Duyên Dáng Việt Nam

Hẹn về Mỹ Sơn

Thoại Vy • 07-08-2018 • Lượt xem: 1197
Hẹn về Mỹ Sơn

Tôi không biết mình mong gì ở Mỹ Sơn ngày trở lại. Mong cơn mưa chiều xối xả trút xuống làm dịu cái nắng oi ả gắt gỏng năm ấy? Hay mong gặp lại mình của những ngày tháng ngao du cũ, một kiểu luân hồi ngay tại trần ai này? Tôi không đuổi theo cơn mưa năm ấy. Là mưa cố tình đuổi theo tôi bén gót.

Dẫu trước đó, nắng vẫn rải màu vàng đỏ sóng sánh khiến những viên gạch ánh lên vẻ kì ảo ma mị. Hay tôi mong chờ tiếng sỏi lạo xạo dưới gót chân trên con đường đất vào thung lũng tháp Chàm? Đợi tiếng lá khô vỡ vụn xao xác dù đã cố bước khẽ? Hay mong gặp lại ánh tà dương hắt màu đỏ huy hoàng lên những cụm tháp?! Tôi quả thật không biết.

Mỹ Sơn những ngày mưa - Ảnh minh họa từ Internet

Mấy năm trước, tôi rời Mỹ Sơn trong cơn mưa tầm tã. Ngoái nhìn tháp cổ đăm chiêu đứng u trầm trong chiều tà hắt lên ánh đỏ kỳ lạ, lòng tôi chợt nhiên hiu hắt. Vẻ trầm mặc gợi nhắc tháp cổ lất phất mưa bay trong nhạc phẩm "Diễm xưa". Những viên gạch dát màu đồng thau lên thân tháp trước khi ánh ngày vụt tắt. Người cũng bỏ lại hoàng hôn đang loang dần từ chân tháp để cùng cơn mưa quay về. Tôi thầm hẹn với Mỹ Sơn một ngày không xa sẽ trở lại để gặp cơn mưa chiều hối hả năm ấy.

Lần này, Mỹ Sơn đón tôi khi ngày đã sắp lưng lửng. Nắng thì cáu bẳn và suồng sã áp cái nóng nảy lửa vào mặt khiến tôi hơi chao đảo. Đã xuất hiện con đường bê tông màu đỏ và dịch vụ xe điện đưa từng nhóm du khách vào thăm thung lũng có những cụm tháp Chăm độc đáo. Lần trước, tôi chỉ ngắm thật kĩ dấu rêu mờ cổ sơ giữa các viên gạch không có mạch hồ. Lần này không chỉ chạm tay, mà tôi còn miết vào từng viên gạch trầm tư và gờ nhám màu vẻ bể dâu.

Không hiểu vì đâu mối cảm hoài xa vắng, tịch liêu ùa về nhanh đến không kịp trở lòng. Tôi khắc khoải nhớ tôi và Mỹ Sơn của mấy năm trước khi một vài cụm tháp còn dang dở phục dựng. Nhưng làm sao có thể phục hồi nguyên vẹn hồn cốt của một thời Chăm-pa vàng son với cờ đào lặng rụng và những thớt chiến tượng uy nghiêm trầm lặng bước trong mùi hương quyện tỏa. Rồi yến tiệc vang lừng trống phách đờn ca khi tấu khúc khải hoàn?

Nên tôi chờ đợi để hội ngộ một thoáng Chiêm nương. Dù không gặp gỡ vào buổi dạ yến tráng lệ xa xưa, thì chí ít du khách cũng được thưởng ngoạn vũ điệu Apsara trong chương trình biểu diễn kéo dài khoảng mười lăm phút. Chỉ vừa đủ thì giờ cho một lát cắt văn hóa Chăm-pa. Tôi muốn gặp những nàng vũ nữ Chăm với đường cong nét lượn mê hoặc để thỏa mong chờ. Và, cho bõ cơn choáng ngất vì say nắng Mỹ Sơn.

Ai tin lần này tôi về đây chỉ để lại được nhìn và chạm vào những viên gạch tháp Chàm ? Tôi ngờ rằng mình đã bị huyền tích này bỏ bùa trong một lần sơ sẩy để thần hồn đi lạc vào thung lũng tháp Chàm, trong một chiều hạ xa vắng. Có lẽ tôi mắc nợ với tháp Chàm từ tiền kiếp. Vì những viên gạch chồng khít lên nhau, sau khi phải chịu mài mòn đau đớn để dựng nên hồn phách của tháp?

Hay tại tôi trót mê mẩn khi đến đây vào lúc màu chiều nung đỏ thân tháp, khiến toàn bộ khung cảnh thoắt nhiên liêu trai huyền ảo? Hay vì rằng ngay cả Đức Phật muốn nhập niết bàn cũng phải trải qua hành trình đau đớn của kiếp nhân sinh ngắn ngủi. Như đất sét muốn thành gạch ngói phải nung qua lửa. Như muốn dựng dậy tinh hoa văn hóa của một dân tộc điêu tàn, phảng phất qua những ngọn cổ tháp, từng viên ngói Chăm phải vỡ vạc bài học lịch sử của dân tộc mình.

Trên đường về, tôi rẽ vào lối mới, mở ra những hàng cây xanh um. Dừng lại bên một gốc cây và nhớ lại lần trước đã đi quá vội nên không kịp thấy mấy tổ mối bám vào vỏ cây, vài chàng kiến lửa to xác đang rỉ rả bò dọc thân cây đến một nơi vô định nào đó.

Tôi không còn nghe tiếng lá khô xào xạc dưới chân trên hành trình rời khỏi Mỹ Sơn. Cũng không còn bồi hồi vì ánh tà huy hắt sắc đỏ kì ảo lên tháp Chàm trước khi lịm tắt. Bởi tôi hiểu rằng, mỗi người chỉ có thể đắc ngộ điều kì diệu của Mỹ Sơn một lần trong đời mình.

Chỉ còn thời xưa tan tác đổ bóng im lìm xuống đường về. Mỹ Sơn và tôi - cùng chìm nổi và hòa quyện - qua mấy câu thơ đau đời thương mình của Chế Lan Viên thuở nọ “Thời gian chảy, đá mòn, sông núi lở/ Lòng ta luôn còn mãi vết thương đau”.

(Mỹ Sơn ngày trở về, tháng 7/2018)