúp trẻ chơi mà học, học mà chơi hiệu quả trong mùa dịch COVID-19

Khi trường học đóng cửa, các bậc cha mẹ khắp đất nước phải đối phó với nỗi lo con nghỉ học một thời gian dài. Phần lớn thời gian bé phải ở trong nhà, không được chơi với bạn bè hay đến khu vui chơi. Vậy, làm thế nào để giúp trẻ chơi mà học, học mà chơi hiệu quả.

 Arlene Harris - một bà mẹ 3 con, đã áp dụng phương pháp Montessori để để giúp các con trải qua thời gian này một cách đầy hứng khởi. Bài viết của cô được đăng tải trên trang irishtimes và nhận được sự đồng tình của nhiều độc giả.

Cho con biết lý do

Tò mò là đặc tính của bất kì đứa trẻ nào. Chúng sẽ không ngừng hỏi tại sao cho đến khi biết được nguyên nhân. Vì vậy, để giúp trấn an các con, cha mẹ cần giải thích cho con tại sao chúng lại bị “nhốt” trong nhà một cách rõ ràng nhất có thể. Đây là một sự chuẩn bị tâm lý cần thiết để trẻ cảm thấy thoái mái hơn và chấp nhận cách ly một cách nhẹ nhàng.

Hãy để con vào bếp

Có lẽ một điều tốt đến từ việc cách ly xã hội là cơ hội cho phép trẻ được tham gia chuẩn bị các bữa ăn. Ủng hộ cho quan điểm đưa trẻ vào bếp, Jolene Cox- blogger nổi tiếng người Anh tin rằng chìa khóa cho sức khỏe và hạnh phúc gia đình đơn giản là các bữa ăn truyền thống được nấu tại nhà. Những món ăn gia đình thực thụ với những nguyên liệu đơn giản mà cả gia đình có thể quây quần quanh bàn ăn để thưởng thức. Không cần gì hơn thế.

Giữ sự năng động

Ở mỗi lứa tuổi, con có sự phát triển tâm lý, nhu cầu học tập, vui chơi khác nhau. Vì vậy, ở mỗi giai đoạn, cha mẹ cần thấu hiểu tâm lý của con để định hướng, tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi hợp lý.

Đối  trẻ mới biết đi, các bé có sự quan sát rất tinh tường và luôn muốn cảm thấy mình có ích. Vì vậy, ở lứa tuổi này cha mẹ có thể:

- Khuyến khích bé làm việc nhà như lau nhà, lau bàn, cho rác vào thùng hay cùng các con con nấu ăn.

- Tổ chức trò chơi truy tìm kho báu ngay trong nhà. Những chuyến “đi săn” tìm kiếm những vỏ sò, con bọ, bông hoa, hay các “kho báu” khác sẽ khiến bé vui thích, không kém gì được đến công viên hay dạo chơi trên bờ biển.

- Bạn có thể khiến bé bận rộn bằng cách “nhờ” con dọn dẹp và phân loại đồ giặt, nhặt nui ra theo hình dạng hay màu sắc, phân loại đồ chơi, sắp xếp ngăn kéo chứa dao dĩa, xếp giày thành đôi.

Đối với trẻ từ 4-6 tuổi: Bản năng tò mò thôi thúc bé khám phá các nguyên liệu và gia vị. Cha mẹ có thể cho bé “giúp đỡ” chuẩn bị bữa ăn, chỉ cho bé cách bóc vỏ hạt, nhặt rau, khuấy, nghiền. Việc này không chỉ khiến bé trở nên bận rộn không làm phiền cha mẹ mà còn cho các bé cảm giác đạt được thành tựu và kích thích các bé ăn những gì chúng “tự chuẩn bị”.

Đây là lứa tuổi lý tưởng để bé phát huy trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo bất tận của mình. Chúng hứng thú xây dựng một thế giới đa dạng chỉ bằng những đồ chơi đơn giản như khủng long, các chú lính, các cô búp bê… Những chiếc lều bằng vải, ngôi nhà bằng carton là cả một thế giới đầy màu sắc với chúng.

