Ngày 15.4.2019, Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu thanh niên Việt đã đến trao tặng hơn 10.000 cuốn sách cho Trường THPT nội trú Mèo Vạc và các chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú.
Để đến được với các em học sinh trường THPT Mèo Vạc, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, Hành trình từ trái tim đã phải vượt qua 350 km trên cung đường đèo dốc rất hiểm trở với nhiều dốc cao, vực sâu trong điều kiện thời tiết sương mù dày đặc buổi sáng sớm và chiều tối. Có những lúc đoàn phải mò mẫm trong bóng tối để đi. Sau hàng chục giờ đồng hồ, cuối cùng đoàn Hành trình đã đến được thị trấn Mèo Vạc.
Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 164km, nơi có đèo Mã Pì Lèng được mệnh danh là đệ nhất hùng quan phía cực Bắc tổ quốc, là điểm cuối cùng của trục đường Hạnh Phúc Hà Giang – Đồng Văn. Mèo Vạc nằm trong địa bàn Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Thị trấn vùng cao Mèo Vạc đón đoàn hành trình bằng cơn mưa to và thời tiết khá lạnh, nhưng không khí buổi giao lưu tặng sách cho thầy cô giáo và các em học sinh trường THPT Nội trú Mèo Vạc vào sáng hôm sau thì rất ấm áp sôi động.
Khi đến đây, hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng cho đoàn hành trình là ngôi trường khá khang trang nằm nép mình bên sườn núi với những hàng cây xanh mát. Chương trình giao lưu và tặng sách của Hành trình từ trái tim cũng diễn ra trong không khí ấy. Các thành viên của đoàn cũng đã có buổi trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ chân tình từ các em học sinh nơi đây.
Theo học trường THPT Nội trú Mèo Vạc đa số là em học sinh người dân tộc Mông. Sau khi học hết bậc THCS một số ít trong các em tiếp tục học lên cấp 3. Số đông còn lại do điều kiện gia đình khó khăn nên các em chỉ dừng lại ở cấp 2 rồi nghỉ học để để lao động kiếm sống, hoặc đi làm thuê để phụ giúp gia đình.
Ở độ tuổi đang cấp 3 nhưng nhiều em học sinh có thể trạng khá nhỏ bé và ốm yếu, đây là hậu quả của việc hôn nhân cận huyết, tình trạng khá phổ biến trong đồng bào dân tộc vùng do thiếu hiểu biết.
Thầy giáo Phan Xuân Diện dạy môn công nghệ cho biết: “Ở đây có nhiều hộ dân hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, bên cạnh đó trình độ nhận thức cũng còn rất hạn chế nên con cái không được đến trường. Giáo viên của trường phải tổ chức vận động gia đình cũng như chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các em được đi học. Năm nào trường cũng tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em thông qua việc mời các trường CĐ công nghệ Hà Giang, Hội việc làm của huyện, công ty khoáng sản đến giao lưu chia sẻ, hướng dẫn, hướng nghiệp cho các em để sau khi tốt nghiệp các em có thể chọn cho mình 1 công việc phù hợp. Có nhiều em đã đi lao động tại các tỉnh khác như Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh…”
Trong buổi giao lưu, thầy Trần Bách Tùng-Hiệu trưởng trường THPT Nội trú Mèo Vạc cho biết: “Trường được thành lập từ năm 2002, sau đó nhà nước đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng quy mô hơn. Thế nhưng vì là một huyện còn rất khó khăn của tỉnh Hà Giang nên điều kiện vật chất của trường còn đơn sơ, các trang thiết bị còn rất thiếu thốn. Lực lượng thầy cô giáo cũng thiếu trầm trọng. Trường có 19 lớp nay chỉ còn 16 lớp nên nhà trường phải tổ chức học 2 ca cho các em học sinh”.
Thầy Tùng chia sẻ: “Trường rất vinh dự và vui mừng và xúc động khi biết đoàn Hành trình từ trái tim đã vượt qua một chặng đường rất dài để đến Mèo Vạc, một huyện nghèo và khó khăn của tỉnh Hà Giang để giao lưu và trao tặng sách những cuốn sách quý cho trường THPT Mèo Vạc. Dù được biết Hành trình lâu, nhưng hôm nay tôi mới được tận tay cầm những cuốn sách này nên cảm thấy rất xúc động. Đây là những cuốn sách rất bổ ích cho học sinh để có thêm kiến thức bước vào đời. Hy vọng qua đây các em sẽ có thêm động lực phấn đấu học tập thật tốt để góp phần xây dựng, phát triển quê hương. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, chuyển tải và phát huy thông điệp đầy tính nhân văn của chương trình Hành trình từ trái tim Tập đoàn Trung Nguyên khởi xướng và đang thực hiện để các em nghiên cứu, học tập. Nhất là những kiến thức từ trong các đầu sách mà Trung Nguyên tuyển cho trao tặng cho hàng triệu thanh niên Việt Nam trong đó có học sinh Mèo Vạc. Trang sách cũng chính là nền tảng để các em khởi nghiệp trong thời gian tới. Đó cũng chính là các phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, phát huy tính năng động của tuổi trẻ, vận động các em tích cực tham gia vào các hoạt động của xã hội để phát triển bản thân, góp phần phát triển xã hội tốt đẹp hơn”.
