ĐỜI SỐNG

Lợi ích từ phổ cập pháp lý cho người khuyết tật

Nguyễn Hậu • 14-05-2022 • Lượt xem: 658
Lợi ích từ phổ cập pháp lý cho người khuyết tật

Những năm gần đây, luật người khuyết tật Việt Nam năm 2010 và nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật đã ra đời mang đến sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của người khuyết tật.

Sáng ngày 13.5, tại trụ sở UBND phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra buổi tư vấn trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với chuyên đề: luật cư trú. Đây là hoạt động của hội người khuyết tật quận Ba Đình, Hà Nội kết hợp trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội chi nhánh số 2 tổ chức nhằm mục đích tuyên truyền kiến thức về luật cư trú và chính sách pháp luật về thừa kế đến người khuyết tật.

Ngoài ra các luật sư cũng sẽ trực tiếp giải đáp, hướng dẫn tư vấn các vấn đề về pháp luật đất đai, dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, lao động việc làm... cho từng trường hợp cụ thể.

Phát biểu tại buổi lễ, Bà Đoàn Thị Ngọc Lan, chủ tịch hội người khuyết tật quận Ba Đình Hà Nội nói: với mục đích nâng cao năng lực cho người khuyết tật hiểu biết về chính sách pháp luật của nhà nước để người khuyết tật có thể hòa nhập với xã hội, chủ đề năm nay hội người khuyết tật quận Ba Đình chọn là luật cư trú. Đây là bộ luật mới được quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2020 và có hiệu lực ngày mùng 1 tháng 7 năm 2021. Đây là luật mới, luật này sẽ quy định quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật này cũng quy định việc sử dụng sổ hộ khẩu và quản lý nhân khẩu tại Việt Nam và có rất nhiều điểm mới trong luật mà người khuyết tật chưa được biết đến. Bà Lan cho rằng sau khi người khuyết tật được nghe luật sư phổ biến kiến thức về luật cư trú thì người khuyết tật là những công dân của thủ đô, công dân của Hà Nội sẽ nghiêm túc thực hiện tốt những điều đã đề ra và luôn luôn tuân thủ pháp luật.

Trong thời gian 2 giờ đoàn luật sư thuộc trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội chi nhánh số 2, đại diện là luật sư Lê Văn Khánh đã nhiệt tình chia sẻ, giảng giải chi tiết cho anh chị em khuyết tật về luật cư trú và thừa kế. Sau khi truyền đạt kiến thức cho người khuyết tật nắm rõ ông Lê Văn Khánh cũng cùng đoàn luật sư trực tiếp giải đáp những câu hỏi liên quan tới luật cư trú và thừa kế của người khuyết tật.

Bà Bùi Thị Hải lưu trưởng chi nhánh trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội chi nhánh số 2 tại 170 Quán Thánh cho biết người khuyết tật có thể đến đây để được trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí. Đối với những vụ việc phức tạp liên quan nhiều lĩnh vực hay riêng tư cá nhân khác thì người khuyết tật có thể mang hồ sơ đến văn phòng để các trợ vấn viên pháp lý sẽ tư vấn miễn phí hoàn toàn cho người khuyết tật. Đây là chính sách nhân đạo của nhà nước đối với những người yếu thế trong xã hội. Người khuyết tật hoàn toàn yên tâm khi đến đây. Bà Bùi Thị Hải Lưu mong muốn rằng đây sẽ là địa chỉ tin cậy cho người khuyết tật khi gặp vướng mắc về pháp luật. Ngoài ra bà còn cung cấp số điện thoại của chi nhánh là 023. 3266. 9015 và số điện thoại của chi nhánh trưởng là 097. 353. 1252 đến người khuyết tật.

Chính sách trợ giúp pháp lý đã và đang đi vào cuộc sống. Theo báo cáo từ năm 2007 đến nay các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã trợ giúp pháp lý cho khoảng gần 4.000 người khuyết tật trên cả nước. Hoạt động này đã giúp người khuyết tật hiểu được quyền và lợi ích hợp pháp của họ, giúp họ tránh xa được các tệ nạn và hạn chế người khuyết tật phạm pháp, giúp họ trở thành những công dân sống tuân thủ hiến pháp, pháp luật Việt Nam.

Ngày 13 tháng 12 năm 2006, Việt Nam là một trong 150 nước đã ký kết công ước về quyền của người khuyết tật là một văn kiện quốc tế do Liên Hợp Quốc soạn nhằm mục đích bảo vệ các quyền và nhân phẩm của người khuyết tật.

Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật là một hoạt động góp phần cùng nhà nước Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế trong việc quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật, xóa bỏ mọi rào cản, tạo cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.