ĐỜI SỐNG

Làm thế nào khi bị 'mắc kẹt' trong mối quan hệ độc hại?

Cẩm Chi • 27-11-2022 • Lượt xem: 912
Làm thế nào khi bị 'mắc kẹt' trong mối quan hệ độc hại?

Bạn cần nhận diện các mối quan hệ độc hại và tránh xa nếu không muốn nó làm bản thân tiêu cực. Bất an, mệt mỏi về thể xác, tinh thần (hoặc cả hai)... là những tác hại một mối quan hệ độc hại có thể gây ra.

Thế nào là mối quan hệ độc hại?

Mối quan hệ độc hại (toxic relationship) là mối quan hệ trong đó không có sự hỗ trợ, thiếu sự tôn trọng và gắn kết lẫn nhau. Nếu lỡ ở trong một mối quan hệ độc hại, nạn nhân sẽ chỉ cảm thấy bị hạ thấp, bị hiểu lầm, bị cô lập hoặc tệ hơn là bị bạo hành... Tất cả sẽ làm cho tinh thần và thể xác cực kỳ mệt mỏi, áp lực và khiến người bị hại suy sụp nếu kéo dài.

Sự mệt mỏi là điều thường thấy khi bạn ở trong một mối quan hệ độc hại.

Trong xã hội hiện nay, mối quan hệ độc hại có thể xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh: từ trường học cho đến công ty, từ bạn bè cho đến người thân, thậm chí có người đang phải sống trong những mối quan hệ độc hại đến từ chính các thành viên trong gia đình.

Nhận diện những dấu hiệu và biểu hiện của toxic relationship

Nếu có những hành động sau xuất hiện trong một mối quan hệ thì đó rất có thể là một mối quan hệ độc hại: đối phương thường có hành động (hay lời nói) đe dọa, bạn bị đối xử không công bằng, bạn phải cho đi nhiều hơn nhận được, người khác cố tình hiểu lầm về bạn, bạn luôn phải nhún nhường và chịu thiệt, luôn phải cố gắng làm đối phương vui...

Sự bất bình đẳng là biểu hiện có thể thấy rõ nhất trong mọi mối quan hệ độc hại.

Những “key words” nhận diện cho toxic relationship là: ghen tuông, ích kỷ, chỉ trích, thiếu tôn trọng, hạ thấp, làm phiền, mắng chửi, nghi ngờ, phủ định... Có thể chia những dấu hiện (biểu hiện) của mối quan hệ độc hại thành ba nhóm chủ yếu.

Đầu tiên là sự thiếu tôn trọng. Bất kỳ mối quan hệ nào muốn tốt đẹp thì cả hai phía đều phải dành cho nhau đủ sự tôn trọng: tôn trọng ý nghĩ, tôn trọng cảm xúc, tôn trọng cả công sức đối phương (và dĩ nhiên là cả bản thân) đã bỏ ra cho mối quan hệ này. Nhiều người đi làm về ngồi xuống bàn cơm chê thẳng thừng món ăn do mẹ (hoặc vợ) nấu dở tệ. Đành rằng có thể nó không vừa miệng, thế nhưng đó là công sức người kia đã bỏ ra chăm chút. Vì vậy việc chê thẳng thừng này chính là sự thiếu tôn trọng đối phương. Bởi có những lúc sự thật ngoại trừ chuyện là sự thật ra thì nó chẳng giúp ích được gì cho một mối quan hệ cả.

 

Không phải cứ đổ thừa cho lý do “tính tôi thẳng thế đấy” hay “tôi chỉ nói sự thật thôi mà” là được.

Nhóm biểu hiện thứ hai của toxic relationship chính là sự nhục mạ, hạ thấp con người hay những thành quả mà người đó đạt được. Trong cuộc sống, ai trong chúng ta đều ít nhiều cần có sự công nhận. Còn gì vui sướng hơn khi thành công của bản thân vất vả làm ra nhận được sự tán thành, ít ra từ những người trong các mối quan hệ thân quen.

Thế nhưng, những nạn nhân không may đang trong một mối quan hệ độc hại thì lại không có được điều đó. Họ thường sẽ bị đối phương hạ thấp, nặng hơn là không công nhận hoặc thậm chí nhục mạ công sức đã bỏ ra. “Có cái gì đâu mà khoe”, “coi con nhà người ta kìa”, “tưởng cái gì ghê gớm lắm”... là những câu từ họ thường xuyên nói ra mỗi khi bạn tâm sự. Đó là trường hợp bạn thành công, lỡ mà bạn chia sẻ về một thất bại thì sẽ còn bị miệt thị nặng nề hơn.

 

Và dĩ nhiên, “kẻ làm ác” luôn có lý do để ngụy biện cho những hành động (lời nói) hạ thấp như vậy kiểu như: thương cho roi cho vọt, chê bớt để nó không ngạo mạn, chửi để nó biết phấn đấu...

Và sau cùng, sự kiểm soát chính là biểu hiện cực rõ ràng cho một mối quan hệ độc hại. Nếu bạn trong một mối quan hệ mà lúc nào cũng bị đối phương nhắn tin hỏi xem đi đâu, làm gì, video call... thì chính xác là bạn đang bị kiểm soát một cách gắt gao. Đây là biểu hiện của sự không tin tưởng.

Tệ hơn nữa, mọi lộ trình, hành động của bạn đều bị áp đặt theo suy nghĩ của đối phương. Vì căn bản họ không tin bạn có thể “tự làm gì ra hồn được”.

Một biểu hiện khác của sự kiểm soát đó chính là cô lập, thu nhỏ thế giới của bạn lại, không cho phép bạn có các mối quan hệ (bạn bè) khác bên ngoài. Thậm chí còn cố gắng hạn chế bạn liên hệ với người thân, gia đình.

Vì sao mối quan hệ độc hại có thể tồn tại?

Có ba lý do chính để mối quan hệ tồi tệ kiểu này còn tồn tại được: thói quen, sự cô đơn và chưa đủ khả năng tự chủ tài chính.

Một mối quan hệ không phải lúc nào cũng độc hại từ ngay khi mới bắt đầu, nhất là trong tình yêu. Mà nó sẽ chuyển biến theo hướng xấu dần theo thời gian. Nước ấm nấu ếch, nhiều lúc chính nạn nhân đã quá quen thuộc với việc bị bắt nạt từng chút, từng chút một và rồi sống chung với nó. Họ sẽ ở bên cạnh người “ngược đãi” mình chỉ bởi vì đây là một thói quen. Đừng ngạc nhiên về điều này, chẳng phải hút thuốc hay nghiện rượu là thói quen xấu nhưng rất nhiều người không thể bỏ được đó sao.

Vấn đề đầu tiên là tiền đâu.

Đây là lí do vô cùng thuyết phục. Rất nhiều người ở trong mối quan hệ độc hại nhưng không thoát ra được chỉ vì không thể tự nuôi sống bản thân. Người vợ chỉ ở nhà nội trợ, trẻ em vị thành niên chưa thể kiếm tiền phải sống với cha mẹ là hai kiểu thường gặp nhất trong trường hợp trên.

Sự cô đơn cũng là một nguyên nhân mà không ít người chấp nhận sống trong một mối quan hệ độc hại. Đơn giản họ sợ nếu rời đi thì bản thân sẽ trở nên bơ vơ không nơi thuộc về, cảm giác trống rỗng khi không có một người ở bên. Bất chấp sự thật nhiều khi sóng gió chính từ người đó mà ra. Rời đi sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều, thế nhưng họ không dám vì... sợ cảm giác cô đơn.