Bằng lời nói, hành động và tình yêu vô điều kiện của mình, những người mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến con cái. Mẹ của chúng ta cho chúng ta sự sống, nuôi dưỡng chúng ta và hỗ trợ chúng ta từ khi chúng ta là một đứa trẻ sơ sinh đến lúc trưởng thành. Mẹ nuôi dạy chúng ta, chăm sóc và cho chúng ta lời khuyên, là hình ảnh tiêu biểu cho mọi người mẹ trong đời. Chúng ta cùng tìm hiểu qua về một số người mẹ vĩ đại trong lịch sử nhé.
Marie Curie (1867–1934)
Marie Curie được biết đến nhiều nhất với vai trò là người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel, tuy vậy bà cũng đã tự mình nuôi hai cô con gái nhỏ sau khi chồng bà qua đời trong một vụ tai nạn năm 1906. Một trong những người con gái của họ, Irène Joliot-Curie, đã cùng chồng giành giải Nobel Hóa học cho công trình nghiên cứu của riêng họ về phóng xạ. Joliot-Curie cho biết, mẹ bà đã truyền cho các con mình tinh thần làm việc chăm chỉ và linh hoạt: “Người ta phải làm việc nghiêm túc và phải độc lập, không chỉ biết vui chơi trong cuộc sống – mẹ chúng tôi luôn nói với chúng tôi như vậy, nhưng không bao giờ nói rằng khoa học là nghề nghiệp duy nhất đáng theo đuổi”.
Marie Curie và con gái Irène.
By Unknown author - [1], CC BY 4.0, commons.wikimedia.org
Sojourner Truth (khoảng năm 1797–1883)
Năm 1826, Sojourner Truth và cô con gái nhỏ của bà đã trốn thoát khỏi chế độ nô lệ ở Quận Ulster, New York. Theo hầu hết các ghi chép để lại sau đó, bà đã nghe tin đứa con trai 5 tuổi của mình, Peter, đã bị bán bất hợp pháp cho một người đàn ông ở Alabama. Truth đã quyên tiền thuê luật sư, nộp đơn khiếu nại lên tòa án và thành công trong việc giải cứu Peter khỏi cảnh nô lệ - một vụ án mang tính bước ngoặt, trong đó một phụ nữ da đen đã kiện thành công một người đàn ông da trắng tại tòa. Truth sau đó trở thành một nhà truyền giáo Cơ đốc giáo ở Thành phố New York và đi khắp vùng Đông Bắc, thuyết giảng về Kinh thánh, bãi nô và quyền bầu cử của phụ nữ.
Sojourner - Nguồn: scenichudson.org
Abigail Adams (1744–1818)
Vợ của Tổng thống John Adams, Abigail Adams là đệ nhất phu nhân thứ hai của Hoa Kỳ. Vì chồng bà thường xuyên đi công tác xa nhà, bà thường tự mình quản lý trang trại, viết thư ủng hộ quyền bình đẳng cho phụ nữ đồng thời xóa bỏ chế độ nô lệ, và nuôi dạy năm đứa con của họ, những đứa trẻ đã sống sót sau thời thơ ấu – bao gồm cả tổng thống tương lai John Quincy Adams. Quincy Adams đã viết: “Mẹ tôi là một thiên thần trên Trái đất. Bà là người ban phước lành cho tất cả mọi người xung quanh. Trái tim bà là nơi trú ngụ của sự trong sáng của thiên đường… Bà là hiện thân thực sự của đức hạnh phụ nữ, của lòng mộ đạo, của lòng bác ái, của lòng nhân từ không bao giờ ngừng nghỉ.”
Abigail Adams (1744-1818), Portrait by Mather Brown, 1785.
https://time.com/4390165/ladies-of-the-american-revolution/
Irena Sendler (1910–2008)
Irena Sendler người Ba Lan là một nhân viên tại Sở Phúc lợi Xã hội Warsaw. Bà đã lén đưa gần 2500 trẻ em Do Thái ra khỏi khu ổ chuột Warsaw trong thời kỳ diệt chủng Holocaust và cứu sống chúng. Dưới mật danh Jolanta, bà đã cấp cho những đứa trẻ này các giấy tờ tùy thân giả, thiết lập danh tính (không phải người Do Thái) tạm thời cho chúng và đưa chúng vào các tu viện, trại trẻ mồ côi và nhà của người theo đạo Thiên chúa. Mặc dù Đức Quốc xã đã bắt giữ, tra tấn và kết án tử hình bà (bà sống sót vì Gestapo đã bị mua chuộc), bà không cung cấp cho họ bất kỳ thông tin nào về nơi ở của những đứa trẻ hoặc hoạt động ngầm của bà. Bản thân là mẹ của ba đứa trẻ, Sendler đã nhận được giải thưởng Huân chương Đại Bàng Trắng của Ba Lan vào năm 2003.
