Duyên Dáng Việt Nam

Nghệ sĩ Thanh Thủy – An yên với chính mình

Tuấn Tuấn • 06-07-2020 • Lượt xem: 4191
Nghệ sĩ Thanh Thủy – An yên với chính mình

Sinh trưởng trong một gia đình công chức, bản thân mơ ước được đứng trên bục giảng nhưng Thanh Thủy lại theo học đạo diễn và được nhiều khán giả biết đến với vai trò là một diễn viên. 

Ngã rẽ từ bục giảng lên sân khấu với Thanh Thủy không chỉ là một cái duyên mà còn mang đến cho cô nhiều trải nghiệm lý thú khi được hòa mình cùng các vai diễn.

Từng bỏ nghề diễn, mở tiệm giày kiếm sống

Sau khi tốt nghiệp đạo diễn tại Trường Nghệ Thuật Sân khấu 2, không như nhiều bạn bè vội vã tìm kiếm cơ hội, Thanh Thủy chọn ở lại trường làm giáo viên trợ giảng. Thời gian sau, song hành với công việc này, chị bắt đầu đi diễn kịch, đóng phim nhưng cũng không kéo dài được bao lâu vì kinh tế lúc ấy khá khó khăn, sân khấu lại rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Cũng chính lúc này, Thanh Thủy quyết định bỏ nghề và mở tiệm bán giày trên đường Cống Quỳnh nhằm tìm kiếm nguồn thu nhập ổn định. 


Thanh Thủy thời “cây đàn sinh viên”.

Bỏ nghề được hai năm, Thanh Thủy cảm thấy nhớ nghề da diết để rồi cuối cùng cô cũng quyết quay lại cũng vì niềm đam mê quá lớn. So với nhiều đồng nghiệp cùng thời, Thanh Thủy có phần “đi lên” chậm hơn trong khi những người bạn của cô như Hồng Vân, Hồng Đào, Minh Nhí, … đã bắt đầu có tiếng. Tuy nhiên, lúc này cô cũng đã có gia đình lại thêm con nhỏ phần nào cản trở gây khó khăn cho Thanh Thủy. Nhưng chính sức mạnh tiềm tàng bên trong người phụ nữ lẫn sự cố gắng không ngừng nghỉ đã đưa chị quay trở lại với nghề một cách ngoạn mục.

Chọn Nhà hát kịch – Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần làm bến đỗ, Thanh Thủy được xuất hiện trong nhiều vở kịch của nhà hát này như “Sợi dây đay”, “Hoa xuyến chi”, “Trái tim người lính”, … Được một thời gian, Thanh Thủy chuyển sang cộng tác với sân khấu kịch IDECAF. Tại đây, nữ diễn viên được phát huy hết khả năng của mình khi không chỉ diễn xuất mà còn đảm nhận vai trò đạo diễn đúng với nghề nghiệp của bản thân. Một số vở do Thanh Thủy làm đạo diễn như “Ả cave nhà hàng Maxim”, “Chuyện làng Ung”, “Bão tố ngoài khơi”, … đều là những vở rất ăn khách và thành công. Một trong số đó, vở “Tiếng vạc sành” do Thanh Thủy làm đạo diễn cũng đã mang về cho cô giải thưởng “Đạo diễn sân khấu” nằm trong khuôn khổ của giải Mai Vàng 2003.


“Tiếng vạc sành” – Vở diễn lấy nhiều nước mắt của khán giả và mang về giải thưởng Mai Vàng cho Thanh Thủy trong vai trò đạo diễn.

Không những gắn liền với những vai diễn trên sân khấu kịch nói, Thanh Thủy còn là một người bạn tuổi thơ của nhiều thế hệ thiếu nhi khác nhau qua chương trình “Chuyện ngày xưa”. Đảm nhận nhân vật chị Két Lala, Thanh Thủy cùng NSƯT Thành Lộc, Bạch Long, Hoàng Trinh, Đình Toàn tạo thành nhóm “Líu lo” mang đến cho các em nhỏ những bài học đạo đức thông qua những câu chuyện mà nhóm kể. 

Ngoài là một món ăn tinh thần dành cho các em nhỏ, “Chuyện ngày xưa” còn tạo thành cơn sốt truyền hình khi được nhiều khán giả yêu thích và đón xem. Không những vậy, chương trình còn đưa tên tuổi của các thành viên nhóm “Líu lo” trong đó có Thanh Thủy đến gần hơn với công chúng.


Trong vai chị Két Lala, Thanh Thủy và nhóm “Líu lo” như một phần tuổi thơ của các em nhỏ.

