Kết nối bạn đọc

Kỳ 17: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 02-03-2019 • Lượt xem: 13049
Kỳ 17: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Ngoài màn giới thiệu thành phần các nhạc sĩ của ban nhạc trong bài viết, những ca sĩ được nhắc đến với một vẻ trịnh trọng hơn vì được coi là nòng cốt của một ban nhạc. Những nam ca sĩ nổi tiếng trong những năm đầu tiên phải là Elvis Phương, Thanh Tuấn (tức Paolo), Công Thành, Jacky (của Les Vampires, nổi danh với bài Parce Que Tu Sais, trở về Pháp một thời gian sau, đến nay không còn hoạt động gì trong lãnh vực ca hát), Billy Shane (qua đời vào năm 1994). Ngoài ra còn có Johnny Sơn (Les Daltons, hiện sống ở Virginia, làm việc về ngành điện toán), Ngọc Tâm (Les | Faucons Noirs), Gaby…

 

Về phía nữ ca sĩ, Nicole Piétri được coi là một trong những nữ ca sĩ đầu tiên, tuy nhiên sự xuất hiện của cô quá ngắn ngủi vì phải trở về Pháp nên không được nhắc tới nhiều, chỉ được biết đến trong giới học sinh J.J.Rousseau và Marie Curie.

 

Cùng trong thời kỳ này có sự xuất hiện của Héléna, được nhiều người biết tới hơn sau thời gian cộng tác với các ban nhạc Les Fanatiques, Les Vampires và The Teddy Bears. Héléna nổi tiếng với những nhạc phẩm Pháp như Tous Mes Copains, Est-Ce-Que Tu Le Sais, Tous Les Garçons Et Les Filles và những nhạc phẩm của Dalida. Hiện Héléna cư ngụ tại Paris và từng giữ vai trò chủ tịch hội cựu nữ sinh Marie Curie tại đây. Tôi đã có dịp gặp lại Héléna ở Little Saigon cuối năm 99 trong “Đêm Hội Ngộ Nhạc Trẻ” ở vũ trường Majestic. Mặc dù không coi ca hát là nghề chính, nhưng Héléna thỉnh thoảng vẫn góp mặt trong những buổi trình diễn có tính cách thân mật tại Pháp. Trên 30 năm kể từ khi Héléna giã từ nhạc trẻ, giọng ca của chị vẫn còn phong độ và dĩ nhiên còn... đầm hơn xưa rất nhiều!

 

Công Thành và Lynn

 

Còn có Françoise Hằng với mái tóc không khác gì Françoise Hardy của ban nhạc The Sunshine, hiện cư ngụ tại San Jose. Cũng không thể quên được Kim Dung, được anh em trong giới gọi bằng hỗn danh “Dung Mập” hiện ở nam Cali, nay đã bớt đồ sộ và có nước da ngăm đen cùng mái tóc như Tina Turner!

 

Sau những hăng hái của hơn một tháng viết “chùa”, viết «miễu” đầu tiên, nhà đại ký giả – lúc đó còn tên Johnny Kỳ - bắt đầu thấy nản chí anh hùng khi chẳng hề thấy ngài chủ nhiệm hay ngài tổng thư ký Kịch Ảnh có nhã ý bồi dưỡng gì hết ráo. Trong khi đó, đêm nào cũng phải mở mắt thao láo đế ngồi... rặn ra văn chương, chữ nghĩa. Bài vở học hành lơ là, nền kinh tế cũng sa sút khi phải chi vào tiền xăng nhớt cho chiếc Suzuki thân mến đế đi phỏng vấn đủ các hang cùng ngõ hẹp. Tuy nhiên để... giữ thể diện, nhà đại ký giả nói phét với bạn bè đào địch là được trả nhuận bút đàng hoàng như ai, chỉ thua các đàn anh thời đó là Hoàng Hải Thủy, Mai Thảo, Viên Linh, Nguyễn Đình Thiều... vài ba “bớp” là cùng. Anh em bạn bè, đào địch khâm phục sát đất. Mới 17, 18 tuổi mà được như vậy thì không phải thiên tài cũng là... thần đồng. Nhà đại ký giả khoái chí quá sức mình nên lúc nào cũng ra vẻ nghiêm và buồn rất ư là quan trọng. Nhưng rồi cái màn nói phét cũng bị lòi đuôi khi bạn bè khám phá ra là thần đồng chỉ viết theo khuynh hướng “trước mua vui sau làm nghĩa”! Thế là bị chúng chửi là ngu, là đần, là dại, ăn cơm nhà vác ngà voi, khôn nhà dại chợ, khôn với vợ dại với làng và đủ mọi ngôn từ sỉ vả khác.

