Duyên Dáng Việt Nam

Mua sắm có ý thức hơn với thời trang bền vững

Quyên Hà. • 17-09-2020 • Lượt xem: 2189
Mua sắm có ý thức hơn với thời trang bền vững

Trong một thế giới mà phong cách thời trang thay đổi chóng mặt như hiện nay và đặc biệt là sự có mặt của các hãng thời trang Fast Fashion tên tuổi thế giới như H&M, Zara và Uniqlo tại Việt Nam, người Việt đang ngày càng có nhiều sự lựa chọn mua sắm và cơ hội thay đổi phong cách để bắt kịp xu hướng thế giới.

Nhưng trong tất cả những phong cách và xu hướng mới ấy, có một xu hướng đang ngày một thịnh hành mà rất nhiều người trong chúng ta có thể chưa biết đến: thời trang bền vững. Vậy thì thời trang bền vững là gì và làm sao để bắt kịp nó, hãy cùng tìm hiểu khái niệm mới này.

Trước tiên, cần khẳng định, không có thứ gì gọi là bền vững 100% trong thời trang. Lý do đầu tiên là: khi chúng ta giặt quần áo, các sợ microfiber từ vải sẽ trôi theo nước ra môi trường. Giặt quần áo cũng ảnh hưởng tới môi trường với việc sử dụng nước và điện. Hơn nữa, phần lớn bột giặt đều không thân thiện với môi trường, bên cạnh số ít bột giặt có nguồn gốc từ thiên nhiên và được làm handmade.

Tuy nhiên, có rất nhiều cách bạn có thể học hỏi để có những hành động bền vững hơn với môi trường. Trước khi bắt đầu tìm hiểu tất cả những khía cạnh khác nhau mà bạn có có thể tìm hiểu dưới góc độ khách hàng, hãy xem xét những hành động bền vững từ cả hai phía: người tiêu dùng và thương hiệu.

Đối với các thương hiệu, bền vững thể hiện khi doanh nghiệp suy xét đến yếu tố con người và môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu lớn nhất là vận hành hệ thống kinh doanh mà không để lại hoặc hạn chế tối thiểu những ảnh hưởng xấu đến con người và môi trường.

Với chúng ta, những người tiêu dùng, bền vững là khi chúng ta suy nghĩ có ý thức về những gì mình mua, nhận thức rõ những triết lý chúng ta ủng hộ qua hành vi mua sắm. Quan trọng hơn cả, hãy hỏi bản thân mình rằng bạn có thực sự sẽ mặc món đồ mới đó trong khoảng thời gian đủ lâu, để xứng đáng với những gì con người và môi trường phải bỏ ra để làm ra nó hay không?

Vậy thì, chúng ta phải bắt đầu từ đâu, để tiếp cận với việc mua sắm có ý thức bền vững cho môi trường và con người?

Trao đổi quần áo

Khi bắt đầu với một trong những giải pháp tuyệt vời, và có lẽ là bền vững nhất trong thời trang này, bạn không chỉ trao cho những món đồ của mình một cuộc sống mới, mà những thứ bạn trao đổi còn cứu môi trường khỏi 2 món “rác” mới. Trước khi nghĩ đến việc mua một món đồ mới, hãy thử tìm kiếm trên các nhóm trao đổi và cho tặng đồ miễn phí trên Facebook.

Freecyle Sài Gòn, Freecycle, Freecycle HCM và Freecyle Hà Nội có thể nói là những nhóm trao tặng đồ hoạt động tích cực nhất trên mạng xã hội. Nếu có hứng thú trao đổi đồ vì môi trường, hãy thử tham gia xem sao.

Second Hand

Một giải pháp bền vững khác mà có lẽ nhiều người chúng ta cũng đã biết rõ hoặc đang áp dụng trong cuộc sống của mình chính là hàng second-hand hay đồ thanh lý, đồ cũ.

Tuy rằng việc chúng ta mua những món đồ này sẽ giảm thiểu rác thải ra môi trường khi nhà sản xuất không phải sản xuất ra thêm một món đồ mới để phục vụ chúng ta.

Mặt khác, mua đồ cũ cũng có thể thúc đẩy hành động mua sắm thiếu ý thức của người bán. Vì khi đồ cũ được thanh lý dễ dàng thì người bán cũng có thể cho mình lý do để liên tục sắm đồ mới và thúc đẩy sự phát triển của fast fashion hay thời trang nhanh.

Nếu có thể, hãy mua những món đồ second-hand cao cấp hay vintage, tuy giá của chúng không hề rẻ, nhưng giá trị của chúng thực sự đáng đồng tiền bát gạo. Điểm cộng là bạn sẽ dùng chúng lâu hơn nhiều những món đồ rẻ tiền kia. Có thể bạn còn tìm được “món hời” nữa chứ. Nhiều người đã mua được đồ hiệu thanh lý và còn bán lại chúng sau quá trình sử dụng và bảo quản cẩn thận đấy.

