Kết nối bạn đọc

Kỳ 91: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 15-05-2019 • Lượt xem: 9764
Kỳ 91: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Những chương trình “Hippies A GoGo” luôn đông đảo khán giả, nhưng tuần nào có CBC hay Uptigh trình diễn là tuần đó đông đến nỗi không còn một chỗ nhúc nhích. Nhờ sự “ăn khách” như vậy nên giá cả của các bạn này có phần cao hơn những ban nhạc khác. Vì việc “làm ăn” nên ta phải thông cảm chuyện này. Nhìn phía ngoài thì việc tổ chức coi mòi dễ dàng, nhưng thật sự là cả một sự hồi hộp.

Thường thường ban nhạc được mời trình diễn trước đó cả 2, 3 tuần. Nhất là với những bạn nhac “ăn khách” thì phải dặn dò trước đó lâu hơn để có thể quảng cáo trước 2, 3 kỳ với mục đích... dụ dỗ khách khứa choai choai. Từ xưa đến nay hầu như sự thỏa thuận với những ban nhạc trẻ chả có giao kèo gì hết ráo, ngoài sự đồng ý với nhau bằng miệng. Giấy tờ, contract thật ra cũng vô ích. Không giữ đúng lời hứa thì cũng... huề, nhìn nhau cười trừ sau khi được nghe một đống lý do. Nào là hôm đó nhà có người “đi điện”, hôm đó bị đau ốm liệt giường liệt chiếu vác đàn đi không nổi hoặc là bị Tào Tháo rượt, không thể lết đến để bước lên sân khấu được. Cũng huề thôi. Hơi sức đâu đi kiện, đi cáo, chỉ có cách kiện... củ khoai. Cứ thỏa thuận OK bằng miệng là xong.

 

Ban Nhạc The Peanuts Conpany

 

Trung bình mỗi buổi trình diễn có khoảng 3, 4 ban nhạc. Mỗi ban trung bình 5 mạng. Chả may chỉ có một mạng trong ban bị trục trặc gì đó (như tay lead guitar hay tay trống chẳng hạn) thì cũng đành chịu thua. Nhờ một tay khác thay thế nhất định là không được vì bài bản chưa hề tập dượt với những anh em khác. Khán giả trẻ vì lòng háo hức nên luôn luôn tới sớm để dành chỗ tốt, trong khi ban nhạc lại rất lè phè, họa hoằn lắm mới đến đúng giờ, còn luôn luôn để cho ông bầu tổ chức phải phập phồng chờ đợi, đứng ngóng chờ trước cửa ra vào. Khán giả phía trong bắt đầu rục rịch tỏ vẻ bất mãn khi đã phải chờ đợi gần nửa tiếng mà chưa thấy bóng dáng tay đàn, giọng hát nào bước vào. Ông bầu teo quá sức, chả may có tay đàn, tiếng hát nào chạy xe gắn máy - trong khi vác đàn, vác trống và chũm chọe – lạng quạng bị xe nhà binh đụng một phát thì bỏ mẹ, chỉ có nước trả tiền lại khán giả. Không khéo lại còn bị các cậu choai choai nổi máu yên hùng “bo” cho mấy phát cũng phiền lắm. Mặt ông bầu tươi rói hắn lên khi thấy có một anh nhạc sĩ lò dò, tà tà bước lên cầu thang nơi bàn bán vé. Rối tới anh thứ hai, thứ ba, thứ tự. Nhưng quái lạ, sao chưa thấy có cô ca sĩ. Hỏi ra mới biết là nàng còn chờ lấy cái jupe mới ở ngoài tiệm may chưa xong kịp. Đến nước này phải tính gấp ngay, đấy tức tốc ban nhạc lên sân khấu. Thử trống, lên giây đàn và thay phiên nhau đi... toilette cũng mất hơn 10 phút, tuy nhiên sự có mặt của ban nhạc cũng làm giảm bớt hẳn sự nôn nóng chờ đợi nơi khán giả. Chưa có ca sĩ thì ban nhạc,.. câu giờ bằng những bài hòa tấu. Nhưng nghe hòa tấu chừng 3 bản liên tiếp thì khán giả lại bắt đầu rục rịch... chửi thề vì đã quá trễ giờ. Phúc đức thay, đúng lúc đó thì cô ca sĩ uốn éo bước vào, đã khiến cho tình hình bớt căng thẳng.

