Hội họa

Lòng thành đâu phải chen nhau

N.Minh • 23-02-2018 • Lượt xem: 11398
Lòng thành đâu phải chen nhau

Đầu năm, đi lễ mùa xuân, tới những ngôi chùa nổi tiếng trong cả nước để xin lộc, thắp nén nhang lòng thành tới cửa Phật đã thành một nét văn hóa tâm linh không thể thiếu đối với người châu Á nói chung, nhất là với người Việt Nam. Thế nhưng, hàng vạn người nô nức kéo nhau đến chùa, tranh nhau xin ấn xin lộc, tình trạng dẫm đạp lên nhau đã trở thành một vấn nạn đáng buồn.

Tết đến, Xuân về là thời điểm mà nhiều người, nhiều gia đình bắt đầu cho một năm mới với những dự định công việc tốt lành của một thời gian dài. Vì thế việc cầu may, cầu lộc như một xuất phát tốt lành mang hương tâm linh mà nhiều người mưu cầu. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa đã tồn tại nhiều đời và vẫn duy trì cho tới ngày nay. Mùa xuân là mùa mà nhiều ngôi chùa, dù chùa to hay chùa nhỏ trong cả nước đón chân nhiều du khách, nhiều người mang hương, mang lễ đến cầu may. Dù là nơi vắng vẻ, tôn nghiêm, nhưng ít có ngôi chùa nào giữ được điều đó trong những ngày giáp Tết, trong Tết và sau Tết - tháng giêng.

Thiền Viện Trúc Lâm - Đà Lạt mang vẻ đẹp mà ít ngôi chùa nào sánh kịp

Dù là người làm ăn nhỏ lẻ tới làm ăn quy mô lớn, ai cũng muốn đầu năm phải xin được lộc nơi cửa Phật, hoặc kéo nhau đi đền phủ lễ lạt để xin ấn, xin lộc mang về nhà với đức tin năm nay sẽ tấn tài, tấn lộc. Nhưng chắc chắn một điều, lộc (đôi khi chỉ là sự tưởng tượng của con người) chưa thấy đâu, làm ăn chưa kí được hợp đồng nào, lương tháng hai còn chưa biết lấy đâu trả cho nhân viên thì công cuộc hành xác, dậy từ đêm đi xe đò, xe khách cả vài ba trăm cây số để leo mấy trăm bậc thang, lên đến cửa điện, tranh nhau cắm nhang vào miệng lân, đua nhau nhét tiền to tiền nhỏ vào tay Phật, xin đủ thứ (mà Phật làm sao có nhiều thế để cho) rồi về nhà với tấm thân mỏi mệt, thậm chí tai nạn giao thông vì xe pháo trên đường, đã khiến nhiều người cảm thấy hãi hùng công cuộc đi chùa đầu năm.

Truyền thống văn hóa tâm linh sẽ rất quý giá nếu như người giữ lửa điều ấy biết chừng mực, không lạm dụng hai chữ cầu may để gây nên những phiền toái cho xã hội và bản thân. Nhiều người đã cộng hưởng với nhau tạo thành thảm họa nơi cửa chùa. Thảm họa ấy là gì? Là chen nhau, thậm chí chửi nhau để được chen chân vào chính điện. Con nhang đệ tử thi nhau cắm hương vào bát nhang, thậm chí cắm cả vào miệng lân, nhét cả tiền vào miệng lân, và chỉ năm phút sau lại khổ người phục vụ trong chùa "nhổ" cả nắm hương to cho vào thùng để đốt, hạn chế hỏa hoạn. 

Chùa Thanh Thủy - một trong mười ngôi chùa đẹp nhất của Nhật Bản

Nhiều người mê muội tới mức, nghĩ rằng đức Phật sẽ có vô vàn những điều kì diệu, có thể hóa phép cho những lời cầu khấn của họ thành tiền, thành nhà, thành vàng và hãy cứ xin đi sẽ có. Phật chỉ là một trạng thái của sự từ bi, từ tâm và đương nhiên, ngài thường lánh xa chốn đông người, chốn thị phi. Có Phật nào ngồi trên đài sen nổi khi mà dưới chân ngàn vạn con người, ai cũng xin hết điều này tới điều kia. Điều mà đức Phật mang đến cho con người không phải là tiền bạc, tài lộc mà là trí huệ, là sự giác ngộ về bản thân, về lòng nhân từ và tâm linh.

Chùa là nơi gieo mầm nhân duyên với Phật pháp, lánh xa thế tục. Không phải là nơi chúng sinh ùn ùn kéo đến bon chen, xin xỏ đủ điều. Mấy ai đi chùa mà hiểu được điều này? 

Đức Phật không cần con người phải chăm chỉ nhang khói, cũng chẳng mong họ cúng kiếng lễ vật se sua làm gì, chỉ mong người ta tích đức và tu thiện. Đó mới là sự hướng tới sự từ bi và đạt được những trải nghiệm nhiệm màu.