ĐỜI SỐNG

Người dân đi bộ trên lòng sông Đà cạn đáy, lo cảnh 'mất trắng' vì thiếu nước

Ngân Nguyễn • 15-06-2023 • Lượt xem: 1297
Người dân đi bộ trên lòng sông Đà cạn đáy,  lo cảnh 'mất trắng' vì thiếu nước

Người dân làng Vạn Chài (Hòa Bình) không khỏi bất ngờ khi chứng kiến mực nước ngày càng xuống thấp ở sông Đà. Thậm chí, họ còn có thể đi được dưới đáy con sông này.

Hồ Hòa Bình là nơi cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình - công trình thủy điện lớn thứ 2 Việt Nam và cũng là một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á với công suất 1.920 MW. Theo ghi nhận tại hiện trường, mực nước của nơi nàng đang giảm ở mức rất sâu. Ngay cả ở phía hạ lưu, tình hình cũng chẳng mấy khả quan. Mực nước giảm sâu đến mức lộ ra những bãi cát sỏi ven bờ làm tàu thuyền khó di chuyển, chỉ còn cách neo đậu tại chỗ.

Đi bộ trên lòng sông Đà

Cách chân đập Nhà máy thủy điện Hòa Bình 5km là khu vực sông Đà. Người dân làng Vạn Chài, phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình cạnh con sông giờ đã có thể đi dọc lòng sông Đà để nhặt từng khúc củi. Ông An - một người dân tại đây cho biết: "Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay, đây là lần thứ hai tôi được đi bộ trên lòng sông Đà. Lần đầu tiên là vào những năm 80 của thế kỷ XX, khi ngăn dòng để xây dựng Nhà máy thủy điện Hoà Bình, người dân có thể đi bộ từ bờ bên này sang bờ bên kia. Sau khi nhà máy khánh thành (năm 1994) gia đình tôi chuyển xuống sinh sống ở làng chài, hàng chục năm qua đi, hôm nay lại được đi bộ giữa lòng sông''.

Theo lời ông An, đây là lần mà mức nước sông Đà xuống thấp nhất, kể từ sau khi nhà máy thủy điện đi vào hoạt động. Ông An cảm thán: "Mực nước sông sâu nhất hiện tại chỉ được khoảng 4-5m, tôi chưa bao giờ thấy cạn như thế cả".


Được biết, làng Vạn Chài có hơn 50 hộ dân đang sống bằng nghề nuôi trồng thuỷ sản. Hiện tại, nước sông đã giảm nhiều nhưng vẫn chưa ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân. Tuy nhiên, nếu nước quá cạn hoặc lên quá nhanh thì đàn cá sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Ông An bày tỏ sự lo lắng với phóng viên: "Hôm trước nghe truyền hình đưa tin, hồ Hòa Bình cũng sắp đến mực nước chết, chỉ có thể duy trì phát điện đến ngày 13/6, chúng tôi lo lắm. Vài hôm nữa hết nước, lòng sông cạn thêm, lồng cá chạm đáy bùn thì cá chết hết, không cứu nổi đâu, sẽ mất trắng".


Chật vật thiếu nước nơi đầu nguồn

Việc thiếu nước khiến cuộc sống của người dân vô cùng chật vật vì ảnh hưởng rất nhiều đến việc nuôi cá. Thiếu nước dẫn đến việc cá thiếu ôxy nên cá thường nhảy lộn hết cả lên mặt nước rồi bỏ ăn. Người dân không khỏi lo lắng.

Có nhiều gia đình vẫn sống trên nhà nổi. Những hôm nước cạn thì nhà nào cũng lên bờ, người dân phải hỗ trợ nhau kéo nhà ra sông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngôi nhà chưa kịp kéo nên giờ vẫn còn bị “mắc cạn". 

Một người dân cho biết: "Vài căn nhà chưa kịp kéo nên giờ vẫn còn trên bờ. Nói là bờ vì không có nước chứ thật ra đó là lòng sông. Tôi sống ở đây từ năm 1978, đến nay đã gần nửa thế kỷ rồi nhưng đây là mức nước cạn nhất của sông Đà".


Nỗi lo chung của người dân tại đây chính là vài hôm nữa hồ Hòa Bình về mực nước chết, không còn đủ nước để phát điện. Điều đó đồng nghĩa với việc không có nước về hạ lưu, đàn cá khi ấy sẽ có nguy cơ nổi trắng bụng.

Một người dân làng Vạn Chài xúc động: "Giờ chúng tôi bán được bao nhiêu thì bán thôi. Mình ở đầu nguồn đã chật vật vì thiếu nước thế này rồi thì bà con dưới hạ lưu vất vả nhường nào. Mấy hôm nay nghe thời sự khắp nơi thiếu điện, thiếu nước mình thương lắm, chỉ mong vài hôm nữa mưa lớn, nước về sông hồ nhiều cho bà con đỡ vất vả”.