 

Ông bầu bớt toát mồ hôi, nhưng chỉ không bao lâu sau lại phải ra ngóng ban nhạc thứ nhì, mặc dù đã dặn đi dặn lại nhiều lần là phải đến đúng giờ ấn định. Bây giờ nghĩ lại mới thấy là mình dở hơi khi dặn phải đến đúng giờ, đúng giấc. Trong suốt những lần tổ chức “Hippies À GoGo” ở Queen Bee cho đến khi chấm dứt ở Ritz, tôi gần như họa hoằn lắm mới gặp được một hai trường hợp đến đúng giờ, còn ngoài ra toàn là giờ giây thun, co dãn kinh khủng.

 

Trường hợp với ban nhạc thứ nhì của chương trình diễn ra cũng y hệt như vậy. Ban nhạc thứ 3 hay thứ tư cũng y khuôn, không có gì thay đổi. Ông bầu chỉ có thể thở phào ra sau khi chương trình chấm dứt, đèn đóm được bật sáng choang lên. Lúc đó ông mới cảm thấy thơ thới và hân hoan, mặc dầu đôi lúc gặp phải sự mè nheo đòi thêm tiền thù lao vì ban nhạc thấy số khách đông hơn mọi khi! Ông bầu không chịu thì ban nhạc... giận không thèm nhận lời chơi cho những lần tới. Trước áp lực như vậy, ông bầu bấm bụng chi thêm chút cháo mà trong lòng hậm hực cách chi. Ngược lại không có ít bạn tình nguyện chơi chùa. Nhưng bố bảo ông bầu cũng cũng không dám nhận lời những đề nghị quí báu đó. Mặc dù đối với những ban nhạc này ông bầu khỏi phải thấp thỏm chờ đợi, ngóng trông vì họ đến rất sớm, ngay từ khi chưa mở cửa vũ trường. Đó là những bạn chưa có tiếng tăm gì, mượn nơi “Hippies À GoGo” để có dịp phô trương tài nghệ.

 

Thời kỳ còn tổ chức “Hippies À GoGo” tại “Chez Jo Marcel”, những ban nhạc đến trình diễn đều còn mang tính cách tài tử, không quan trọng lắm về vấn đề “cát sê”, thậm chí còn có những  ban cương quyết đòi chơi... chùa, miễn sao có dịp ca hát, khẩy đờn, đập trống trước đám khán giả choai choai là vui như Tết. Nhưng khi qua đến “Queen Bee” vào năm 69 thì tình hình bắt đầu thay đối. Gần như tất cả ban nhạc đều có “job” trình diễn trong các Club Mỹ, lúc này đầy rẫy khắp mọi nơi. Do đó, mời được một ban nhạc trình diễn đã là chuyện khó. Bởi vậy vấn đề thù lao cần phải đặt ra đàng hoàng đâu đó. Dĩ nhiên ông bầu không thể nào chi đẹp như “cát sê” các ban nhạc lãnh được khi chơi trong các club Mỹ nên chỉ có thể trả một số thù lao thông cảm” dành cho... người đồng hương. Tuy nhiên đối với những buổi tổ chức như vậy, số tiền thù lao đó cũng được coi là khá cao đối với những ban nhạc tiếng tăm, có khả năng cầu được một số khán giả đông đảo. Những bản nhạc ít nổi tiếng hơn thì “cát sê” cũng do đó mà giảm bớt, Thường trong một lần tổ chức, trong số 2, 3 ban nhạc, chắc chắn phải có ít nhất một ban nhạc nồng cốt để giữ phần bảo đảm cho sự có mặt đông đảo khán giả. Tuần nào cùng kẹt lắm không mời được ban nhạc tiếng tăm, ta tăng số lượng lên 4 ban thuộc hàng trung bình để gọi là dùng lượng thay cho phấm!

(còn tiếp)