Thời trang “chậm”

Điểm cộng của thời trang chậm là thân thiện với môi trường, bằng cách sản xuất ít đồ mới hơn.

Điểm trừ duy nhất của nó có lẽ là bạn sẽ sở hữu món đồ trong thời gian dài và ví thế khá là khó ứng dụng khi gu của bạn thay đổi.

Hãy nhớ rằng chất lượng chính là chìa khóa, hãy dành thời gian để thực sự suy nghĩ xem món đồ có phù hợp với phong cách của bạn không, và bạn sẽ mặc được nó trong thời gian lâu hơn. Tốt hơn hết là bắt đầu với những món cơ bản. Nếu có gì đó bị hỏng như khóa kéo, khuy áo hay đứt chỉ, hãy nghĩ cách sửa nó thay vì ném đi ngay lập tức.

Thời trang công bằng

Triết lý cơ bản của thời trang công bằng hay “fair fashion” có thể đơn giản hóa là làm sao để các công ty thời trang trả một mức lương công bằng cho nhân viên và đặc biệt là công nhân của mình, những người làm việc trong các nhà máy của họ.

Những nhà máy này thường được đặt tại các nước đang phát triển và kém phát triển và mức lương của họ thường không đủ chi trả tiền học cho con và không đủ sống. Nếu nhận được mức lương công bằng hơn, giáo dục sẽ phát triển và trực tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.

Có thể nói, nếu mọi người đều được nhận một mức lương đủ sống, thế giới sẽ hạnh phúc hơn, ít xung đột hơn và nền hòa bình sẽ ngày càng phát triển.

Nhưng làm thế nào chúng ta biết được đâu là một thương hiệu thời trang công bằng, hay bền vững? Hiện nay có nhiều tổ chức vì môi trường uy tín, có khả năng thẩm định và cung cấp các chứng chỉ cho thương hiệu. Nhưng những chứng chỉ này có thể gây hiểu lầm và mang nhiều ý nghĩa hơn những gì khách hàng mong đợi.

Thêm vào đó, nhiều thương hiệu thời trang nhỏ và thực sự bền vững không đủ điều kiện để đạt được những chứng chỉ này, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không bền vững.

Hãy thử tìm kiếm trên website để xem những gì thương hiệu nói về mình trong phần Triết lý kinh doanh, kiểm tra trên những kênh truyền thông của họ và cuối cùng bạn luôn có thể hỏi trực tiếp thương hiệu. Nếu sau tất cả bạn không tìm được câu trả lời, thì có lẽ đó là một tín hiệu xấu.

Thời trang “thuần chay”

Thời trang thuần chay thân thiện với môi trường vì nó giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường do môi trường gây ra.

Với những nhãn hiệu thời trang này, bạn ngăn ngừa việc giết hại động vật trong quá trình sản xuất ra các món đồ thời trang cho bạn.

Tuy nhiên, khi các nhãn hiệu sử dụng nhựa hoặc các  loại sợi không phân hủy sinh học khác để thay thế cho các chất liệu từ động vật thì những chất liệu này cuối cùng lại trở thành rác sau một khoảng thời gian sử dụng ngắn. Và việc trực tiếp góp phần làm nghiêm trọng hơn vấn đề ô nhiễm môi trường.

Giải pháp là, hãy tìm kiếm những vật liệu cải tiến như pinatex, lenzing tencil, cork, seacell, mycowork, sử dụng những chất liệu dễ tái chế.

Thời trang địa phương

Hãy hạn chế những dấu chân carbon của bạn, vì việc vận chuyển vải vóc, nguyên vật liệ và quần áo đang thải ra một lượng CO2 lớn cho môi trường, và lượng carbon này hoàn toàn có thể được hạn chế bằng cách giảm thiểu khoảng cách trong hoạt động sản xuất và phân phối.

Nhược điểm của sự lựa chọn thời trang địa phương là nếu bạn muốn có tác động tích cực tới điều kiện làm việc của công nhân tại các nước đang phát triển thì đây rõ ràng không phải là cách. Vì điều này có nghĩa là các thương hiệu thời trang quốc tế mà Việt Nam đang nhập khẩu và phân phối sẽ bị giảm doanh thu, đồng nghĩa với việc cắt giảm công việc của công nhân tại các nước họ đặt nhà máy kia.

Nhưng nếu bạn vẫn chọn ủng hộ thời trang trong nước, hãy thận trọng và đặt câu hỏi về nguồn gốc xuất xứ thật sự của chúng. Một món đồ thời trang “made in Việt Nam” rất có thể không hề được sản xuất ra tại Việt Nam, mà có thể lại là từ Trung Quốc chẳng hạn. Hãy là người tiêu dùng thông thái và tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ủng hộ thời trang nước nhà bạn nhé.