 

Thiên tài kiêm thần đồng thấy mình quê một cục nên nhất định tìm dịp nói chuyện phải quấy với ngày chủ nhiệm Quốc Phong. Ôi, nhưng sao ngại quá đi thôi! Chả may ông ấy chỉ nói cám ơn xuông và thốt lên lời giã biệt để “vẫy tay vẫy tay chào nhau, một lần cuối, một lần cuối cùng rồi thôi” thì đâu còn dịp thấy tên tuổi mình trên báo hù thiên hạ. Lại còn bi quan đến độ cho là người ta... làm phước đăng bài lên báo để có dịp lấy le với thiên hạ mà còn yêu sách, đòi hỏi. Đã vậy ông ấy đếch cần nữa thì chỉ có chết. Nếu mà kết quả như vậy thì đúng là ông Quốc Phong không biết dùng người và cũng đúng là một thiên tai giáng xuống đầu thiên tài!

 

Nhưng bị bạn bè chửi là ngu nên cũng thấy mình... ngu thật. Thế là muốn ra sao thì ra, tôi nhất định leo lên tòa soạn Kịch Ảnh trên đường Phạm Ngũ Lão gặp cho được ông chủ nhiệm. Khó nói quá, quả là khó nói quá khi đứng trước mặt ngài chủ nhiệm bệ vệ. Cuối cùng, rào trước trước đón sau mãi mới ỏn ẻn nói lên điều muốn được ngài chi cho “chút cháo” về những bài viết của mình. Thật hạnh phúc biết bao khi được ngài chủ nhiệm gật đầu ưng thuận kể từ bài viết sau sẽ chi cho 5 “bớp”. Quý hóa quá! Quí hóa quá! Với cái gật đầu của ngài chủ nhiệm, thiên tài đã trở thành một ký giả thật sự. Thằng nào chê tao ngu, tao lôi lên báo sỉ vả cho biết tay “Mãnh lực kim tiền” có khác, bài viết cho số báo tuần sau hay thấy rõ. Ngoài những cái lẩm cẩm thường xuyên như thành phần ban nhạc, ca sĩ nào ra, nhạc sĩ nào vô vớ vẩn; lại có thêm những ghi nhận, phê bình hẳn hoi. Đã là ký giả, phải như vậy mới là phải phải!

 

Năm trăm đồng đầu tiên trong đời được lĩnh vào cuối năm 64 cho một bài viết của chính tay mình đã là một kỷ niệm khó quên đối với tôi. Tôi hồ hởi và hân hoan cầm 5 “bớp” đi ngay ra đường Lê Thánh Tôn sắm một đôi “săng đan” Bata mới te, trị giá y bóc với số tiền nhận bút nóng hổi, vừa run run cảm động nhận từ tay ông chủ nhiệm. Khỏi trả giá mất thì giờ, quăng cha đôi “săng đan” cũ mèm vào xọt rác, chơi ngay đôi mới vào chân cho tiện việc sổ sách. Phom phom phóng Suzuki về nhà, hiên ngang bước vào với đôi “săng đan” mới bằng một bộ mặt phởn phơ, khoái chí. Bà nội hỏi sao không bỏ dép ngoài cửa. Thưa rằng dép mới te, còn sạch sẽ lắm, mới ở tiệm Bata ra mà! Đi... ăn cướp sao có tiền mua dép mới? Lại oai hùng thưa rằng “Ấy, đó là tiên con viết báo được mà!”. Thế là không khí cả nhà sôi động hắn lên khi được biết cậu quý tử mới tí tuổi đầu đã làm ra được tiền.

 

Mấy đứa em bà con hãnh diện ra mặt khi tôi dí vào mặt chúng bài viết được đi trang trọng ngay hai trang giữa tờ báo. Bảo đảm là bố tôi sẽ đi khoe với  bà con cô bác là trong gia đình ông có một nhà báo. Vừa đậu “đít lôm” năm ngoái, năm nay lại có “job” viết báo, viết bổ thì chắc là mồ mả đang được phát ghê lắm. Tuy khoái chí vì có ông con trở thành nhà báo, nhưng ông vẫn không quên nhắc tôi cố gắng 2, 3 năm nữa đậu tú tài thì sẽ phải ghi danh vào trường Luật cấp thời.

