Kết nối bạn đọc

Kỳ 122: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 15-06-2019 • Lượt xem: 10140
Kỳ 122: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Sau vài tháng thực hiện, phim “Vết Chân Hoang” đã hoàn tất trong niềm vui của cả nhóm Jo Marcel. Một lần nữa cuốn phim chỉ có một ấn bản duy nhất vì điều kiện tài chánh không cho phép nên dĩ nhiên lại được chiếu “độc quyền”, cũng vẫn tại rạp Eden vào ngày 01 tháng 11 năm 72. Giới truyền thông Sài Gòn đã dành cho “Vết Chân Hoang” những cảm tình thật nồng hậu nhằm khuyến khích nhóm làm phim hoàn toàn là những người tài tử.

Cùng một lúc, chiến dịch quảng cáo cho cuốn phim cũng được thực hiện một cách ầm rộ đã khiến giới trẻ nôn nao chờ đợi buổi trình chiếu đầu tiên. Tuy là một cuốn phim không được liệt vào hạng nhà nghề,  không nằm trong một tổ chức điện ảnh nào, không hề nhận được sự yểm trợ của một cơ quan hay tổ chức nào nhưng đã là một cuốn phim gợi được sự tò mò của những nhà làm điện ảnh chuyên nghiệp. Hầu như tất cả đã tỏ ra dễ dãi với những lỗi lầm về kỹ thuật, những “văn phạm và cú pháp điện ảnh” nên đã không hề có một sự phê bình gắt gao nào, ngược lại là những lời khuyến khích trước sự “chơi bạo” chưa từng có của nhóm Jo Marcel.

 

Buổi trình chiếu đầu tiên được diễn ra - tại rạp Eden vào buổi sáng ngày 1 tháng 11 năm 72. Khán giả đã đứng chật trước cửa rạp trong “Passage Eden”, chen chúc nhau để đến gần lớp cửa bằng sắt có mắt cáo lớn của rạp Eden. Trước cảnh đó, cả nhóm đã lên tinh thần rất nhiều và cầu mong không có sự trục trặc nào xảy ra trong suốt một tuần lễ chiếu phim mà xuất nào cũng đông nghẹt.

 

 Tuyển tập tình ca nhạc trẻ

 

Chúng tôi chia làm 2 nhóm: một nhóm ngồi trên phòng máy để chiếu phim bằng một chiếc máy phải quạt bằng than cổ lỗ sĩ. Anh nào ngồi quạt cũng đổ mồ hôi, mồ kê đầm đìa, cực khổ vô cùng. Nhóm khác đi vòng vòng trong đám khán giả trong rạp để thăm dò dư luận và thỉnh thoảng chạy vọt lên phòng máy báo cáo tình hình. Tất cả đều tốt đẹp. Rồi cũng như cuốn phim trước, “Vết Chân Hoang” trở thành tơi tả sau nhiều lần đứt phim, trong một tuần lễ được chiếu liên tục, mỗi ngày vài xuất. Ông Bốn Phương lại được mời tới để mang cuốn phim đã “rã rời cành huê” đi chiếu tại các tỉnh với một giá cả rất thân hữu!

 

Sinh hoạt ở phòng 22 Bồng Lai cũng vẫn ồn ào như thường lệ trong khi nhạc sống vẫn chưa được phép thực hiện, tuy nhiên đây là thời kỳ nhạc trẻ Việt Hóa phát triển mạnh mẽ nhất. Anh Thành “Hiện Đại” không bỏ lỡ cơ hội để quyết định phát hành những tuyển tập “Tình Ca Nhạc Trẻ”, gồm những ca khúc đã được anh thu thập rất nhiều trước đó. Tập “Tình Ca Nhạc Trẻ” số 1 ra đời vào đầu năm 73 gồm 14 ca khúc nhạc ngoại quốc do tôi chuyển lời Việt với mẫu bìa rất Hippy do họa sĩ Đằng Giao thực hiện cùng những tựa đề các bài hát cũng do anh vẽ. Không đầy một tháng số bán của tuyển tập “Tình Ca Nhạc Trẻ” 1 đã đạt được con số bán kỷ lục, vượt xa những tuyển tập nhạc khác đến nỗi có tờ báo đã đặt câu có hỏi: “Phong trào Việt Hóa nhạc trẻ là một khuynh hướng đáng khuyến khích hay một nguy cơ?” hoặc có những đề tựa như “các nhạc sĩ sáng tác đã phải kêu trời vì sự bành trướng của nhạc trẻ Việt Hóa”. Nhưng dù sao phong trào này đã được coi là một hiện tượng, như một bài báo phát hành vào năm 74, ký tên Kỳ Nữ đã cho rằng “mặc cảm hát lời Việt là “nhà quê”, là “cù lần” nơi các ca sĩ, ban nhạc cũng như là nơi những người trẻ tuổi được xóa bỏ dần dần.