Bước sang lĩnh vực điện ảnh, Thanh Thủy vô cùng đắc show khi liên tiếp nhận được rất nhiều lời mời tham gia phim. Bất ngờ hơn nữa, các vai diễn của cô từ trước đến nay đa phần là các vai diễn về người mẹ. Bên cạnh những vai diễn này, người giúp việc Mai Liên trong bộ phim truyền hình “Người mẹ nhí” (đạo diễn Minh Chung) là vai diễn để lại nhiều ấn tượng trong mắt khán giả qua những tình huống dở khóc dở cười mà Thanh Thủy mang lại. Nếu kịch nói mang Thanh Thủy quay trở lại với nghề thì phim truyền hình chính là đòn bẩy đắc lực đưa tên tuổi nữ diễn viên được nhiều người biết đến hơn.


Với gương mặt phúc hậu, giọng nói tình cảm cùng nét chất phác miền Nam, Thanh Thủy nhận được rất nhiều lời mời làm mẹ trong các bộ phim truyền hình.

Ở một góc nhìn đa chiều, Thanh Thủy là một nghệ sĩ đa tài khi năng lực diễn xuất của cô không chỉ gói gọn trong phạm vi kịch người lớn mà còn cả kịch thiếu nhi. Không những thế, cô còn làm đạo diễn sân khấu, diễn hài, lấn sân sang lĩnh vực phim truyền hình và đôi khi khán giả còn bắt gặp Thanh Thủy ở vai trò người dẫn chương trình. 

Dù mỗi vai trò đều mang đến những hình ảnh, những màu sắc khác nhau nhưng kịch nói mới chính là lĩnh vực giúp Thanh Thủy chiếm trọn trái tim khán giả và mang về nhiều thành công cho cô. Những vai diễn như Đông Nghi trong vở “Xóm nhỏ Sài Gòn”, cô gái điếm Sương trong vở “Cánh đồng bất tận”, Thái hậu Nguyễn Thị Anh đầy tham vọng trong vở “Bí mật vườn Lệ Chi” hay nữ thần Lee Kim Chi trong vở “Huyền thoại Lee Kim Chi”, … đều là những vai diễn để lại rất nhiều ấn tượng cho người xem. 

Bên cạnh đó, khả năng diễn xuất tuyệt vời từ bi cho đến hài hay những nhân vật đòi hỏi sức nặng về tâm lý Thanh Thủy đều làm rất tốt và xuất thần đến từng giây phút cuối. Do đó, công chúng ưu ái gọi chị là “nghệ sĩ của muôn mặt”. Bất cứ “mặt” nào chị cũng “chơi” hết mình, không hề phân biệt là vai phụ hay vai chính. Miễn là nhân vật có đất diễn, Thanh Thủy sẽ chơi hết mình.


Những cống hiến của Thanh Thủy được công chúng đánh giá và nhìn nhận qua các giải thưởng danh giá.

Hi sinh hết mình cho nghệ thuật sân khấu, Thanh Thủy còn được giới chuyên môn và khán giả ghi nhận qua các giải thưởng như Huy chương vàng “Liên hoan sân khấu mùa thu 1998”, 4 lần đoạt giải Mai Vàng, 2 lần đoạt giải HTV Awards và gần đây nhất là Huy chương Vàng “Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018”. Tất cả những giải thưởng này đều hoàn toàn xứng đáng với những gì Thanh Thủy đã nỗ lực trong suốt nhiều năm làm nghề. 

Thành công là thế nhưng chị lại là một người có lối sống giản dị, không khoa trương vật chất hay chạy theo cuộc đua hào nhoáng của giới nghệ sĩ. Đổi lại, Thanh Thủy hài lòng với tất cả những gì mình đã có, cô chăm lo cho gia đình và làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ cùng với trách nhiệm làm nghề của một người nghệ sĩ chân chính.

Muôn mặt sân khấu, đời sống “một màu”

Với khả năng biến hóa đa dạng cùng nhiều thể loại vai diễn khác nhau nhưng Thanh Thủy ngoài đời lại có tính cách trái ngược hoàn toàn khi bước lên sân khấu. Tấm màn nhung khép lại cũng là lúc chị trở về với cuộc sống thường nhật. Đằng sau đó không phải là ánh hào quang chói lóa mà là một Thanh Thủy tự nhận mình là người tẻ nhạt, đơn điệu, đôi khi lại cô đơn. 