Đối với trẻ 7-9 tuổi: Ở tuổi này, các hoạt động trong nhà đã không còn thu hút các con như trước, thay vào đó, cha mẹ có thể cho các con xem các chương trình giải trí có ích trên ti vi. Ví dụ như “Xưởng thiết kế mộng mơ” – là chương trình truyền cảm hứng sáng tạo dành cho các bạn nhỏ yêu thích thời trang. “Heo đất” – là chương trình dành cho các em nhỏ độ tuổi tiểu học, với những bài học về quản lý tài chính đầu tiên. “Phóng viên cấp 1”- chương trình đưa ra những thông tin, tin tức mà các bé trong lứa tuổi quan tâm ( các chương trình trên được phát sóng trên VTV7).

Đối với trẻ 10-12 tuổi: Tuổi này trẻ thường hơi cứng đầu vì các con luôn nghĩ mình đã lớn. Bởi vậy, cha mẹ có thể khuyến khích con tự xây dựng những kế hoạch nhỏ của riêng mình, viết nhật ký hay thậm chí viết một cuốn sách do chính mình thiết kế bìa, hoặc xây dựng một vở kịch hay buổi biểu diễn để con có không gian tự do sáng tạo.

Ở tuổi này, cha mẹ không nên quá khắt khe với con khi con sử dụng mạng internet để tìm kiếm để khám phá, nhưng vẫn cần có sự kiểm soát nhất định.

Ngoài internet, các kênh truyền hình cũng có rất nhiều chương trình tiếng hay hữu ích dành cho các con như chương trình học tiếng Anh giao tiếp Follow us và  “Cuốn sách của em”- cầu nối để các bạn nhỏ chia sẻ những cuốn sách yêu thích trên sóng truyền hình của VTV7.

Đối với trẻ tuổi teen: Chúng thường được cho là tuổi quậy phá, nhưng các hành động này chủ yếu xuất phát từ sự buồn chán hay giận dỗi – hãy chắc chắn rằng luôn dành thời gian trò chuyện với các bạn teen về những vấn đề chúng đang gặp phải.

Hãy khiến những ngày tháng cách ly trở nên lạc quan hơn với một kế hoạch cụ thể - chúng có thể dọn dẹp và sắp xếp lại tủ quần áo hay các bộ đồ chơi điện tử. Đồ không dùng đến có thể mang đi tái chế hay làm từ thiện. Chọn màu và sơn lại phòng ngủ hay các phòng khác trong nhà, nhổ cỏ và trồng trọt trên khoảng đất riêng trong vườn hay thiết kế một châu câu bên cửa sổ để trồng hoa… Hãy để chúng thỏa sức trải nghiệm với việc nấu nướng các bữa ăn hay dậy chúng một vài điều thực tế về mạng xã hội.

Việc để giữ một đứa trẻ đang tràn đầy năng lượng với bộ não luôn vận hành để thôi thúc chúng khám phá thế giới trong nhà suốt một thời gian dài là rất rất khó, thay vì để con loanh quanh với 4 bức tường hãy làm cho khoảng thời gian này trở nên thú vị, gắn kết tình cảm gia đình bền chặt hơn, cho con bạn một không gian sáng tạo vừa vui chơi vừa học hỏi.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ bất bình thường nhất, và nhiều người coi nó như những chuỗi ngày bị giam cầm hay đáng sợ hãi – nhưng hãy thử nhìn nhận quãng thời gian này như một món quà. Một vài bậc cha mẹ trong chúng ta có con lớn sẽ nhận ra thời gian trôi nhanh đến thế nào, vậy nên hãy dùng thời gian này để vui đùa cùng con, chơi bài, vẽ tranh, xem phim, làm lều hay thành phố khủng long trong bếp, đọc thật nhiều sách và đi dạo những nơi có thể.