ĐỜI SỐNG

Hai món ăn gắn bó sâu sắc với người ở Sài Gòn

Cẩm Chi • 12-08-2022 • Lượt xem: 249
Hai món ăn gắn bó sâu sắc với người ở Sài Gòn

Đây chắc hẳn là một câu hỏi làm nhiều người phải ngẩn ngơ. Vì kể cả người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này chưa chắc đã có thể biết được câu trả lời. Bởi một lý do rất đơn giản là ẩm thực nơi đây hết sức phong phú về chủng loại và đa dạng màu sắc văn hóa vùng miền.

Hòn ngọc viễn Đông là vùng đất dễ sống. Vậy nên trong suốt chiều dài lịch sử người dân tứ xứ không ngừng đổ về lập nghiệp. Dòng người đến đây không chỉ mang theo khát vọng đổi đời mà họ còn mang theo cả những nét văn hóa đặc trưng, nhất là ẩm thực quê nhà.

Thời gian trôi qua, nhiều món ăn theo chân di dân đã biến đổi lúc nào không hay để phù hợp hơn với khẩu vị số đông. Và rồi món ăn “du nhập” đó đã mang một hương vị riêng biệt khác với bản gốc, một hương vị rất “Sài Gòn”.

Vậy đâu là món ăn có thể xem là đặc sản ở Sài Gòn?

Tùy theo suy nghĩ mỗi người, thế nhưng có hai món đa số người sinh sống hay làm việc ở Sài Gòn đều sẽ đồng ý xem nó là đặc sản. Bởi họ đã từng ăn nó qua rất nhiều năm. Thậm chí khi có chuyện phải đi xa thì việc đầu tiên khi trở về là phải ăn cho bằng được. Đó chính là...

Cơm tấm

Cơm tấm là món ăn được đông đảo người ở Sài Gòn yêu thích. Đây là một món phù hợp để ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều. Thậm chí tối khuya đói bụng ngủ không được thì vẫn có các quán cơm tấm đêm lề đường sẵn sàng phục vụ món ăn đặc sản này cho thực khách.

Từ thuở mới xuất hiện, món ăn này chỉ dành cho dân lao động, người nghèo, người có thu nhập thấp ở Sài Gòn. Món ăn được dùng gạo hạt bể, gạo hạng hai còn sót lại ở các vựa gạo. Sau khi sàng lọc tuyển chọn, các hạt gạo nguyên vẹn được bán giá cao hơn. Còn sót lại gạo mẻ vương vãi bỏ thì tiếc mà bán không ai mua. Từ đó món cơm tấm ra đời.

Cơm tấm từ món ăn cho người nghèo giờ đã trở thành món ăn đại chúng. Thậm chí vào cả nhà hàng.

Người bán cơm tấm thu mua rẻ mạt những hạt gạo bể từ các vựa gạo về nấu ăn bán cho người nghèo. Nhiều người cho rằng trong ba thức ăn kèm nổi tiếng sườn bì chả thì bì chính là món ăn đầu tiên xuất hiện trong các hàng quán cơm tấm đời đầu. Bởi đơn giản là giá rẻ. Bì chỉ là da heo cùng một chút thịt vụn trộn với thính (gạo rang xay nhuyễn) là xong.

Bì là món ăn kèm rẻ tiền nhưng cực kỳ phù hợp với cơm tấm.

Một chút bì, một chút hành lá cháy lên với mỡ, cộng thêm chén nước mắm pha bằng công thức “bí truyền” của từng quán là thành một dĩa cơm chắc bụng cho dân lao động. Chủ tiệm nào “chịu chơi” lắm ngày xưa thì cho thêm tóp mỡ vào mỡ hành. Vừa tạo cảm giác dĩa cơm có “thịt”, vừa tăng thêm độ béo, độ ngon cho món ăn. Sang nữa thì (tùy quán) thêm vài cọng đồ chua, dưa leo và cà chua cắt mỏng lên cho đỡ ngấy.

Thực khách sẽ chan nước mắm vào cơm sau đó trộn đều. Một muỗng cơm đưa vào miệng sẽ có cơm cùng một chút bì, màu xanh của mỡ hành, vị béo của tóp mỡ, vị chua mặn ngọt của nước mắm. Như vậy là có một bữa ăn quá sức ngon lành đủ chất để người lao động nghèo tiếp tục công cuộc mưu sinh ở Sài Gòn hoa lệ.

Hủ tiếu gõ

Người Sài Gòn hôm nào cảm thấy ngán món khô. Hoặc đơn giản là tan tầm vào những lúc tối muộn, cần kiếm một thứ đơn giản lấp bụng rồi nghỉ ngơi thì hủ tiếu gõ chắc chắn sẽ là một trong những “option” được nghĩ đến đầu tiên.

Không biết món ăn này xuất hiện từ lúc nào, thế nhưng dù ở bất kỳ vị trí nào ở Sài Gòn, mọi người đều có thể dễ dàng tìm được một xe hủ tiếu gõ gần đó. Hình ảnh chiếc xe đẩy với nồi nước lèo bốc khói đã trở nên cực kỳ quen thuộc với người Sài Gòn. Trên xe có một cái tủ nhỏ để hủ tiếu, mì, vài cục thịt luộc khô quắt cùng đầy đủ đồ gia vị. Đặc biệt không thể thiếu một lọ hành phi trộn cùng tóp mỡ cắt nhỏ cực kỳ thơm.  

Tô hủ tiếu gõ với hẹ cắt khúc và vài miếng thịt mỏng như tờ giấy đã giúp rất nhiều cầm cự qua ngày trong lúc mưu sinh ở Sài Gòn.

Hiện tại các xe hủ tiếu gõ ở Sài Gòn được bán chủ yếu bởi người gốc miền Trung. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng những người “khai sáng” ngành nghề này là những người gốc Hoa ở Sài Gòn Chợ Lớn. Tiền thân của các xe hủ tiếu gõ chính là những gánh hủ tiếu được những “tiền bối” gánh đi bán khắp các hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn xưa. Sau đó từ từ có người làm theo, rồi sáng kiến để cả gánh hủ tiếu lên cái xe đẩy đi bán cho thuận tiện. Từ đó các xe hủ tiếu gõ mới có hình dáng quen thuộc như ngày nay.

Sài Gòn dễ sống, bình dị như hình ảnh hai món ăn đặc sản cơm tấm và hủ tiếu gõ. Thực tế trong rất nhiều năm qua, biết bao người đã lựa chọn tiến về Sài Gòn lập nghiệp. Và họ thành công, họ sống được. Làm giàu thì hên xui nhưng để kiếm ăn sống qua ngày thì không khó. Kiếm nhiều tiền thì ăn uống sang trọng. Kiếm ít thì vẫn có thể ăn cơm tấm và hủ tiếu gõ qua bữa mỗi ngày để bám trụ lại đây, kiên trì phấn đấu với mong ước cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.