Em Tráng Thị Chầm (dân tộc Xuồng, HS lớp 11B4) chia sẻ: “Em thấy chương trình này đã giúp các em vùng xa có điều kiện tiếp xúc với văn hoá đọc, từ đó mà biết chắt lọc những tinh tuý của sách áp dụng cho bản thân và cuộc sống”. Em Chầm cũng là một học sinh nhận học bổng khuyến học của báo Thái Nguyên. Hiện Chầm đang học bán trú tại trường. Hoàn cảnh của em cũng đáng thương khi mồ côi mẹ sớm, Chầm phải ở với bố nuôi và có cuộc sống rất vất vả. Chầm cho biết em rất thích đọc sách nhưng em chưa bao giờ có được cuốn sách nào để đọc ngoài những sách giáo khoa, nay được Hành trình tặng sách em tỏ ra rất xúc động và biết ơn chương trình.
Rời Mèo Vạc, hành trình từ trái tim tiếp tục vượt qua những con đèo gập ghềnh và những con đường đất lầy lội do cơn mưa từ hôm trước để đến với Cột cờ Lũng Cú, một địa danh nổi tiếng nơi địa đầu tổ quốc.
Cột cờ Lũng Cú nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cột cờ Lũng Cú có lịch sử rất lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo. Cột cờ mới hình bát giác có độ cao trên 30m được khánh thành ngày 25.9 năm 2010. Lũng Cú cũng là một điểm nhỏ trên đoạn đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Cảnh quan dưới chân cột cờ là núi non trùng điệp xen kẽ bởi những khoảnh ruộng bậc thang, những bản làng ẩn hiện trong sương đã tạo nên một vẻ đẹp rất hoang dã, đặc trưng của vùng Tây Bắc.
Đường dẫn lên cột cờ là 893 bậc đá, từ đây phóng rộng tầm mắt sẽ thấy xung quanh là núi non hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn, khung cảnh hữu tình như một như một bức tranh thủy mặc giữa thiên nhiên. Dưới chân cột là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.
Đoàn Hành trình từ trái tim đã tổ chức buổi lễ chào cờ tại Cột cờ Lũng Cú, không khí trở nên trang nghiêm lắng đọng, phút chào cờ bỗng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Nhìn lên lá cờ hồn thiêng sông núi nơi địa đầu tổ quốc, trong trái tim của mỗi thành viên trong đoàn tình yêu tổ quốc, yêu quê hương được thổi bùng lên và lan tỏa mãi…
Sau lễ chào cờ, Hành trình từ trái tim lại tiếp tục vượt đèo đến với các chiến sĩ đồn biên phòng Lũng Cú.
Đồn Biên phòng Lũng Cú là đơn vị có được vinh dự canh gác và bảo vệ cột cờ Lũng Cú và quản lý bảo vệ 26,243km đường biên giới gồm 26 cột mốc biên giới Việt Trung. Việc canh gác lá cờ cũng như bảo vệ cột mốc đường biên được các cán bộ, chiến sĩ của đồn thực hiện suốt 24/24.
Không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, các chiến sĩ nơi đây đã xây 8 ngôi nhà trong chương trình Mái ấm yêu thương, xây 6 ngôi nhà giúp cho 6 hộ không có nhà ở do bị sạt núi trong chương trình Xuân biên phòng ấm lòng dân bản. Mục tiêu năm 2019 các chiến sĩ sẽ giúp cho 127 hộ thoát nghèo. Trong chương trình Nâng bước em đến trường, đồn đã đang nuôi dưỡng 12 em học sinh mồ côi không nơi nương tựa, trong đó có em mới chỉ 3 tuổi cũng được đua về đơn vị nuôi dưỡng.
Thượng tá Phạm Ngọc Thủy – Bí thư Đảng ủy – Chính trị viên đồn Biên Phòng Lũng Cú chia sẻ tại buổi giao lưu: “Chúng tôi biết Hành trình đã phải trải qua những cung đường đèo rất khó khăn, hiểm trở để đến với các chiến sĩ, các đồng chí đã mang 1 thông điệp là cùng nhau xây dựng biên giới, góp sức mình để bảo vệ tổ quốc, xây dựng quê hương của chúng ta ngày càng giàu đẹp hơn. Hành trình mang tính giáo dục sâu sắc và đậm chất nhân văn cũng như gửi những thông điệp cho tất cả các thế hệ trẻ cùng nhau thi đua, lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học cũng như kinh doanh để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn”.
