Hội họa

Kí ức Hội An - Đôi điều cần nói thêm của Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An

Thanh Bình • 07-04-2018 • Lượt xem: 10548
Kí ức Hội An - Đôi điều cần nói thêm của Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An

"Ký ức Hội An" là chương trình vừa được ra mắt và trình diễn tại TP. Hội An từ 18-3 đến nay. Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho biết trước đó ông có nhận được 2 vé mời nhưng vì bận việc nên không đi xem. Sau này, khi nghe nhiều ý kiến khen chê nên ông đã mua vé xem cho biết.

 

Theo ông Sự, "Ký ức Hội An" là chương trình nghệ thuật có địa chỉ hẳn hoi, cụ thể là nói về Hội An. Nhưng muốn tái hiện Hội An cần sự cẩn trọng, tôn trọng tính chân xác. Ví dụ, trong vở diễn có cảnh một người Chăm đi cưới một cô gái ở Hội An, có lính hầu đi theo thì người ta ngầm nghĩ đó là đám cưới của Huyền Trân Công Chúa với Quốc vương Chiêm Thành Chế Mân.

Tuy nhiên, sự kiện đó không diễn ra ở Hội An, trong lịch sử không hề nói vấn đề đó. Còn nói đó là đám cưới của Công chúa Ngọc Hoa với thương nhân người Nhật lại càng không chính xác vì tất cả những người đàn ông đi rước dâu đều mang hình ảnh, văn hóa của dân tộc Chăm chứ không phải người Nhật.

"Tôi không hiểu ý đồ của nhà sản xuất như thế nào nhưng có thể khẳng định hình ảnh lễ cưới đó diễn ra chỗ nào chứ không có trong sự kiện lịch sử của Hội An. Nếu nói là tái hiện một phần lịch sử Hội An thì tính chân xác về sự kiện phải đúng" – ông Sự cho ý kiến.

Mô tả lại đám cưới ở Hội An

Cũng theo ý kiến của ông Nguyễn Sự thì một số phân cảnh trong vở diễn mang ý đồ tái hiện lại một phần cuộc sống người Hội An nhưng nó chưa đúng và không sát, như việc sử dụng khung dệt lụa để thể hiện Hội An hình thành từ con đường tơ lụa, dệt nên những thứ huyền thoại và tốt đẹp nhưng phần này lặp đi lặp lại và kéo dài, dẫn đến sự nhàm chán. Hình ảnh các ghe thuyền chở đầy trái cây buôn bán trên sông nước thì giống như một cái chợ nước nổi nào đó ở miền tây Nam Bộ chứ không phải ở Hội An.

Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An

"Anh phải giải quyết bài toán văn hóa, đặc biệt nghệ thuật mang hơi hướng của lịch sử thì càng phải ứng xử với nó hết sức lịch sử và hết sức văn hóa. Rồi từ đó anh rủ rê người ta, giới thiệu để người ta hiểu Hội An rồi mới nghĩ đến chuyện lấy tiền. Hiểu Hội An một cách rất chân thực, có thể chưa đầy đủ nhưng phải chân thực, không thể hiểu Hội An một cách sai lệch được. Đừng nhân danh bất cứ gì, đừng nhân danh làm du lịch, cuốn hút du khách để làm sai lệch lịch sử. Thiếu tính chân xác thì bản thân nó sẽ làm hỏng ngay, nó không chỉ hỏng về mặt kinh tế mà hỏng về mặt văn hóa" – ông Sự phân tích thêm.

Báo Người Lao Động đã thông tin, chương trình nghệ thuật thực cảnh mang tên "Ký ức Hội An" được giới thiệu có quy mô lớn nhất Việt Nam với không gian biểu diễn trải rộng 25.000 m², hơn 500 diễn viên tham gia, quy tụ đội ngũ cố vấn bao gồm những chuyên gia uy tín hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lịch sử như GS – KTS Hoàng Đạo Kính, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc; nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch thường trực hội Nhạc sĩ Việt Nam phụ trách phần âm nhạc; trang phục được cố vấn bởi họa sĩ nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ; giảng viên Thanh Hằng của trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội phụ trách biên đạo múa…

Dù thế, sau khi chương trình ra mắt vào đêm 18-3 đã vấp phải ý kiến trái chiều. Nhiều người nhận xét chương trình không mang hơi thở của Hội An mà mang hơi thở của... Trung Hoa cổ đại.

(Theo Báo Mới)