ĐỜI SỐNG

Những khác biệt trong tư duy của dân tộc thông minh nhất thế giới

Minh Trung • 06-02-2023 • Lượt xem: 1003
Những khác biệt trong tư duy của dân tộc thông minh nhất thế giới

Trong cuốn sách “Nghệ thuật quản lý tiền và tài sản của người Do Thái”, tác giả đã đưa ra một nhận định mà cho đến nay, nó vẫn nhận được sự đồng tình từ nhiều học giả và doanh nhân: “Tiền của thế giới nằm trong tay người Mỹ, nhưng tiền của người Mỹ lại nằm trong túi người Do Thái”. Chỉ một câu nói đã ngầm khẳng định rằng, Do Thái xứng đáng là một dân tộc với một trí thông minh khác biệt và sở hữu lối tư duy độc đáo.

Dùng tiền để mua những giá trị vô hình

Theo lẽ thông thường, hầu hết chúng ta đều dùng tiền để mua những thứ có thể cảm nhận được bằng năm giác quan: Sờ được, nếm được, thấy được,… Tuy nhiên, với người Do Thái, họ cho rằng có những thứ không những là phải mua bằng tiền mà bằng mọi giá phải mua cho bằng được. Đó là trải nghiệm, kinh nghiệm, sự thông thái, học vấn. Họ tin rằng, tất cả những thứ hữu hình đều có thể tự làm ra, còn những thứ vô hình là duy nhất, vì nó thuộc về mỗi cá nhân nên rất đa dạng, phong phú. Đặc biệt, để có được trải nghiệm, kinh nghiệm, sự thông thái, học vấn, cá nhân đó cũng phải trầy da tróc vẩy để đúc kết, và rất nhiều tiền cũng là xứng đáng cho công sức họ bỏ ra.

Từ những giá trị vô hình đó, người Do Thái tiếp tục duy trì và phát triển nó để tạo ra những thứ hữu hình. Ví dụ, nhờ sự hiểu biết về địa chất, thủy canh cũng như những công nghệ nông nghiệp tiên tiến, Israel (vùng đất của người Do Thái) đã biến một nơi quanh năm với thiên tai và đất cằn cỗi trở nên một quốc gia có nền nông nghiệp tiến bộ hàng đầu thế giới. Điển hình nhất, người Do Thái dùng tiền để mua lại thời gian và trí tuệ của người khác nhằm tăng thêm tài sản cho bản thân họ và nếu đôi bên cùng tự nguyện thì rõ ràng đây là lợi ích cho cả hai bên.

Xem trọng giáo dục hơn cả tiền bạc

Nhắc đến Do Thái, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc làm giàu. Và chính bản thân người Do Thái cũng là những bậc thầy trong chuyện làm giàu và kinh doanh. Tuy nhiên, trên cả những bàn luận về làm giàu, người Do Thái còn đề cao giáo dục hơn cả tiền bạc. Nhiều người Israel còn cho biết rằng, người thầy còn vĩ đại hơn cả một quốc vương. Và đó là lí do họ tôn sùng sách, luôn đặt giá sách ở nơi trang trọng nhất, không bao giờ đặt ở đầu giường hay cuối giường. Do Israel cũng là quốc gia được xếp vào một trong những quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới (tính theo tỉ lệ dân số) với 64 cuốn sách/năm, nên không lạ gì khi họ được coi là dân tộc thông minh nhất thế giới.

giá sách của người Do Thái

Do Thái cũng là quốc gia nổi tiếng với câu nói: “Kiếm tiền không khó bằng giữ tiền”. Đúc kết này dựa trên trải nghiệm của rất nhiều nhà đầu tư người Do Thái. Với họ, việc giữ tiền cần tri thức để đảm bảo số tiền sẽ tăng nhanh hơn mức độ lạm phát của thế giới. Bên cạnh đó, nếu có tri thức, tiền bạc sẽ không còn là nỗi lo vì chỉ cần có kiến thức, mỗi người đều có thể vận dụng để tạo ra của cải.

Vượt ra những quy tắc đóng khung

Con người là động vật bậc cao với khả năng tư duy đứng đầu muôn loài. Tuy nhiên, điểm yếu của hầu hết chúng ta là bị đóng khung trong những quy tắc hay những lối tư duy đã có. Hệ quả này xuất phát từ nguyên nhân ngại thay đổi và sợ sai của chính bản thân chúng ta, và một phần cũng đến từ thể chế giáo dục mỗi quốc gia.

