Hội họa

Hà thành kim cổ ký: Vì sao có câu 'Vắng như chùa Bà Đanh'?

Nguyễn Ngọc Tiến • 10-03-2018 • Lượt xem: 10844
Hà thành kim cổ ký: Vì sao có câu 'Vắng như chùa Bà Đanh'?

Năm 1470 vua Lê Thánh Tông đích thân cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành bại trận và Lê Thánh Tông trở về Thăng Long đã đem theo rất nhiều tù binh. Trong số đó có nhiều tù binh thuộc dòng dõi quý tộc...

Với tinh thần khoan hòa với các quốc gia láng giềng, cũng có ý sử dụng số tù binh này như con tin để Chiêm Thành chấm dứt ý đồ đánh chiếm Đại Việt, Lê Thánh Tông đã dành một vùng đất cho họ để họ được sống theo phong tục, tập quán của dân tộc mình. Vùng đất đó chính là phường Thụy Chương (nay là phường Thụy Khuê) bên cạnh Hồ Tây. Ông cho xây một khu riêng gọi là Viện Châu Lâm.

Hà thành kim cổ ký: Vì sao có câu 'Vắng như chùa Bà Đanh'? - Ảnh 1

Không nhiều người biết câu chuyện phía sau chùa Bà Đanh. (Ảnh.Internet)

Trong số tù binh đó có người theo đạo Balamon, có người theo Hồi giáo và người theo Đạo Phật. Để những người theo Đạo Phật có nơi hành đạo, Lê Thánh Tông đã cho xây một ngôi chùa gọi là Châu Lâm. Việc xây chùa Châu Lâm còn ẩn chứa ý khác là để những tù binh theo đạo khác có thể cải đạo. Tuy nhiên, việc cải đạo là chuyện không dễ dàng nên chùa rất vắng, chỉ có ít tín đồ theo Đạo Phật vào cúng lễ. Mặt khác, vì chùa Châu Lâm dành riêng cho người Chiêm Thành nên người Việt không dám vào đây. Và dân phường Thụy Chương cũng có một ngôi chùa riêng là Phúc Long nên chùa Châu Lâm quanh năm vắng vẻ.

Theo thời gian, xã hội phong kiến thay đổi, một số người Chiêm Thành được trở về quê, số khác lấy vợ, lấy chồng sinh con nên Châu Lâm Viên chật chội khiến họ phải di sang các khu vực khác sinh sống. Một số thì lấy chồng hay vợ là người Việt cũng dời khỏi vùng này nên chùa Châu Lâm càng vắng vẻ. Rồi chùa xuống cấp vì lâu không được tu sửa. Theo tấm bia Chính Hòa 20 (1699) có ghi “Châu Lâm tự hiệu là chùa Bà Đanh”. Sở dĩ có tên nôm là Bà Đanh vì bà Đanh từng là người trông coi chùa một thời gian dài. Vì vắng người đến chùa lễ bái nên thấy nơi nào vắng vẻ người ta nói “vắng như chùa Bà Đanh” và câu này đã trở thành thành ngữ.

Trong bài “Tụng phú Tây Hồ” ca ngợi cảnh đẹp của khu vực xung quanh Hồ Tây của Nguyễn Huy Lượng sáng tác năm 1802 có câu “Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa”, qua câu thơ cho thấy chùa rất vắng. Khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội năm 1882, chiếm Hà Nội năm 1883, dân chúng vẫn còn nói đến chùa, dù lúc này chùa đã đổ nát. Trông coi chùa chỉ còn mấy bà vãi và vì chùa không có sư trụ trì lại không có cộng đồng tín đồ hành lễ nên chính quyền thành phố đã quản lý khu đất này. Năm 1892 một nhà tư bản Pháp là Schneider đã được thành phố nhượng lại cho khu đất để xây cơ sở in và sản xuất giấy thì chùa bị dỡ bỏ. Những gì còn lại được đưa về chùa Phúc Long thuộc Thụy Khuê. Vì có đồ thờ của chùa Bà Đanh nên dân làng Thụy Chương lấy chữ Phúc của chùa Phúc Long ghép với chữ Lâm của chùa Châu Lâm thành chùa Phúc Lâm (nay ở ngõ 199 phố Thụy Khuê).

Khi khu đất thuộc quyền sở hữu của Schneider, ông ta cho xây xưởng in, làm giấy cả hai bên đường Thụy Khuê với tổng diện tích 30.000m2. Nền chùa cũ trên gò Phượng Chủy ông ta xây biệt thự để ở theo trường phái kiến trúc nổi loạn. Năm 1907 do kinh doanh thất bát Schneider phải bán lại cơ sở cho Chính phủ và Chính phủ bảo hộ đã mở trường trung học bảo hộ (Collège du protectoset) và trường trung học bảo hộ nay là trường THPT Chu Văn An. Dù hơn 6 thế kỷ đã qua, chùa Bà Đanh không còn nhưng cây đa bên chùa hiện vẫn sống.