 

Họ đã nhận thấy một điều quan trọng là đã đến lúc phải có một sự thay đổi đến thật đúng lúc, hợp thời và hợp cảnh nên đã thì không lấy gì là ngạc nhiên cho lắm. Những năm trước đó người ta cho rằng phải hát nhạc lời Pháp, lời Anh hay lời Mỹ thì mới được gọi là “hợp thời trang. Nhưng cho đến cuối năm 73 cái sự hợp thời trang đó đã được dành cho nhạc Việt Hóa. Nhạc Việt Hóa ra đời đúng lúc nó được sự đón nhận từ mọi giới nên đã trở thành một hiện tượng độc đáo. Hơn nữa chương trình Việt Hóa Nhạc Trẻ còn mang ý nghĩa nặng về tinh thần và việc sử dụng ngôn ngữ Việt Nam để diễn tả những nét nhạc phong phú của Tây Phương. Nó lại còn chứng tỏ một điều là không phải chỉ có những nhạc phẩm lời ngoại quốc mới được gọi là nhạc trẻ, mà trái lại những nhạc phẩm tại Việt còn có khả năng diễn đạt tinh tế hơn...”.

 

Sau khi thành công mỹ mãn với “Tình Ca Nhạc Trẻ” 1, chín tuyển tập “Tình Ca Nhạc Trẻ” khác lần lượt được tung ra trong vòng hơn một năm và tất cả đều gặt hái được thành công. Kể từ “Tình Ca Nhạc Trẻ” 2, nhạc sĩ Phạm Duy đã đóng góp nhiều ca khúc ngoại quốc chuyến lời Việt cùng với tôi và một số nhạc sĩ trẻ khác như Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Cao Giảng, Tuấn Dũng, Trung Hành. Những quyển kế tiếp còn có sự tham gia của Vũ Xuân Hùng, Kỳ Phát, Quốc Trí, Tiến Chỉnh, Ngọc Uyển...

 

Phong trào Việt Hóa nhạc trẻ đã bước ngay vào lãnh vực băng nhạc cũng kể từ năm 73, Song song với những tập “Tình Ca Nhạc Trẻ”. Nam Lộc và tôi được nhạc sĩ Lê Đằng đề nghị thực hiện một băng nhạc do anh bỏ vốn thực hiện. Và băng nhạc “reel to reel” mang tên “Nhạc Hồng” ra đời, được coi là băng nhạc đầu tiên của phong trào Việt Hóa nhạc trẻ với những ca khúc chuyển lời Việt của Nam Lộc và tôi do Thúy Nga phát hành. Đây là cuốn băng qui tụ tất cả những giọng ca của làng nhạc trẻ Việt Nam như: Jo Marcel, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Thanh Lan, Minh Xuân, Minh Phúc, Duy Quang, Như An, Julie, Carol Kim, Cathy Huệ, Tuấn Dũng, Trung Hành với các ban nhạc The Dreamers, The Hammers, Schroums... và đặc biệt có sự góp tiếng của Lệ Thu. Sự thành công của “Nhạc Hồng” đã lôi kéo thêm nhiều bằng nhạc khác được thực hiện sau đó như “Tình Ca Nhạc Trẻ”, “Thế Giới Nhạc Trẻ”... do Tùng Giang, Kỳ Phát, Vũ Xuân Hùng, Ngọc Chánh... thực hiện. Tất cả những băng nhạc đó đã khiến cho phong trào Việt Hóa nhạc trẻ được phát triển thật sâu rộng trong quần chúng.

(còn tiếp)