Irena Sendler - Nguồn ảnh: Pinterest
Kathy Headlee
Kathy Headlee, bà mẹ của bảy đứa con (đứa con út được bà nhận nuôi từ Romania), đã thành lập tổ chức Mothers Without Borders để giúp đỡ trẻ em mồ côi trên khắp thế giới. Bắt đầu từ năm 1992, bà đã lãnh đạo một nhóm tình nguyện viên phân phát hàng cứu trợ cho các trại trẻ mồ côi và đào tạo những người chăm sóc tại Romania. Kể từ đó, Mothers Without Borders đã cử các tình nguyện viên đến giúp đỡ trẻ em ở Bolivia, Bosnia, Guatemala, Ấn Độ, Mexico, Zimbabwe, Uganda và Nepal.
Frances Ellen Watkins Harper (1825–1911)
Frances Ellen Watkins Harper là người phụ nữ da đen đầu tiên ở Mỹ xuất bản một truyện ngắn. Harper rất biết cách dùng từ ngữ. Bà là một nhà thơ và diễn giả sung mãn, người đã đi khắp đất nước để diễn thuyết đấu tranh cho việc bãi bỏ chế độ nô lệ và quyền của phụ nữ. Những lời của bà xuất hiện thường xuyên trên các tờ báo chống chế độ nô lệ đến nỗi bà được biết đến là "Người mẹ của nền báo chí người Mỹ gốc Phi". Harper sinh một cô con gái vào năm 1860; sau khi chồng mất, bà đã hỗ trợ gia đình bằng cách diễn thuyết trên khắp Hoa Kỳ.
Frances Ellen Watkins Harper - Nguồn ảnh: Pinterest
Hoelun/ Ha Nguyệt Luân (1142–1221)
Người mẹ nổi tiếng của Thành Cát Tư Hãn, Hoelun, đã sống sót sau khi bị bắt cóc, góa bụa, bơ vơ trên hành trình vừa là mẹ vừa là cố vấn cho một trong những đế chế lớn nhất trong lịch sử thế giới (cũng là một trong số rất ít người có thể hét vào mặt Thành Cát Tư Hãn mà thoát tội). Trong khoảng thời gian của cuộc hôn nhân thứ nhất, bà đã bị Yesukhei - thủ lĩnh của một gia tộc nhỏ - bắt cóc; theo truyền thuyết, bà đã cởi áo, ném cho chồng và hét lên "Hãy cứu lấy mình, và khi còn sống hãy nhớ đến mùi hương của ta". Sau đó, Hoelun buộc phải kết hôn với kẻ bắt cóc mình.
Vài năm sau, Yesukhei bị giết và Hoelun cùng những đứa con của bà bị đuổi khỏi gia tộc, buộc phải sống sót nhờ bất cứ thứ gì họ có thể kiếm được trên thảo nguyên Mông Cổ. Cuối cùng, một trong những đứa con của bà với Yesukhei, Thành Cát Tư Hãn, dù trở thành một nhà chinh phạt vĩ đại nhưng mẹ của ông vẫn có thể chỉnh đốn được ông. Theo Frank McLynn trong “Genghis Khan: His Conquests, His Empire, His Legacy”, Thành Cát Tư Hãn đã lên kế hoạch xử tử anh trai mình vì tội phản quốc. Khi Hoelun phát hiện ra, bà đã đến điện của Hãn và cầu xin Hãn hãy thương xót. Khi điều đó không hiệu quả, “Nguyệt Luân Thái hậu nổi giận, đứng dậy và khiển trách Hãn vì đã nghĩ đến việc xử tử anh trai mình ... Hãn đã nâng bà dậy và nói rằng ông sẽ nhượng bộ, vì tình yêu và sự tôn kính dành cho mẹ mình."