Với Do Thái, họ đề cao sự sáng tạo, lối tư duy khác biệt và luôn khuyến khích những người xung quanh thay đổi, nếu sự thay đổi đó không làm tổn hại đến cộng đồng. Rất nhiều những câu chuyện về sự thay đổi của doanh nhân Do Thái vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay. Một trong những câu chuyện đó là chuyện biến những nải chuối bị cháy thành chuối sấy đường. Đây là một mẫu mực cho những tinh thần muốn khởi nghiệp với bài học về tư duy khác biệt và dám thay đổi để đưa công ty đến với một loại hình kinh doanh độc đáo nào đó.

Không có làm giàu nhanh

Hiện nay, giữa những lời quảng cáo làm giàu nhanh trên internet, công thức về làm giàu của người Do Thái thật đáng suy ngẫm: Thời gian + hành động = của cải.

Phải thừa nhận rằng, với sự phát triển chóng mặt của đời sống, đặc biệt là công nghệ, cơ hội kiếm tiền nhanh là có thật. Tuy nhiên, số người nắm được cơ hội là rất ít so với phần còn lại. Một số nhỏ là có sự may mắn, nhưng phần đông trong đó là những người có kiến thức. Và vô tình công thức trên cũng đúng. Những người nắm được cơ hội bằng kiến thức của chính họ cũng phải trải qua quá trình học tập và nghiên cứu vất vả mới có được thành quả, còn những người may mắn thì có thể có được tiền, nhưng giữ được tiền hay không là một dấu hỏi. Cũng như vậy, để nắm bắt một cơ hội, mỗi người cũng cần tự mài dũa về trí tuệ để sẵn sàng khi cơ hội tới. Bên cạnh đó, bản thân mỗi cá nhân cũng cần phải nghiêm túc đầu tư thời gian hành động, đến một ngày thành quả sẽ đến với bạn. Một bài toán về việc tiết kiệm 40.000 VND mỗi ngày cho việc không uống trà sữa để đầu tư truyền thống (gửi ngân hàng) sau 40 năm sinh ra 2.4 tỉ là một ví dụ cho công thức trên. Ví dụ trên không khuyến khích mỗi người phải tiết kiệm, chỉ dùng để chứng minh cho công thức không có việc làm giàu nhanh của người Do Thái.

Đừng quá tiết kiệm khi nghèo khó

Tiết kiệm là một đức tính tốt được nhiều người chia sẻ và áp dụng, từ một lãnh tụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các nhà đầu tư lỗi lạc như Warren Buffett. Tuy nhiên, tiết kiệm lại là một khái niệm khá trừu tượng và không phải ai cũng hiểu đúng về khái niệm này. Với người Do Thái, họ sẵn sàng tiết kiệm trong việc mua sắm (như không mua những thứ bị cảm xúc chi phối hay những thứ mà bản thân chưa hẳn đã cần tới) mà chỉ tập trung vào chi dùng các khoản cơ bản tối thiểu. Đặc biệt, họ chi rất nhiều cho giáo dục nhằm phát triển bản thân, cũng như đầu tư vào một dự án kinh tế mà theo họ là có lợi về sau này.

Với người Do Thái, chi phí cho quần áo và thực phẩm là nhu cầu cơ bản và tối thiểu. Tuy nhiên, nó quyết định tới nhận thức của mỗi chúng ta. Nếu một đứa trẻ quá thiếu thốn về thực phẩm và quần áo, chúng sẽ có xu hướng rất tiết kiệm về sau này. Do đó, các bậc cha mẹ không quá khắt khe trong việc đầu tư cái ăn cái mặc cho con cái.

Bên cạnh đó, một suy nghĩ khá lạ mà ít ai dám làm như những người Do Thái đó là trực tiếp trải nghiệm những dịch vụ hay sản phẩm của người giàu. Họ tin rằng, muốn hợp tác hay làm việc cùng những người giàu có, họ cần hiểu về họ thông qua việc trải nghiệm những gì người giàu trải nghiệm.

Do Thái là một dân tộc thông minh với lối tư duy đi trước thời đại. Nếu biết chắt lọc những điểm tốt trong lối sống từ họ, mỗi người trong chúng ta đều có thể phát triển hơn mỗi ngày.