ĐỜI SỐNG

Những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú và bí ẩn trên Trái Đất

Cẩm Chi • 15-03-2023 • Lượt xem: 1203
Những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú và bí ẩn trên Trái Đất

Cực quang, mặt trời giả, vòi rồng hay bong bóng băng đều là những hiện tượng thiên nhiên đem đến sự hiếu kỳ và ngạc nhiên cho con người suốt nhiều thế kỷ qua. Một số hiện tượng còn là lời cảnh báo về thực trạng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới môi trường sống.

Vòi rồng

Vòi rồng hay còn gọi là lốc xoáy là một cột khí xoáy dữ dội hút từ bề mặt đất lên đám mây tích vũ, tạo thành hình phễu di động. Nó được hình thành khi một khối không khí nóng và ẩm di chuyển ở dưới một khối không khí lạnh khô, không khí nóng sẽ chuyển động rất mạnh và có khả năng làm xuất hiện những xoáy khí. Với vận tốc gió rất cao, lên tới 120-150km/h, nó có thể cuốn theo mọi thứ trong quá trình di chuyển.

Có 2 loại vòi rồng thường thấy. Vòi rồng không khí có hình thù như cột nước, màu đen hoặc trắng, phát triển từ một cơn dông rất mạnh tạo nên. Đôi khi nó sinh ra từ một dải gió giật mạnh hay từ một cơn bão. Vòi rồng lửa (lốc xoáy lửa) bắt nguồn từ những vụ cháy rừng lớn với chiều dài từ 10m đến 50m. Khi gió xoáy cao dần và hút lửa lên cùng, đường kính của nó bắt đầu co lại, tốc độ xoáy nhanh hơn.

Vòi rồng gây nhiều thiệt hại về người và phá tan mùa màng, ngôi nhà. Sự xuất hiện ngày càng thất thường của vòi rồng chính là báo động về biến đổi khí hậu khi nhiệt độ khí quyển tăng cao.  

Mặt trời giả

Khi bạn thấy 3 mặt trời cùng lúc thì đó là lúc hiện trượng mặt trời giả xảy ra. Đây là một hiện tượng khí quyển, là các đốm sáng, thường thấy trên các cạnh của quầng bên cạnh Mặt Trời.

Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ thấp hơn -30 độ C, không khí có nhiều hơi nước, khi ánh sáng Mặt Trời trên cao đi qua các tinh thể băng trong không khí. Những tinh thể này tác dụng như những lăng kính, làm bẻ cong các tia sáng đi qua chúng. Khi các tinh thể rơi trong không khí, chúng bị canh thẳng đứng, làm khúc xạ ánh sáng mặt trời theo phương ngang nên mặt trời giả xuất hiện. Vì vậy, ngoài Mặt Trời thật ở vị trí trung tâm, người quan sát còn nhìn thấy hình ảnh phản chiếu ở hai bên.

Người Hi Lạp cổ đại đã nhận ra rằng mặt trời giả là điềm báo mưa khá chính xác.

Cầu vồng lửa

Cầu vồng lửa vắt ngang qua bầu trời (vòng cung tròn chân trời) là hiện tượng quang học và nó thuộc loại hào quang. Theo Mother Nature Network, hiện tượng này hình thành từ sự khúc xạ của ánh sáng Mặt Trời, đôi khi là Mặt Trăng, qua các tinh thể băng đá lơ lửng trong không khí, điển hình là trong các đám mây ti hoặc mây ti tầng.

Ở dạng đầy đủ thì cầu vồng lửa xuất hiện mang theo một dải màu lớn, phổ màu rực rỡ chạy song song với đường chân trời và nằm xa bên dưới Mặt Trời hoặc Mặt Trăng. Mặt Trời khi đó phải ở vị trí rất cao, khoảng 58 độ so với đường chân trời hoặc cao hơn.

Cầu vồng lửa được cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) gọi là mây ngũ sắc. Họ cho rằng hiện tượng này tương đối hiếm, chỉ xảy ra khi các đám mây mang nhiều giọt nước có kích thước gần như đồng nhất. Những đám mây này làm nhiễu xạ hoặc bẻ cong ánh sáng, khiến ánh sáng chiếu theo các bước sóng, hoặc màu sắc khác nhau. Vì thế, mây ngũ sắc có màu giống cầu vồng, và cũng tạo ra dải màu đa dạng, gồm xanh da trời, xanh lá cây, đỏ.

Bong bóng đóng băng

Bong bóng băng thực chất là những khí metan được nén lại trong hồ đóng băng. Dù là một hiện tượng tự nhiên đáng kinh ngạc, nhưng chúng có thể gây nguy hiểm. Khí mê-tan là một loại khí nhà kính và nó nguy hiểm hơn khí cacbonic.

Khí mê-tan được tạo ra ở hàng nghìn hồ trên khắp Bắc Cực là biểu hiện dự đoán các vấn đề môi trường trong tương lai, vì khi nhiệt độ tăng lên trên khắp thế giới, nhiều lớp băng vĩnh cửu tan chảy hơn, cho phép các chất hữu cơ đông lạnh tan băng.

Điều này làm tăng giải phóng khí mê-tan vào bầu khí quyển của Trái đất. Đây là một sự thay đổi đáng lo ngại đối với các nhà khoa học khí hậu, vì khí mê-tan làm tăng nhiệt độ nóng lên nhiều.

Cực quang

Trong số các hiện tượng kỳ lạ bí ẩn của thiên nhiên, cực quang có lẽ là hiện tượng hiếm hoi không gây hại và được khai thác trong các tour du lịch đắt đỏ.

Cực quang là hiện tượng quang học, được sinh ra do bức xạ từ - sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh. Khi xảy ra cực quang, bầu trời sẽ xuất hiện những dải lụa màu sắc rực rỡ và huyền ảo. Nếu may mắn bạn sẽ chứng kiến hiện tượng hiếm hoi này trong khoảng vài phút cho đến cả giờ đồng hồ. Nó thường diễn ra từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 4 vào những đêm trời quang, lạnh buốt.

Cực quang là một trong những hiện tượng thiên văn thú vị được nhiều người chờ đón mỗi năm. Du lịch cực quang đang được nhiều tín đồ mê khám phá lựa chọn ở các khu vực có khí hậu cực lạnh và ở vĩ độ thấp như Iceland, Scotland, Na Uy, Phần Lan, Canada, Alaska (Mỹ), Nga…Họ thường cắm trại và ngủ qua đêm ở khu vực yên tĩnh để có cơ hội chiêm ngưỡng màn biểu diễn ánh sáng kỳ ảo của bầu trời.