 

Chính đôi “săng đan” đó đã đưa những bước chân đầu tiên của tôi đến với làng báo, song song với lãnh vực nhạc trẻ với những bài viết liên quan đến lĩnh vực này. 36 năm đã qua đi và mới đây tôi không ngờ mình lại có dịp viết cho tờ Kịch Ảnh tại hải ngoại do chính con gái ông Quốc Phong làm chủ nhiệm tại Houston. Dĩ nhiên là cô Hồng Vân không để cho tôi viết... chùa. Và trên những trang báo Kịch Ảnh bây giờ tôi đã lại có dịp gặp những đàn anh trong giới qua những trang báo này như Hoàng Hải Thủy, Viên Linh, Văn Quang…

 

Thấy Kịch Ánh “ăn khách” với những bài viết liên quan đến nhạc trẻ, tờ Màn Ảnh của ông Mai Châu cũng bắt đầu có trang nhac trẻ do anh bạn lai pháp là Johnny August (anh em thường gọilà “Johnny Tám”), trưởng nhóm Johnny Hallyday Club phụ trách.

 

 

Trước sự “cạnh tranh” này tôi đã ra sức tạo uy tín hơn cho Teenager's Club  bằng cách chọn lựa những nhạc phẩm đặc sắc và mới mẻ nhất để đưa lên “Trang Teenagers” của Kịch Ảnh cũng như cố gắng tìm tòi những đĩa nhạc ngoại quốc thịnh hành nhất để phát trên đài quân đội, sau đó là đài Sài Gòn. Cùng một lúc  những bài viết về các ban nhạc trẻ được đăng dài dài, tăng cường bằng những tin tức liên quan đến những ban nhạc Việt Nam và ngọai quốc. Một thời gian sau tôi cũng được tờ Màn Ảnh mời về công tác để thay thế cho người phụ trách trước. Một lúc viết hai tờ tuần báo văn nghệ, điện ảnh nổi tiếng nhất vào thời đó nên tôi đã mất nhiều thì giờ không ít. Khoảng hai năm sau tờ báo Tiền Tuyến của quân đội cũng tham gia vào phong trào nhạc trẻ bằng cách mở trang nhạc trẻ hàng tuần do Tần Linh và Tần Phương phụ trách và cũng lôi cuốn được nhiều độc giả. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ như vậy, nhạc trẻ không sao tránh được những sự chỉ trích nơi những người lớn tuổi. Kích động nhạc – tên gọi của nhạc trẻ thời đó – với những người trẻ tuổi để tóc dài có khi bị coi như những “quái thai thời đại”. Danh từ này đã được nhà văn Duyên Anh, dưới tên Thương Sinh dùng trong một loạt phóng sự đả kích kịch liệt tôi và đồng bọn”! Nhưng sau những lần gặp gỡ với tôi, anh Duyên Anh đã không còn có những lời lẽ hằn học khi đề cập đến kích động nhạc. Hơn nữa khi tôi về phụ trách Trang Nhạc Trẻ Trên tờ báo Sống của ông Chu Tử, cũng là tờ báo anh cộng tác thường xuyên, Duyên Anh và tôi đã có những giao hảo tốt đẹp và anh cũng là người viết những bài cổ đông cho Đại Hội Nhạc Trẻ do chính báo Sống tổ chức vào tháng 11 năm 68 tại rạp Đại Nam để cứu trợ nạn lụt miền Trung.

 

 

Paulo Thanh Tuấn (giữa)

 

Cũng trước những sự đả kích đó tôi đã viết một số bài bênh vực, nhất là một bài đi 3 kỳ trên tờ Chính Luận và một bài trên tờ Tiền Tuyến trong mục do ký giả Lô Răng phụ trách. Hôm đó ký giả Lô Răng không biết vì lý do gì đã không có bài kịp nên tôi đề nghị được “trám chỗ" một kỳ. Nghe nói bài viết bênh vực nhạc trẻ của tôi đã khiến cho ban biên tập không được hài lòng lắm vì diễn ra vào giai đoạn nhật báo này chưa tỏ ra “cởi mở” chấp nhận loại nhạc này của giới trẻ. Nhưng chỉ một thời gian sau nhạc trẻ đã có mặt thường xuyên trên Tiền Tuyến. Ngay như tuần báo của quân đội có cái tên dữ dằn là Diều Hâu, từ năm 71 trở đi cũng trở thành một hậu thuẫn mạnh cho phong trào này với sự cổ động cho những Đại Hội Nhạc Trẻ với mục đích giúp Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ. Đến như Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cũng đã nhận ra sức mạnh của phong trào nhạc trẻ để thường xuyên kêu gọi tôi và các bạn đứng ra tổ chức những buổi đại hội mang nhiều ý nghĩa.

 

Hết phần một

(còn tiếp)