Khép lại buổi giao lưu tặng sách cho các chiến sĩ đồn biên phòng Lũng Cú, Hành trình từ trái tim sẽ đến tiếp tục đến với các tỉnh như Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh. Những chuyến xe đặc biệt sẽ mang theo 5 đầu sách quý gồm “Đắc Nhân Tâm”, Nghĩ giàu làm giàu”, “Quốc gia khởi nghiệp”, “Không bao giờ là thất bại – Tất cả chỉ là thử thách”, “Khuyến học, sách do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ tìm tòi chắt lọc tuyển chọn để tặng cho 30 triệu Thanh Niêm Việt Nam.
“Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 Triệu Thanh Niên Việt” do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng nhằm kiến tạo Khát Vọng Lớn, Chí Hướng Vĩ Đại cho thế hệ Thanh Niên Việt Nam; xây dựng Trí Huệ và sự Minh Triết toàn diện cho 30 triệu Thanh niên Việt thông qua việc trao tặng hàng chục triệu cuốn sách quý đổi đời tới Thanh niên Việt để có sức mạnh tri thức đúng đắn và toàn diện, để từ đó chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần, sức mạnh vật chất và sức mạnh thể chất, tạo nên sức mạnh của Quốc gia. “Tủ sách nền tảng đổi đời” gồm hơn 100 đầu sách quý được CHỦ TỊCH Tập đoàn Trung Nguyên Legend ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại. Tủ sách thấm đẫm tư duy biện chứng, tuần hoàn liên thông từ lập thuyết đến thực hành, hợp nhất tinh hoa của toàn nhân loại để giúp học hỏi toàn diện và đúng đắn về 12 lĩnh vực căn cốt nhất: Khoa Học, Triết Học, Huyền Học, Y Học, Võ Học, Kinh Tài Học, Chính Trị Học, Đạo Đức Học, Xã Hội Học, Mỹ Học, Âm Thanh Học và Ngôn Ngữ Học. Trong đó, 5 cuốn sách “Nghĩ Giàu Làm Giàu”, ‘Khuyến Học”, “Quốc Gia Khởi Nghiệp”, “Đắc Nhân Tâm”, “Không Bao Giờ Là Thất Bại – Tất Cả Chỉ Là Thử Thách” là những cuốn sách mở đầu của “Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời”. Từ năm 2018 - 2023, “Hành trình Từ Trái Tim” mong muốn trang bị đến hơn 20 triệu hộ gia đình, mỗi hộ gia đình là một thư viện ánh sáng tri thức toàn diện; từng “Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời” đến 11.085 nhà văn hoá xã; 212 nhà văn hoá quận; 1.642 nhà văn hoá huyện, thị trấn; 1.135 nhà văn hoá phường; thư viện của 713 đơn vị hành chánh gồm: 68 thành phố trực thuộc tỉnh, 50 thị xã, 49 quận và 546 huyện; trang bị toàn bộ hệ thống thư viện các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội,… và 30 triệu thanh niên trên mọi miền Tổ Quốc. Số lượng sách dự kiến đạt tới trên 200 triệu cuốn, với nguồn lực chi phí cần có là gần 5 tỉ đô la. Trung Nguyên Legend hy vọng và tin rằng, Hành trình sẽ nhận được sự hưởng ứng, hội tụ, đoàn kết, lan tỏa và được tổ chức sâu rộng hơn, rộng khắp hơn trên mọi miền đất nước; cùng sự đồng hành ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các nhân vật ảnh hưởng, giới tinh hoa, truyền thông…vì một Chí Hướng Lớn, vì một Khát Vọng Vĩ đại, Khởi Nghiệp Kiến Quốc không chỉ cho 30 triệu thanh niên Việt mà cho mọi gia đình, mọi công dân Việt Nam. Với nguồn lực còn hạn chế về nhân lực, vật lực… nhưng Tập đoàn Trung Nguyên Legend sẽ thực hiện bằng Tâm Thiện Lành và trách nhiệm cao nhất. Đến nay, “Hành trình từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại - Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” đã có sự đồng hành của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Trung ương Đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam (2012-2017)…cùng nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các nhân vật ảnh hưởng trong nước và quốc tế; cùng các cơ quan truyền thông: Một Thế Giới, Thanh Niên, Soha, Tiền Phong…Hành trình đang tiếp tục tổ chức các chương trình hoạt động dành cho học sinh, sinh viên, thanh niên quân đội…tại hệ thống các trường Đại học, Học Viện, Cao đẳng, phổ thông trung học; hệ thống các nhà thư viện, nhà văn hóa… trên khắp cả nước và vùng biển đảo xa xôi nhất của tổ quốc. Thông tin chi tiết về ‘Hành trình từ Trái tim - Hành trình Lập Chí Vĩ Đại - Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” liên tục được cập nhật tại www.hanhtrinhlapchividai.com hoặc https://www.facebook.com/lapchividai Triệu con tim chung một tấm lòng, vì khát vọng một Việt Nam hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới! |