Kết nối bạn đọc

Kỳ 92: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 16-05-2019 • Lượt xem: 9790
Kỳ 92: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Ngoài những bạn như The Blue Jets hay CBC rất ăn khách trong những chương trình “Hippies À GoGo” tổ chức trong năm 69 tại Queen Bee, còn có ban The Peanuts Company cũng bắt đầu được biết đến nhiều trong những lần trình diễn tại đây.

Ban này thoạt đầu chỉ có 3 người là 3 anh em mang tên Tây chính cống, nhưng hoàn toàn là người Mít đặc. Đó là 3 anh em Bernard, François và Michel, cư ngụ trong một hẻm trên đường Phan Thanh Giản. Bầu của The Peanuts Company không ai khác hơn là ông thân sinh của 3 anh em nhạc sĩ trong ban, cùng với sự cộng tác của bà mẹ. Chiều lòng con cái và nhất là có cơ hội lãnh được show tại các club Mỹ nên 2 ông bà đã không quản ngại mua sắm cho 3 cậu quý tử đủ mọi nhạc cụ cũng như hệ thống âm thanh cần thiết để đi trình diễn. Thời đó, mỗi ban nhạc khi trình diễn tại: “Hippies A GoGo” đều mang theo trống, đàn và ampli riêng của mình. Không cho ai sử dụng chung, ngoài hệ thống âm thanh và micro sẵn có của nơi tổ chức. Do đó, mỗi lần thay đổi ban nhạc là mỗi lần khán giả phải chờ đợi để ban này dọn xuống, trong khi bạn khác dọn lên rất là lích kích và bát nháo. Chờ ban nhạc trình diễn sau lên giây đàn, thử chiêng trống cũng mất nhiều phút. Lâu lâu đang hăng hái khẩy đờn, bỗng dưng có sợi dây đàn bị đứt một phát thì chương trình lại bị gián đoạn đế tay đàn thay giây mới và lịch kích thử tới thử lui. Nhiều khi không mang theo giấy thay thế, phải năn nỉ mượn đàn nơi những ban nhạc khác. Khi bị từ chối, phải nhờ ông bầu ra tay năn nỉ giúp.

 

Trước sự cương quyết bảo vệ đồ nghề, ông bầu phải xuống nước tối đa, năn nỉ ỉ ôi hết sức mới được thông cảm, trong khi khách khứa bắt đầu càu nhàu. Từ kinh nghiệm đó, ông bầu mua một đống giây đàn cùng dùi trống để sẵn trong hộc tủ, dưới dàn âm thanh để phòng khi bất trắc, The Peanuts Company cũng đã từng làm tôi xính vĩnh về nạn đứt giây đàn và gẫy dùi trống nhiều lần do những màn trình diễn rất “hot” với loại nhạc Pyschedelic qua những nhạc phẩm của Jimi Hendrix, Grand Funk Railroad hoặc Led Zeppelin. Mặc dù vốn liếng căn bản nhạc lý của The Peanuts Company có thể coi như là con số không to tổ bố, nhưng 3 tay nhạc sĩ trong ban - nhất là Bernard – có tài bắt chước theo đĩa nhạc kinh khủng. Muốn trình bầy nhạc phẩm nào, mua đĩa hoặc bằng nhạc về để cùng nhau dóng lỗ tai lên nghe từng âm thanh để ghi vào... bộ nhớ.

 

Nhiều lần như vậy, họ đã sử dụng đàn và trống không mấy khác những nhạc sĩ “o-ri-gi-nan” nên được các cô cậu choai choai hoan nghênh quá xá cỡ. Nhưng chả may có ai nhờ viết nhạc ra giấy dùm thì chỉ có nước cười trừ cho xong chuyện. Quần áo của The Peanuts Company mặc trên sân khấu cũng hoa hoét sặc sỡ ra phết cộng với mái tóc dài thoòng loòng nên họ đã gây được nhiều chú ý. Nhưng bắt mắt hơn cả là điệu bộ của họ trên sân khấu. Khi thì nhái theo điệu bộ của The Who, khi thì “à terre”, vừa khẩy đàn vừa quì gối ưỡn người ra phía sau không khác gì một Jimi Hendrix. Nhất là lúc đó tiếng đàn trổi lên những âm thanh của “Purple Haze”, “Foxy Lady” hay “The Wind Cries Mary” thì chắc ăn như bắp sẽ nhận được những tràng pháo tay long trời, lở đất với những tiếng huyết sáo điếc lỗ nhĩ. Lại còn có màn khẩy đàn bằng răng mới ác liệt, cộng với những tiếng “wah wah” của cây guitar thì không có gì sôi nổi bằng. Càng bắt chước giống trong đĩa bao nhiêu, càng ăn tiền bấy nhiêu. Ngoài tiếng đàn của Jimi Hendrix thường được bắt chước sao cho giống, còn có tiếng đàn của George Harrison với nhạc phẩm “My Sweet Lord” cũng được anh em ban nhạc ta bắt chước một cách khủng khiếp. Cố chỉnh tiếng đàn, cố rung rinh giây đàn ra sao, chỉnh âm thanh nơi ampli như thế nào để có được một tiếng đàn giống như George mới là hách xì xằng.