Tượng Ha Nguyệt Luân tại Mông Cổ - Nguồn:Tripadvisor
Waris Dirie
Năm 1970, khi mới 5 tuổi, Waris Dirie đã trở thành nạn nhân của nạn cắt bộ phận sinh dục nữ tại quê nhà Somalia của cô. Sau đó, khi cô 13 tuổi, cha mẹ cô đã sắp xếp cho cô kết hôn với một người đàn ông ngoài sáu mươi; cô bỏ nhà đi và cuối cùng đến London. Trở thành một người mẫu thành công và tham gia diễn xuất, nhưng sau đó vào năm 1997 cô đã dành toàn bộ thời gian để đấu tranh chống lại nạn cắt bộ phận sinh dục nữ, một phần thông qua công việc của cô với tư cách là đại sứ đặc biệt của Liên hợp quốc. Cô đã thành lập một tổ chức có tên là Desert Flower để đấu tranh chống lại vấn nạn này trên toàn thế giới. Là mẹ của bốn đứa con, cô đã nói với Harper's Bazaar vào năm 2010 rằng nạn cắt bộ phận sinh dục nữ không chỉ là vấn đề của phụ nữ: "Mọi nền giáo dục đều bắt đầu từ Mẹ. Chúng ta phải suy nghĩ lại về những gì chúng ta dạy con trai mình. Đó là điều quan trọng nhất.”
Waris Dirie - Nguồn ảnh: Pinterest
Nancy Edison (1810 – 1871)
Người con út trong số bảy người con của Nancy Edison là Thomas Alva Edison. Mặc dù một số câu chuyện về đức tính của mẹ ông có thể đã bị phóng đại, nhưng chúng ta biết rằng thay vì từ bỏ việc học của con trai, Nancy Edison đã quyết định dạy con trai mình tại nhà sau khi giáo viên cho rằng cậu bé "addled" (tức là bị bệnh tâm thần hoặc bất tài). Vào thời điểm đó những rối loạn học tập chưa được nghiên cứu hoặc hiểu rõ, đã có thể Edison chỉ bị chứng khó đọc. Ông đã nói về bà: "Mẹ tôi đã tạo nên tôi. Bà ấy rất chân thành, rất chắc chắn về tôi; và tôi cảm thấy mình có một điều gì đó để sống, một người mà tôi không được phép làm thất vọng."
Nancy Edison - Nguồn ảnh: fr.findagrave.com
Lou Xiaoying
Lou Xiaoying là một người phụ nữ nghèo, không được học hành, tự kiếm sống bằng nghề nhặt rác ở Kim Hoa, Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 1972, bà đã cứu/nhận nuôi 30 đứa trẻ mà bà tìm thấy trong thùng rác. Sự hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa (sau đó là chính sách một con của Trung Quốc) và tình trạng nghèo đói cùng cực, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, khiến một số bậc cha mẹ bỏ mặc những đứa con không mong muốn của mình. “Những đứa trẻ này cần tình yêu thương và sự chăm sóc. Chúng đều là những sinh mạng con người quý giá”, Xiaoying, khi ấy đã có một cô con gái ruột, đã nói với báo chí vào năm 2012. “Tôi không hiểu tại sao mọi người lại có thể bỏ rơi một đứa trẻ dễ bị tổn thương như vậy trên đường phố”.
Lou Xiaoying - Nguồn ảnh: Dailymail
Diana, Công nương xứ Wales (1961–1997)
Công nương Diana, với địa vị hoàng gia của mình, đã làm việc với các tổ chức từ thiện hỗ trợ bệnh viện nhi và chống lại mìn đất - một vấn đề đáng kể vào những năm 90. Nhiều năm sau khi bà qua đời (1997), di sản của bà vẫn là chủ nghĩa nhân đạo. Con trai lớn của bà là Hoàng tử William, mới 15 tuổi khi mẹ mất, đã trở thành người bảo trợ hoàng gia của một tổ chức từ thiện hỗ trợ trẻ em mất người thân.
