ĐỜI SỐNG

Lời nói dối về 'văn hóa gia đình' của Big Tech

Thiện Thuật • 06-02-2023 • Lượt xem: 935
Lời nói dối về 'văn hóa gia đình' của Big Tech

Khi làn sóng sa thải kéo dài tấn công ngành công nghệ, những người lao động, kể cả những người đã bị sa thải và những người còn lại đều phải đối mặt với một sự thật phũ phàng rằng: “Nơi làm việc không giống như gia đình”. Những người lao động, nhân viên công nghệ đang sử dụng tất cả các cụm từ cảm xúc để mô tả đợt sa thải đã bao trùm ngành công nghệ và trở thành chủ đề bàn tán của thế giới kinh doanh.

Văn hóa làm việc gia đình đã bị phá vỡ

Katie Olaskiewicz, cựu chiến lược gia của Google, đã viết trên LinkedIn ngay sau khi 12.000 nhân viên của Google bị sa thải. "Tôi bị sốc, bị tổn thương. Thật khó mô tả cảm giác bị phản bội, nhưng không có bất cứ thứ gì để trút giận".

Cho đến nay, tổng cộng 40.000 nhân viên đã bị Amazon, Microsoft và Google sa thải, khiến cơn ác mộng đối với những người làm công nghệ trở thành hiện thực. Nhìn chung, hơn 150.000 người đã mất việc làm trong lĩnh vực này chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2023. Hàng ngàn nhân viên cũ đang than thở về việc họ bị sa thải tàn nhẫn trên LinkedIn và các nền tảng xã hội khác. Cảm giác bị tổn thương và bị phản bội dường như là điều phổ biến đối với tất cả các nhân viên đã bị sa thải trong tuần qua. Trong những năm qua, các công ty công nghệ đã đại diện cho một môi trường kinh doanh nơi mọi người không chỉ làm việc mà còn hỗ trợ lẫn nhau như gia đình, cùng hướng tới một mục tiêu chung.

Trong thập kỷ qua, sự không chắc chắn đã tràn ngập nhiều lĩnh vực, bao gồm cả công nghệ. Hàng trăm công ty khởi nghiệp mọc lên rồi lụi tàn ở thung lũng Silicon mỗi năm. Nhưng các công ty lớn Big Tech vẫn ổn định và thu hút rất nhiều nhân tài. Họ được biết đến với việc tạo ra chính sách đãi ngộ hào phóng, không gian thoải mái và văn hóa gia đình mà ở đó nhân viên cảm thấy an toàn.

Tại Google, họ gọi nhân viên của mình là Googlers. Đây là một mã định danh xác định một nhân viên không chỉ là một nhân viên mà còn là một phần ăn sâu của một tổ chức. Google thời kỳ đầu đã mở ra kỷ nguyên của những khuôn viên công nghệ rộng lớn, nơi nhân viên có thể làm việc cả ngày lẫn đêm mà không cần rời khỏi công ty. Và công ty từ lâu đã khuyến khích nhân viên gắn cuộc sống của họ với công việc.

Tiêu biểu như Facebook, bây giờ là Meta. Từ năm 2010, công ty đã phát triển thành một gã khổng lồ công nghệ theo đúng nghĩa của nó. Tại khuôn viên Menlo Park, nhân viên tham gia các lớp thể dục và thưởng thức bữa sáng miễn phí tại các quán cà phê tùy chọn. Facebook được bình chọn là công ty tốt nhất để làm việc ở Mỹ năm 2018. Một lý do là nó khuyến khích mọi người thể hiện con người thật của họ tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, các vết nứt bắt đầu xuất hiện. Bản thân công việc kinh doanh lúc đầu có vẻ lủng củng vì hết scandal này đến scandal khác, sau đó bắt đầu rạn nứt trong văn hóa doanh nghiệp bên trong công ty. “Áp lực buộc chúng tôi phải hành động như thể mọi thứ đều ổn và chúng tôi yêu thích làm việc ở đây lớn đến mức khiến chúng tôi đau lòng”, tại hội trường công ty năm 2019 một nữ nhân viên cho biết: "Không nên áp lực để giả vờ yêu một cái gì đó khi tôi không cảm thấy như vậy".

Trong những tháng gần đây, các công ty ở thung lũng Silicon thúc đẩy ý tưởng về gia đình đã phá vỡ ảo tưởng đó bằng chính đôi tay của họ. Công ty phần mềm Salesforce được thành lập bởi niềm tin của Giám đốc điều hành Marc Benioff vào triết lý ohana, tiếng Hawaii có nghĩa là gia đình. Khi đến lúc sa thải 10% lực lượng lao động của mình, ông ấy nhắc lại khái niệm về gia đình tại nơi làm việc. "Những nhân viên bị ảnh hưởng không chỉ là đồng nghiệp. Họ là bạn bè. Họ là gia đình" ông viết trong một bức thư gửi nhân viên của mình.

Giám đốc điều hành Meta, Mark Zuckerberg cho biết ông đã đầu tư sai một số khoản đầu tư lớn vào công ty. Phần lớn trong số đó được chi cho Metaverse. Vào tháng 11 năm 2022, công ty đã cắt giảm 11.000 nhân viên, khoảng 13% lực lượng lao động. Ngay cả khi thông báo về việc sa thải, Zuckerberg vẫn sử dụng ngôn ngữ quen thuộc và cảm ơn những nhân viên bị sa thải vì đã đặt trái tim và tâm hồn của họ vào đây.

Lời nói dối về văn hóa gia đình

Khi 12.000 nhân viên của Google mất việc, một nhân viên về nhà nghỉ thai sản với đứa con bốn tháng tuổi và một nhân viên khác đang mang thai 8 tháng. Họ nói rằng họ bị sốc và cảm thấy bị phản bội. Một kỹ sư phần mềm viết trên Twitter: “Thật khó để tôi tin rằng sau 20 năm làm việc tại Google, tôi bất ngờ biết về ngày cuối cùng của mình qua một email”. Một nhân viên Google bị sa thải khác nói: "Thật là một cái tát vào mặt. Tôi ước mình có thể trực tiếp nói lời tạm biệt với mọi người".

Ý tưởng làm việc như một gia đình nghe có vẻ bình dị trên giấy. Nhưng trong cuốn sách Out of Office năm 2021 của họ, các nhà báo Charlie Warzel và Anne Helen Petersen lập luận: "Bạn đã có một gia đình, bạn được chọn nữa hay không? Và khi công ty sử dụng lời hoa mỹ đó, họ đang định hình một mối quan hệ giao dịch thành mối quan hệ tình cảm".

Theo Yahoo News, môi trường giống như gia đình rất quyến rũ nhưng dễ bị thao túng. Người lao động cảm thấy họ nên hạn chế nghỉ phép, yêu cầu tăng lương hoặc phàn nàn về hành vi xấu tại nơi làm việc: "Có thể cảm thấy hấp dẫn, nhưng môi trường như gia đình có tính thao túng sâu sắc và thường là một phương tiện để công ty trả ít tiền hơn để nhân viên làm nhiều việc hơn. Gia đình không chỉ gợi lên sự gần gũi mà còn là sự tận tụy và mối quan hệ lâu dài, thấm nhuần sự hy sinh: gia đình là trên hết".