Nhiều khán giả cũng thắc mắc về điều này, bởi với họ cuộc sống của người nghệ sĩ trên sân khấu và ngoài đời không khác nhau là bao. Những thể hiện mà khán giả nhìn thấy qua các vai diễn ít nhiều cũng phản chiếu một phần con người thật của người nghệ sĩ. Riêng với Thanh Thủy, điều này vốn dĩ không hề tồn tại mà trái lại đó là những quy tắc ngầm mà chị đặt ra cho bản thân có phần khác biệt với đời sống của người nghệ sĩ.


Thanh Thủy từng được hai đàn anh thân thiết là NSƯT Thành Lộc và diễn viên Huỳnh Anh Tuấn nhận xét “Chỉ giỏi trên 4 mét vuông sân khấu, còn ngoài đời thì là số không”.

Thanh Thủy phân chia rất rạch ròi giữa tính cách con người mình ở ngoài đời và trên sân khấu. Với chị, trên sân khấu mình có thể lăn xả hết mình, vừa khóc vừa cười, miễn làm cho khán giả hài lòng và nhận về những tràng pháo tay tán thưởng. Còn khi trở về, chị trở thành một người phụ nữ đích thực dành cho gia đình, chăm lo chu toàn mọi thứ chứ cũng chẳng đem cái tôi của người nghệ sĩ để sống như một bà hoàng.

Trong suy nghĩ của mình, Thanh Thủy mặc định người nổi tiếng cũng giống như người bình thường, chẳng qua họ được nhiều người biết đến nên đôi khi “bị oan” bởi đời tư được đem ra mổ xẻ một cách dễ dàng. Bởi thế, chị luôn tìm cách bảo bọc đời tư bản thân, nhất là gia đình, không phô bày quá nhiều trước các phương tiện truyền thông. 

Cũng bởi chính điều này, đời sống hôn nhân của Thanh Thủy được rất nhiều người ngưỡng mộ. Đến nay dù đã trải qua hơn 20 năm nhưng gia đình chị vẫn đầm ấm bên nhau vui vẻ và hạnh phúc. Theo Thanh Thủy, gia đình chính là điểm tựa của bản thân để chị hăng say làm nghề và thăng hoa hơn trong công việc. Dù đôi lúc có những khó khăn xen lẫn những áp lực nhưng mỗi khi về nhà được nhìn thấy cả nhà quay quần bên nhau mọi thứ dường như được xua tan, lấp đầy bằng niềm vui gia đình. 

Ngoài ra, Thanh Thủy còn biết cách giữ lửa hôn nhân để đời sống vợ chồng luôn đong đầy hạnh phúc. Còn khi có những quan điểm lẫn cái tôi chưa dung hòa nhau, chị cũng sẵn sàng nhịn chồng mình. “Một sự nhịn chín sự lành” - Đó là cách mà Thanh Thủy giữ lửa cho hôn nhân của mình hơn 20 năm nay.


Thanh Thủy muốn khán giả nhớ đến mình qua các vai diễn chứ không phải những câu chuyện đời tư. 

Hiện tại, ngoài công việc của một diễn viên, Thanh Thủy còn chuyên tâm đào tạo thế hệ các diễn viên trẻ. Với những kinh nghiệm quý báu cùng những thành công bản thân đã đạt được, chị mong muốn sẽ đào tạo ra một thế hệ diễn viên tiếp theo sẽ kế thừa và phát huy nền nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh đó, công việc này cũng mang lại cho chị rất nhiều niềm vui.


Thanh Thủy còn tham gia làm giám khảo và huấn luyện viên cho một số chương trình về diễn xuất với mong muốn truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ mai sau.

Ở độ tuổi 50, Thanh Thủy vẫn tràn đầy sức sống, luôn mang đến những điều tích cực đối với mọi người xung quanh. Dù đã trải qua ít nhiều thăng trầm trong cuộc sống lẫn sự nghiệp nhưng tình yêu với sân khấu luôn rực lửa trong tim Thanh Thủy. Chị vẫn ngày ngày hết mình với công việc, với vai diễn, duy chỉ có điều công chúng thấy ở chị là một Thanh Thủy “gừng càng già càng cay” qua mỗi lần xuất hiện. 

Với Thanh Thủy, thành công bây giờ không còn là những thứ gì đó quá lớn lao mà chỉ đơn giản là những niềm vui xen lẫn nụ cười cùng những giây phút an yên bên cạnh gia đình, người thân. Chính những điều đó, sẽ là thứ vũ khí tiếp thêm động lực để Thanh Thủy tiếp tục “chạy” với nghề không chỉ là một năm hay hai năm mà còn thêm nhiều năm về sau nữa.