Duyên Dáng Việt Nam

Những hoạt động thú vị giúp trẻ thư giãn sau chuỗi ngày học hành căng thẳng

Hà My • 03-12-2020 • Lượt xem: 1240
Những hoạt động thú vị giúp trẻ thư giãn sau chuỗi ngày học hành căng thẳng

Tranh vẽ của bé Hương Giang, một học sinh lớp 1 tại TP Biên Hòa

Cuối tuần hoặc những ngày nghỉ luôn là khoảng thời gian người lớn muốn được thư giãn, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Trái lại, lũ trẻ lại luôn “tràn đầy năng lượng”, chúng hoạt động không ngừng nghỉ. Vì vậy, là bố mẹ, hãy để chúng được ‘bận rộn” với những hoạt động hữu ích.

Đừng chỉ vứt cho chúng chiếc remote tivi hay Ipad, bởi, sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử trong một ngày chỉ khiến trẻ trở nên mụ mẫm, ù lỳ. Hãy gợi ý cho chúng những trò chơi, những hoạt động vừa chơi, vừa học và có thể phát huy tối đa sự sáng tạo của trẻ.

DDVN xin gợi ý các bố mẹ những hoạt động hữu ích cho con bạn, đặc biệt, những hoạt động này không hề tốn kém, không có lượng rác thải lớn gây ô nhiễm môi trường, và quan trọng hơn hết là giúp con có thể trải qua những ngày nghỉ một cách vui vẻ và có giá trị.

1. Tự làm đất nặn

Đây có lẽ là một trong những việc thú vị và dễ chuẩn bị nhất! Bạn sẽ cần bột nở, bột mì, nước muối và một chút dầu ăn. Trộn ba thành phần khô đầu tiên với nhau. Đun nóng nước và cho hỗn hợp khô vào, sau đó thêm dầu và nhào thành bột. Cho hỗn hợp vào chảo chiên ở lửa vừa, đợi đến khi nước cạn bớt bột bám vào chảo. Nếu bạn không mua được bột nở, cũng không sao. Chỉ sử dụng bột mì, hòa với nước, dầu ăn, muối (hỗn hợp đặc) là đã có ngay bột nặn cho con rồi.

Sau đó, sử dụng các nguyên liệu tạo màu tự nhiên, thêm bột nghệ tạo màu vàng, bắp cải tím hoặc củ dền cho màu tím, rau ngót cho màu xanh... (hoặc sử dụng màu thực phẩm không độc hại) - và sau đó bạn bắt đầu! Tạo động vật, con người hoặc thậm chí toàn bộ ngôi nhà. Bột nặn này có thể dùng được một tuần nếu bảo quản trong tủ lạnh.

Sẽ có người thắc mắc rằng tại sao chúng ta không sử dụng đất nặn được bán sẵn trong các cửa hàng và siêu thị. À, sẽ không có gì thú vị nếu sử dụng bột nặn có sẵn, trẻ nhanh chán vì việc nặn các hình thù có sẵn bằng các khuôn hình như thế này là quá dễ dàng.

Bố mẹ hãy cùng con tự làm bột đất nặn bằng những nguyên liệu rẻ tiền, dễ mua như thế này. Tin chắc đây là một hoạt động rất thú vị. Và nếu chúng có làm căn bếp trở nên lộn xộn, bừa bãi thì cũng không sao. Hãy yêu cầu con dọn dẹp sạch sẽ sau khi chúng hoàn thành xong công đoạn nhào bột.

2. Trồng cây hoặc gieo hạt rau

Ngay cả khi bạn sống trong một căn hộ nhỏ, bạn vẫn có thể có một hệ thống trồng rau thủy canh trên mặt bàn nhỏ. Hãy để bọn trẻ chọn một loại cây mà chúng muốn chăm sóc và cha mẹ chỉ cần hướng dẫn một số điều cơ bản. Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy chúng chịu trách nhiệm nhiều hơn như thế nào sau khi được đảm nhiệm!

