ĐỜI SỐNG

Mì ăn liền Việt Nam có đang mất điểm trên trường quốc tế ?

Thúy Vy • 26-08-2022 • Lượt xem: 297
Mì ăn liền Việt Nam có đang mất điểm trên trường quốc tế ?

Việt Nam luôn đứng top những quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất trên thế giới. Các sản phẩm mì gói của Việt Nam luôn được lòng thực khách quốc tế bởi hương vị thơm ngon, đậm đà. Thế nhưng thời gian gần đây, nhiều vụ “phốt” về chất lượng những thương hiệu mì gói nước nhà, khiến dư luận không khỏi lo lắng.

Nhiều nước cảnh báo về thành phần độc hại trong mì ăn liền Việt Nam

Mới đây, ngày 23/8, hãng tin CNA của Đài Loan đã đưa tin về việc Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này đã phát hiện 1.440 kg mì ăn liền Omachi xuất xứ từ Việt Nam có chứa chất bảo vệ thực vật ethylene oxide chưa được cấp phép tại lãnh thổ nước này. Cụ thể, trong các gói gia vị của lô mì ăn liền vị tôm chua cay do Công ty TNHH Thiên Du nhập khẩu từ Việt Nam có 0,195 mg/kg chất ethylene oxide. Đến nay đã có tổng cộng 19 loại thực phẩm bị tiêu hủy hoặc được trả lại.

Tuy nhiên, về phía Công ty cổ phần Masan - nhà sản xuất thương hiệu Omachi, đã lên tiếng khẳng định Masan không xuất khẩu bất kỳ sản phẩm mì Omachi nào cho công ty TNHH Thiên Du ở Đài Loan, các sản phẩm xuất khẩu của công ty đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về chất lượng của những nước sở tại.

Trước đó, một vài quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) như Đức, Ba Lan,… đã thu hồi, trả lại và gửi cảnh báo về các sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, hương vị cà ri, bánh phở được nhập khẩu từ Việt Nam do các thương hiệu mì VIFON, Nguyễn Gia và Asiafoods sản xuất cũng vì chứa chất ethylene oxide vượt mức quy định của EU.

Bản tin Khmer Times của Campuchia cũng cho biết sau khi nhận được thông tin trên của EU, các cơ quan của Campuchia sẽ tiến hành kiểm tra, thu hồi, tiêu hủy và ngăn chặn ngay lập tức việc nhập khẩu các loại mì Việt Nam có chứa chất ethylene oxide tại nước này.

Sự thật về chất Ethylene Oxide

Được biết, chất ethylene oxide là hợp chất hữu cơ có hương thơm và có tính khử khuẩn cao. Trên thế giới, chất này được sử dụng nhằm mục đích khử khuẩn. Do đó nếu dùng trong một thời gian quá dài có thể gây ra ung thư.

Trên thực tế, các nước trên thế giới vẫn cho phép sử dụng chất này trong thực phẩm nhầm khử trùng, hun trùng và kiểm soát côn trùng trong những sản phẩm nông sản hay khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm như gia vị, các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu…Nhưng ở mỗi nước sẽ đặt ra quy định về hàm lượng khác nhau. Điển hình: Hoa Kỳ và Canada quy định 7 mg/kg, Hàn Quốc quy định 30 mg/kg, còn EU quy định trong khoảng 0,02 - 0,2 mg/kg hàm lượng Ethylene Oxide tùy theo sản phẩm. Tuy nhiên tại Việt Nam lại chưa có bất cứ quy định cụ thể nào về việc sử dụng chất này trong thực phẩm.

Các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền cần làm gì?

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền. Các sản phẩm phở ăn liền và mì ăn liền sản xuất tại nước ta đã có mặt ở hơn 40 thị trường trên thế giới. Qua nhiều năm cố gắng và phát triển, Việt Nam đang dần khẳng định vị thể của mình trong thị trường mì ăn liền quốc tế. Thế nhưng liên tục những cú “phốt” về mì gói trong thời gian qua đã vô tình khiến vị thế ấy “mất điểm” trong mắt người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Theo Bộ Công thương, để tình trạng này được hạn chế về mức tối thiểu, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dành nhiều thời tìm hiểu từng thị trường ở mỗi nước, những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, để đảm bảo luôn tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt ở những quốc gia khác nhau trước khi tiến hành xuất khẩu.