ĐỜI SỐNG

Langbiang - thiên đường của hương sắc

Nguyễn Hậu • 27-07-2022 • Lượt xem: 336
Langbiang - thiên đường của hương sắc

Langbiang là vùng đất nằm ở độ cao trên 1500m so với mặt nước biển, có khí hậu trong lành mát mẻ. Nơi đây đang trở thành cánh đồng hoa công nghệ cao đem lại giá trị kinh tế lớn và trở thành điểm du lịch canh nông hấp dẫn, thu hút du khách.

Đi theo quốc lộ 27 qua con đèo Ngoạn Mục, một trong những con đèo đẹp nhất Việt Nam, thị trấn Lạc Dương xinh đẹp hiện ra trước mắt bạn. Cao nguyên Langbiang thuộc thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, một vùng đất quanh năm mờ sương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại hoa. Người dân nơi đây hàng ngày hối hả tất bật với công việc xuống giống, chăm sóc và thu hoạch hoa để phục vụ cho thị trường. Nếu lần đầu tiên bạn đến đây, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên bởi những cánh đồng chuyên canh hoa trong đó có nhiều giống hoa mới có giá trị kinh tế cao lại thuộc sở hữu của bà con người Lạch. Một cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa trên vùng Nam Tây Nguyên.


Dưới chân núi Langbiang có nhiều vườn hoa với diện tích cả ngàn mét vuông. Bạn sẽ rất ngạc nhiên bởi hoa hồng ở đây có rất nhiều màu sắc như màu đỏ ,vàng, hồng, trắng, màu trứng, xanh đại, đỏ cờ. Hoa ở đây được trồng theo phương pháp cấy ghép để chọn màu. Muốn trồng màu nào thì sẽ ghép màu đó. Những luống hoa dài tăm tắp xanh mướt, những bông hoa đua nhau khoe sắc tỏa ngát hương thơm, khung cảnh đẹp tuyệt vời. Theo người dân ở đây cho biết hiệu quả trồng hoa cao hơn trồng rau màu nên khiến họ rất an tâm gắn bó với nghề.

Ở độ cao trên 1500m so với mặt nước biển, Lạc Dương có lợi thế phát triển các loại rau hoa có nguồn gốc ôn đới và nhiệt đới. Nhất là các giống hoa mới được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Người dân nơi đây đã có tư duy đột phá trong nông nghiệp tạo nên diện mạo mới cho vùng đồng bào thiểu số.

Ngày càng nhiều nhà kính trồng hoa công nghệ cao của người Lạch mọc lên dưới chân núi Langbiang. Nhà này làm hiệu quả nhà khác học làm theo, những kinh nghiệm thực tiễn được bà con chia sẻ cho nhau để cùng tạo nên một vùng chuyên canh hoa. Trồng hoa ngoài trời và trồng hoa trong nhà kính sẽ khác nhau, trồng hoa trong nhà kính yêu cầu kỹ thuật phải cao hơn, thuốc men phải đúng liều lượng nếu sai liều lượng có thể dẫn đến mất mùa. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình trồng hoa công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác đã thay đổi phương thức sản xuất của người dân tộc Lạch nơi đây. Bây giờ họ đã biết chú trọng làm ra sản phẩm nông nghiệp đặc thù được thị trường ưa chuộng. Theo người dân thì trồng hoa giá cả ổn định và hạn chế được dịch bệnh và thiên tai nên thu nhập ổn định hơn so với trồng rau màu.

Khí hậu, thổ nhưỡng ở Langbiang phù hợp với nhiều loại hoa nhưng người dân nơi đây chỉ tập trung vào trồng hoa hồng. Theo lý giải của người trồng hoa là bởi hoa hồng dễ trồng, ít sâu bệnh, có thể lưu gốc cho thu hoạch trong nhiều năm nên không lo đầu tư giống như nhiều loại hoa khác. Thêm vào đó giá hoa hồng lại khá ổn định và được giá trong những dịp lễ nên yếu tố rủi do được quản lý chủ động hơn.

Hiện tại diện tích trồng hoa ở Lạc Dương đã lên tới 200 ha. Để có được vùng chuyên canh hoa như ngày nay đó là nhờ vào sự thay đổi cách nghĩ cách làm của người dân nơi đây. Ít ai ngờ rằng một cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa ở nơi xa xôi nhất trên cao nguyên Langbiang lại tạo dựng được nghề trồng hoa truyền thống. Góp phần tạo nên thế mạnh cho ngành hoa Lâm Đồng cung ứng hoa cho thị trường trong nước và thế giới. Hoa hồng ở Lạc Dương này có sản lượng nhiều nhất nước, nhiều hơn cả Đà Lạt.

Huyện Lạc Dương đang xây dựng nhãn hiệu hoa hồng Langbiang để mở rộng thị trường cho hoa hồng Langbiang ở Việt Nam và trên thế giới. Hiện tại hoa hồng ở Lạc Dương có khoảng 40 màu sắc chủng loại đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường. Sự kết hợp giữa khí hậu, thổ nhưỡng và hoa hồng đã biến Langbiang thành điểm du lịch canh nông hấp dẫn, thu hút du khách đến trải nghiệm đời sống gắn liền với canh tác nông nghiệp đặc thù. Đến đây bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp của những loài hoa, không khí yên bình, xanh mướt, thơm ngát nơi xứ sở mù sương.