Một phần thưởng khác cũng không kém phần hấp dẫn – gieo hạt rau. Chỉ cần một chiếc thùng xốp nhỏ, và một số loại hạt rau. Bố mẹ có thể hướng dẫn con gieo hạt. Sau khi gieo, chúng sẽ là người chịu trách nhiệm tưới nước, chăm sóc cây. Và sản phẩm thu hoạch được sử dụng cho bữa ăn của chúng. Có thể, lượng rau thu được không nhiều, nhưng trẻ sẽ rất háo hức vì sau cả quá trình gieo hạt, chăm bón, chúng được nhìn thấy sản phẩm của mình lớn lên như thế nào và khi ăn chúng ngon ngọt ra sao.

3. May trang phục lễ hội hoặc trang phục dành cho búp bê

Bé gái luôn có niềm đam mê không giới hạn với trang phục và búp bê. Bố mẹ hãy tận dụng tất cả những thứ mà gia đình mình không cần sử dụng tới và muốn loại bỏ chúng. Đó có thể là một số tờ báo và tạp chí cũ, hộp carton, mảnh vải và thậm chí cả cuộn giấy vệ sinh. Trang phục đơn giản nhất có thể là một chiếc mặt nạ đơn giản và bạn có thể để trí tưởng tượng của con mình bay xa hơn và tạo ra một câu chuyện!

May trang phục cho búp bê cũng là một gợi ý tuyệt vời dành cho các bé gái. Nguyên liệu cần có là quần áo cũ, kéo, kim chỉ. Hoạt động này vừa rèn luyện sự khéo léo của đôi tay, vừa phát huy khả năng sáng tạo của trẻ.

4. Làm một ngôi nhà

Trẻ thường rất thích xây một ngôi nhà hoặc một lâu đài riêng của chúng. Để làm được việc này, nguyên liệu cần có là hộp carton lớn, kéo, băng dính, giấy màu, súng bắn keo, keo nến, chổi sơn...

Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, trẻ có thể phác thảo ngôi nhà trên giấy và bắt tay vào tiến hành làm ngôi nhà của mình. Việc làm này đòi hỏi cần nhiều thời gian, nguyên liệu và độ khó cũng cao, vì vậy thích hợp cho những trẻ lớn. Bố mẹ cũng cần phải hỗ trợ, hướng dẫn con để trẻ có thể tạo hình, trang trí cho ngôi nhà của chúng một cách đẹp nhất.

Hiện nay, trên youtube cũng có nhiều kênh hướng dẫn làm nhà từ bìa carton. Có nhiều ngôi nhà thực sự rất đẹp và trở thành nơi lý tưởng để trẻ vui chơi. Vì vậy, nếu cảm thấy khó, bọn trẻ cũng có thể tham khảo những kênh này để tạo ra ngôi nhà của riêng mình.

5. Vẽ tranh

Cho con thời gian thư giãn và tham gia hoạt động năng khiếu, bé sẽ biến lá cây thành tranh, như tác phẩm này của bé Bảo Châu, học sinh lớp 1 tại Đồng Nai

Hầu hết đứa trẻ nào cũng thích thú với việc vẽ. Vậy tạo sao không hướng dẫn chúng vẽ truyện tranh. Bạn có tin được rằng hoạt động này rất thú vị và yêu cầu trẻ phải tưởng tượng rất nhiều không?

Hoạt động vẽ truyện tranh cần có giấy A4, bút chì, bút viết và các loại bút màu. Nếu là một nhóm trẻ, các con có thể phân công nhau vẽ, tô màu và viết lời cho truyện.

Thường thường, tác phẩm truyện tranh của chúng rất hay với phần hình ngộ nghĩnh và phần lời truyện sáng tạo. Vì vậy, đây là một dịp tốt trẻ có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình.

6. Đóng vai hoặc trở thành người kể chuyện

Các bậc cha mẹ thường cho trẻ nghe truyện cổ tích, xem phim mà quên mất rằng tạo cơ hội cho chúng trở thành nhân vật của các câu chuyện ấy sẽ rất bổ ích.

Trước khi tiến hành đóng vai hoặc trở thành người kể chuyện, có thể cho chúng nghe hoặc xem một bộ phim nào đó phù hợp với lứa tuổi và yêu cầu đóng vai nhân vật hoặc kể lại câu chuyện đó.

Trong hoạt động này, người lớn cần khuyến khích – động viên trẻ bằng các phần thưởng nhỏ. Hoạt động này vừa tăng cường khả năng diễn đạt, khả năng biểu diễn trước đám đông vừa tạo ra được không khí vui nhộn cho trẻ.