Công nương Diana - Nguồn ảnh: Internet
Erma Bombeck (1927–1996)
Nhà văn hài hước Erma Bombeck đã viết sách và các chuyên mục trên báo về cuộc sống của một bà nội trợ ở ngoại ô vùng Trung Tây. Lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của mình với con gái nuôi và hai người con trai ruột, bà đã kể những câu chuyện đùa về công việc nhà giúp những bà mẹ nội trợ và mới đi làm tìm thấy sự hài hước trong cuộc sống hỗn độn của họ. Và như người ta có thể thấy từ những câu chuyện cười dí dỏm, bà đã nuôi dạy con cái mình trở nên độc lập và giàu đam mê.
Chân dung Erma Bombeck - Nguồn ảnh: blogs.libraries.wright.edu
Theresa Kachindamoto
Là một thủ lĩnh người Malawi, Theresa Kachindamoto cai quản gần 900.000 người dân ở quốc gia châu Phi này. Cái nghèo khiến cha mẹ phải vật lộn để nuôi con cái, và Malawi có tỷ lệ tảo hôn cao – cứ hai bé gái thì có một bé kết hôn trước tuổi 18. Kachindamoto đã ban hành luật để phá vỡ khoảng 850 cuộc hôn nhân trẻ em, tổ chức các cuộc họp để nói chuyện với người dân Malawi về mối nguy hiểm của tảo hôn (bao gồm cả HIV) và lợi ích của giáo dục đối với trẻ em gái và trẻ em trai. Mặc dù bà đã chịu đả kích dữ dội vì chỉ bảo các gia đình cách nuôi dạy con gái trong khi bản thân bà có năm cậu con trai, bà tiếp tục đấu tranh để chấm dứt các nghi lễ khai tâm tình dục theo văn hóa, trong đó cha mẹ của một bé gái trả tiền cho một người đàn ông lớn tuổi để "dạy" con gái cách quan hệ tình dục. Và bà đã thúc đẩy việc nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp ở quận Dedza của Malawi lên 21.
Theresa Kachindamoto - Nguồn ảnh: lifegate.com
Angelina Jolie
Nhờ công tác nhân đạo hỗ trợ người tị nạn và giáo dục, nữ diễn viên Angelina Jolie đã trở nên nổi tiếng với công tác từ thiện cũng như các vai diễn trong phim của mình. Jolie lần đầu tiên tham gia vào công tác nhân đạo dành cho người tị nạn và những người phải di dời vì xung đột khi cô đang quay phim Lara Croft: Tomb Raider ở Campuchia vào năm 2000. Cô đã nhận nuôi một người con trai từ nước này, sau đó cũng nhận nuôi những đứa trẻ từ Ethiopia và Việt Nam (cô có ba người con ruột với chồng cũ Brad Pitt). Và mặc dù đã đi du lịch đến hơn 30 quốc gia với vai trò là Đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc, Pitt đã nói với The Wall Street Journal rằng, khi cô ấy có một ngày nghỉ, "điều đầu tiên cô ấy làm là thức dậy và đưa bọn trẻ ra ngoài. Đây là 'việc quan trọng nhất' phải làm trong ngày. Dù có mệt mỏi đến đâu, cô ấy cũng lên kế hoạch đi chơi với từng đứa trẻ".
Angelina Jolie cùng các con - Nguồn ảnh: baoquocte.vn
Alberta King (1904–1974)
Mẹ của Martin Luther King, Jr., Alberta Williams King đã chơi đàn organ, thành lập dàn hợp xướng tại Nhà thờ Baptist Ebenezer ở Atlanta và tham gia vào các nhóm phụ nữ, NAACP và YWCA. Bà bắt đầu nuôi dạy ba đứa con của mình với ý thức lành mạnh về bản thân và dạy chúng rằng sự phân biệt đối xử mà chúng chứng kiến hàng ngày chỉ đơn giản là "một trạng thái xã hội chứ không phải là trật tự tự nhiên", như MLK Jr. đã viết trong cuốn tự truyện của mình. "Bà ấy nói rõ rằng bà phản đối hệ thống này và tôi không bao giờ được phép để nó khiến tôi cảm thấy mình thấp kém… Vào thời điểm đó, Mẹ không hề biết rằng cậu bé trong vòng tay bà nhiều năm sau sẽ tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại hệ thống mà bà đang nói đến". Năm 1974, sáu năm sau khi con trai bà bị ám sát ở Memphis, Alberta King bị bắn và đã gục trên đàn organ của bà trong nhà thờ.
Alberta King cùng con trai Martin Luther King, và con dâu Coretta (1958) - Nguồn ảnh: Pinterest