ĐỜI SỐNG

Hơn 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, nguyên nhân do đâu?

Thúy Vy • 23-08-2022 • Lượt xem: 248
Hơn 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, nguyên nhân do đâu?

Sau gần 1 tháng mở cổng đăng ký xét tuyển nguyện vọng đại học năm 2022, đến 17h ngày 20/8 thời gian đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng đã chính thức kết thúc. Tuy nhiên, so với con số đăng ký ban đầu, cả nước vẫn còn hơn 300.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống.

Ban đầu, có 941.759 thí sinh đăng ký dự kiến xét tuyển đại học khi đăng ký dự thi THPT, thế nhưng sau khi kỳ thi kết thúc chỉ có 616.522 thí sinh xác nhận đăng ký xét tuyển trên hệ thống, như vậy vẫn còn hơn 35% thí sinh không đăng ký nguyện vọng, đây là con số gây bất ngờ cho các trường đại học thời điểm hiện tại.

Những đổi mới vẫn chưa hoàn chỉnh

Khác với các năm trước, khoảng thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung "có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không" chứ chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học ngay. Hầu hết các em đều sẽ tích vào ô này với tâm lý “Tích đại cũng không gây ảnh hưởng gì”, đến lúc có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới đăng ký nguyện vọng cụ thể và nộp lệ phí xét tuyển. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho việc thống kê số lượng thí sinh thật sự mong muốn xét tuyển đại học không còn chính xác.

Mặt khác, các quy chế tuyển sinh và hướng dẫn thực hiện được ban hành sau khi đa số các trường đã cho triển khai nhận hồ sơ đăng ký và xét tuyển theo nhiều phương thức khác như xét theo học bạ, xét tuyển ưu tiên hoặc xét tuyển thông qua kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Dẫn đến việc đăng ký xét tuyển thông thường không còn tác dụng.

Phụ huynh và thí sinh không kịp cập nhật thông tin

Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay có phần phức tạp hơn so với những năm trước với quá nhiều mốc thời gian khác nhau, dẫn đến nhiều thí sinh và cả phụ huynh không nắm rõ cũng như không kịp thời đăng ký nguyện vọng.

Hiện nay, mạng xã hội và những kênh thông tin truyền thông như báo, đài cũng thường xuyên đăng tải thông tin và liên tục nhắc nhở thí sinh cũng như phu huynh, tuy nhiên vẫn còn nhiều người vẫn chưa đăng ký do các thí sinh ở những vùng sâu vùng xa, những hộ nghèo, thiếu thiết bị để cập nhật thông tin dẫn đến không nắm rõ và bị động trong việc đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Có khá nhiều trường hợp phụ huynh, thí sinh và cả thầy cô vẫn nhầm lẫn các mốc thời gian như: từ ngày 21/8 đến 17h ngày 28/8 vẫn được phép điều chỉnh nguyện vọng, sau đó xác nhận nguyện vọng rồi mới đóng tiền, do vậy nhiều thí sinh không có nhu cầu chỉnh sửa nguyện vọng nữa thì sẽ không đăng ký mà chờ đóng lệ phí luôn.

Thêm vào đó, còn có một bộ phận thí sinh vẫn bị ngộ nhận về việc đủ điều kiện trúng tuyển đồng nghĩa với việc đã được trúng tuyển rồi, nên dẫn đến việc ỷ y, không kiểm tra lại và đăng ký trên hệ thống.

Thí sinh có nhiều lựa chọn khác ngoài đại học

Thực chất việc học đại học đối với một bộ phận học sinh đã không còn quá quan trọng. Các em có xu hướng lựa chọn học cao đẳng, trung cấp hoặc học nghề để nhanh chóng bước chân vào thị trường lao động thay vì dành nhiều năm hơn để rèn luyện trên giảng đường đại học.

Trong những năm qua, ngày càng nhiều chuyên gia tư vấn hướng nghiệp thường hướng thí sinh vào học các trường cao đẳng, trung cấp để có tay nghề và việc làm ổn định, điều này đã tạo nên tác động lớn đến các em trong kỳ thi tuyển sinh năm nay.

Thêm vào đó, khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các em dễ dàng hơn trong việc du học. Do đó có thể ban đầu các thí sinh cũng có ý định đăng ký xét tuyển đại học, nhưng sau khi thi tốt nghiệp THPT, các em muốn chọn con đường du học thay vì học trong nước.

Với hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học trong năm 2022, đây không chỉ là thách thức cho việc xét tuyển đúng và đủ chỉ tiêu của Quy chế tuyển sinh, mà nó còn là mối bận tâm hàng đầu hiện nay của các trường đại học trong đợt xét tuyển cuối cùng sắp tới.