Trong khi đó về phía nữ ca sĩ, điệu bộ làm sao cho giống những Grace Slick hay Janis Joplin mới được khán giả trẻ ưa thích. Bích Loan của CBC đã tạo cho mình được một hình ảnh như vậy. Với chiếc miệng mom móm dễ thương và một giọng ca đầy chất “Blues” khàn khàn đặc biệt, Bích Loan đã một thời là giọng hát điển hình cho loại nhạc Psychedelic tại Việt Nam. Trong khi đó anh cô là Tùng Linh, đã có một thời kỳ tạo cho mình một hình ảnh phảng phất John Lennon, với mái tóc dài và cặp mắt kính tròn vo giống như tay nhạc sĩ nổi bật nhất của tứ quái The Beatles. Cũng không quên kể đến Vy Vân cũng bắt đầu xuất hiện tại những chương trình “Hippies À GoGo” trong thời gian này với các bạn nhạc The Traubo’s và The Flowers mà “ông xã” của cô là Phan Kiên là một nhạc sĩ sử dụng bass. Với nhạc phẩm “Chains Of Fool”, một thời Vy Vân đã được mệnh danh là một Aretha Franklin của Việt Nam.

 

Cũng với nhạc phẩm này và một số nhạc phẩm “Blues” khác, giọng ca của Vy Vân đã được tán thưởng rất nhiều tại các Club Mỹ. Con gái của Vy Vân và Phan Kiên là Phi Phi ra đời vào năm 71, khi ra đến hải ngoại cũng theo nghiệp mẹ để trở thành một nữ ca sĩ nổi tiếng về loại nhạc trẻ, trong khi Vy Vân hiện đã là bà ngoại từ 2 năm nay với những hoạt động lẻ tẻ về ca nhạc. Cũng với “Chains Of Fool”, nữ ca sĩ Candy Xuân của ban nhạc The Jet Set đã từng được ái mộ rất nhiều trong những chương trình “Hippies À GoGo” khi còn tổ chức tại “Chez Jo Marcel” vào năm trước đó. Với một giọng ca cao và mạnh, Candy Xuân thường được anh em gọi là “Miss Chains, Chains, Chains” dựa trên lời ca mở đầu của nhạc phẩm đặc sắc này. Khi ban nhạc The Jet Set với anh em Thế Vũ và Thế Dũng nhận lời góp mặt lần đầu tiên trong những chương trình “Hippies A GoGo”, họ cho biết tên nữ ca sĩ trong ban là Xuân. Khi vẽ poster quảng cáo ban nhạc, chẳng lẽ chỉ để tên ca sĩ cộc lốc là Xuân thì coi bộ không ổn. Gấp rút quá vì không có thì giờ liên lạc hỏi cho rõ ràng tên tuổi, nghĩ đi nghĩ lại mãi tôi phang luôn cái tên Mỹ là “Candy” đằng trước tên Xuân cho tiện việc nhà nước. Candy Xuân, cái tên cũng ngộ và hay ho lắm. Đến ngày ban nhạc tới trình diễn, cô nữ ca sĩ rất ngạc nhiên khi thấy mình có một cái tên mới lạ. Cô cũng OK ngay với cái tên mới được khai sinh này. Candy Xuân ra đời từ đó và trở thành một khuôn mặt rất quen thuộc trong một thời gian khá dài. Qua đến những năm đầu thập niên 70, Candy Xuân biến dạng để từ đó đến nay không ai còn được nghe nhắc nhở đến tên tuổi của cô.

(còn tiếp)