Giá cả thị trường ngày càng trở lên đắt đỏ, nhu cầu tiêu dùng gia tăng khiến các bạn trẻ cảm thấy hoang mang, lo lắng khi ngân sách dần cạn kiệt dù chỉ mới trải qua mấy ngày đầu tháng. Bài toán khó đặt ra là việc chi tiêu bao nhiêu, chi tiêu như thế nào là hợp lý. Quy tắc 50/30/20 là một trong những cách giúp các bạn thiết lập kế hoạch ngân sách đơn giản, hiệu quả.
Ngày nay, nhiều bạn trẻ cảm thấy loay hoay trong việc quản lý thu chi cá nhân dẫn đến tình trạng làm ra đến đâu tiêu xài hết đến đó, lương tháng này bù nợ cho tháng trước, “cháy túi” mà không hiểu mình đã mua những gì. Vậy giải pháp nào đặt ra giúp chúng ta cân bằng mức thu chi để đạt hiệu quả?
Nguyên tắc 50/30/20 được đề cập trong cuốn sách với tựa đề “All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan” viết bởi thượng sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Ann Warren và con gái là Amelia Warren Tyagi. Nguyên tắc được áp dụng cho những người có nguồn thu nhập và mức chi tiêu sinh hoạt ổn định từng tháng, không có những khoản nợ quá tầm.
Nguyên tắc này chia thu nhập của bạn thành 3 nhóm chính:
- 50% thu nhập dành cho nhu cầu thiết yếu
- 30% thu nhập dành cho nhu cầu cá nhân
- 20% thu nhập dành cho tích lũy, đầu tư
Sử dụng 50% thu nhập của bạn cho các nhu cầu thiết yếu
Ví dụ bạn có mức lương 10 triệu/ tháng thì 50% của số tiền này là 5 triệu. Số tiền này sẽ dùng chi tiêu cho những danh mục bắt buộc, thiết yếu của cuộc sống có thể kể đến như tiền thuê nhà, điện nước , wife, chi phí di chuyển, phương tiện đi lại, chi phí ăn uống,…
Đây là danh mục quan trọng đáp ứng nhu cầu sống cơ bản khó có thể cắt giảm. Nếu những khoản chi phí trên vượt quá 50% thu nhập thì bạn lên cân nhắc các phương án thay thế sao cho phù hợp. Ví dụ như thay vì thuê nhà nguyên căn giá cao chúng ta có thể ở ghép, ở chung với gia đình, bạn bè, với những quãng đường di chuyển ngắn thay vì đi xe máy hao tốn xăng, nhiên liệu chúng ta có thể chuyển qua đi xe đạp vừa tiết kiệm vừa rèn luyện cơ thể, hoặc thay vì đi ăn bên ngoài chúng ta có thể mua đồ về nấu ăn vừa đảm bảo vệ sinh, vừa đảm bảo sức khỏe ,…Tùy từng môi trường và nhu cầu sống của mỗi người, bạn sẽ có được kế hoạch cân bằng, hợp lý.
Sử dụng 30% thu nhập của bạn cho các nhu cầu cá nhân
Nguyên tắc này không yêu cầu bạn phải quá gò bó trong cuộc sống khô khan, tẻ nhạt, nhàm chán. Bạn vẫn có 30% số tiền trên tổng thu nhập để thỏa mãn cho những sở thích như mua sắm, skincare, du lịch, cà phê hội họp bạn bè,… giúp giải tỏa áp lực sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Đây là những nhu cầu chính đáng và cần thiết trong cuộc sống của mỗi người. Và 30% này là một con số vừa đủ, tương đối hợp lý. Nó giúp cho những cô nàng cuồng shopping, những bạn trẻ “vung tay quá trán” cho những khoản chi lãng phí biết cách tiết chế hơn, có “điểm dừng” và tự chủ động hơn trong việc quản lý tài chính của mình.
Cất giữ 20% thu nhập để tiết kiệm và đầu tư
Cuộc sống luôn biến đổi, có nhiều vấn đề không thể lường trước đột ngột xảy ra khiến bạn trở tay không kịp như dịch bệnh, thiên tai, ốm đau... Đơn cử như năm 2019- 2021 vừa qua, nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng thất nghiệp do đại dịch COVID, nếu không có số tiền tiết kiệm cuộc sống của chúng ta sẽ trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Nên khoản tiền tích lũy này là vô cùng cần thiết, giúp chúng ta xoay sở được để vượt qua tình trạng đó. Vì vậy việc dành ra 20% thu nhập để tiết kiệm sẽ giúp bạn luôn trong tâm thế chủ động ứng phó với những gì sắp diễn ra. Để tránh những cám dỗ khiến bạn rút số tiền này ra sử dụng, bạn có thể cất chúng trong sổ tiết kiệm, bỏ ống heo và “niêm phong” chúng lại, chỉ mở ra khi thật sự cần thiết. Số tiền này có thể giúp bạn phát triển những kế hoạch tài chính dài hạn trong tương lai hoặc tiết kiệm để kết hôn, sinh con, mua nhà,…
Để thực hiện được nguyên tắc này bạn cần phải ngồi lại làm Bảng kế hoạch tài chính nghĩa là lên danh sách liệt kê những danh mục mà mình sẽ chi tiêu hàng tháng một cách cụ thể, rõ ràng. Ưu tiên những khoản chi phí bắt buộc, cần thiết, cắt giảm đi những khoản gây lãng phí. Đặt ra mục tiêu cá nhân như kết hôn vào năm bao nhiêu tuổi, khi nào sinh con, khi nào mua nhà tậu xe,… để có động lực tiết kiệm hơn, tối ưu hóa được chi phí, tận dụng được tối đa số tiền của mình.
Mỗi chúng ta đều có những nhu cầu tiêu dùng khác nhau, có những hoạch định tài chính riêng. Và quy tắc 50/30/20 rất hữu ích, sẽ là chìa khóa giúp bạn quản lý chi tiêu một sách rõ ràng, rành mạch để đạt được mục tiêu một cách nhanh nhất. Là cơ sở để bạn gói gọn chi tiêu trong những khoản cho phép, phân bổ các khoản tiền mà mình có một cách hợp lý. Điều đó giúp bạn thiết lập thói quen chi tiêu có hệ thống để tránh được những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống:
“Không quan trọng là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà quan trọng là bạn giữ được bao nhiêu tiền, làm thế nào để tiền phục vụ bạn và để tiền có thể sinh thêm tiền” - Robert Kiyosaki