Duyên Dáng Việt Nam

Lạc đà không bướu - Chìa khóa cho liệu pháp chữa virus Corona mới nhất

Đan Tâm • 20-07-2020 • Lượt xem: 1580
Lạc đà không bướu - Chìa khóa cho liệu pháp chữa virus Corona mới nhất

Nghe rất khó tin nhưng lạc đà không bướu đã tạo nên bước tiến đột phá cho việc điều trị virus corona nhờ vào hệ thống miễn dịch “có một không hai” của nó. Đây là nghiên cứu của các nhà khoa học từ Viện Rosalind Franklin của Vương quốc Anh và được công bố trong tập san “Sinh học phân tử và cấu trúc tự nhiên”.

Bài đọc thêm:

Việt Nam có kit thử Covid-19 hiển thị bằng màu

Tìm ra tế bào giúp bảo vệ con người trước SARS-CoV-2

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang làm việc cật lực trong phòng thí nghiệm để phát triển vaccine ngăn ngừa virus Corona, giúp con người tự phát triển kháng thể của chính họ để chống lại loại virus nguy hiểm này. Phương pháp điều trị Covid-19 dựa trên kháng thể lạc đà không bướu tuy sẽ không giải quyết triệt để vấn nạn hiện tại nhưng được kỳ vọng sẽ là giải pháp để cắt giảm số ca tử vong do virus Corona. Nếu cơ chế hoạt động của kháng thể lạc đà không bướu hoạt động với cơ thể người thì đó sẽ là một bước đột phá trong cuộc chiến chống Covid-19.

Kháng thể là một phần của hệ thống miễn dịch thích nghi; về cơ bản, chúng là những phân tử có khả năng dễ dàng biến đổi để chiến đấu với virus hoặc vi khuẩn xâm nhập.

Đã có bằng chứng cho thấy máu giàu kháng thể, được lấy từ những người gần đây đã hồi phục từ virus corona, có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị. Loại liệu pháp này về cơ bản giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của người bệnh với các kháng thể đã thích nghi với virus. Nhưng yếu tố cốt lõi trong liệu pháp sử dụng kháng thể có nguồn gốc lạc đà không bướu này là các nhà khoa học có thể sản xuất hàng loạt các kháng thể chuyên biệt này.

Thực ra, lạc đà không bướu không phải một phát hiện mới trong giới khoa - y học. Trên thị trường đã có một loại thuốc xuất phát từ kháng thể của lạc đà không bướu để điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu do huyết khối. Và kháng thể của chúng cũng đã được sử dụng trong các thí nghiệm với HIV và cúm với kết quả đáng hứa hẹn.


Kháng thể lạc đà không bướu đang được nghiên cứu để điều chế vaccine chống Covid-19

Lý do kháng thể lạc đà có khả năng ‘thần kì’ trong việc ngăn ngừa virus corona chủ yếu là nhờ vào kích cỡ của nó. Cơ thể con người chỉ sản sinh một loại kháng thể gồm hai loại chuỗi protein nặng và nhẹ, cấu hình dạng chữ Y. Trong khi chuỗi protein nặng trải khắp chữ Y thì chuỗi protein nhẹ chỉ tập trung ở phần ngọn. Trong khi đó, loại lạc đà không bướu sản sinh hai loại kháng thể. Một loại tương ứng về kích cỡ như kháng thể người. Loại còn lại thì nhỏ hơn và kích thước chỉ bằng 25% kháng thể người. Kháng thể của chúng cũng tạo thành hình chữ Y, nhưng phần ngọn ngắn hơn vì nó không có chuỗi protein nhẹ.

Loại kháng thể rất nhỏ này có thể len lỏi vào những “protein gai” (spike protein), loại protein giúp virus corona xâm nhập vào tế bào vật chủ và lây lan trong khi kháng thể người thì không thể. Chúng có thể được liên kết hoặc hợp nhất với những kháng thể khác, bao gồm cả kháng thể người, mà vẫn giữ được sự ổn định. Loại kháng thể này là một đặc điểm di truyền trong giống lạc đà nói chung.

Dự án này chủ yếu nghiên cứu về việc tác động một số thay đổi đối với các kháng thể của lạc đà không bướu để điều chỉnh sao cho phù hợp với cơ thể con người. Giáo sư James Naismith, giám đốc Viện Rosalind Franklin - cũng là nhà nghiên cứu chính - đã mô tả kỹ thuật này giống như việc cắt một “chìa khóa kháng thể” phù hợp với “ổ khóa virus corona.”

Giáo sư Naismith cho biết, phần được tái thiết kế của kháng thể lạc đà không bướu còn được gọi là nanobody (cơ thể siêu nhỏ). Các nanobody thực hiện điều đó bằng cách liên kết - hoặc khóa lại - thứ được gọi là "protein tăng đột biến" ở bên ngoài vỏ virus rồi vô hiệu hóa sự tăng đột biến đó, ngăn nó truy cập vào các tế bào của con người.


Cơ chế hoạt động của kháng thể lạc đà không bướu

Cá mập cũng có những kháng thể nhỏ hơn tương tự, nhưng chúng không thích hợp cho cho nghiên cứu này. Các nhà khoa học nghiên cứu dự án này cho biết lạc đà không bướu đã được thuần hoá, dễ đối phó và ít bướng bỉnh hơn các loại lạc đà khác.

Nhóm nghiên cứu đang hướng tới việc thực hiện liệu pháp tiềm năng này trong các thử nghiệm trên động vật vào mùa hè, nhằm bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay.