Duyên Dáng Việt Nam

Những ‘ứng viên’ vaccine Covid-19 tiềm năng

Ngọc Nga • 23-04-2020 • Lượt xem: 1774
Những ‘ứng viên’ vaccine Covid-19 tiềm năng

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đến giữa tháng 4/2020 có đến 70 vaccine phòng Covid-19 được các công ty khác nhau trên toàn cầu phát triển, tăng hơn gấp 3 lần trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, khi nào có vaccine Covid-19, công ty nào tung ra sớm nhất và vaccine Covid-19 nào hiệu quả nhất, vẫn là những câu hỏi lớn chưa có lời đáp lúc này.

Tin, bài liên quan:

Hơn 20 công ty tham gia "cuộc đua" tìm vaccine Covid-19

Trung Quốc thử vắc-xin nCoV trên người

Vắc-xin lăn kim có khả năng vô hiệu hóa nCoV

Trong 70 vaccine đang được phát triển, có 3 loại đã được thử nghiệm trên người gồm: vaccine do công ty CanSino Biologics, đăng ký ở Hồng Kông và Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh (Trung Quốc); vaccine của hai hãng dược Mỹ Moderna và Inovio Enterprises.

70 loại vaccine đang được phát triển để phòng ngừa virus Sars-CoV-2

Việc nghiên cứu và tạo ra một vaccine thành công tốn khá nhiều công sức và thời gian, gồm 2 giai đoạn chính là tiền lâm sàng (nghiên cứu trong phòng thí nghiệm) và thử nghiệm lâm sàng. 

Ảnh: TTO

Những vaccine tiềm năng đầu tiên đã được thử nghiệm trên người, nhưng để có thể sử dụng rộng rãi cho cộng đồng phải cần thời gian từ 12-18 tháng. Bác sĩ Anthony Fauci - tư vấn y khoa chống dịch Covid-19 của Mỹ còn nhấn mạnh là các quan chức y tế đang xúc tiến nhanh quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine.

Đơn cử như chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ và cho phép công ty sinh học Moderna ở Cambridge, bang Massachusetts nhanh chóng chuyển sang thử nghiệm vaccine trên người vào tháng 3/2020, bỏ qua giai đoạn nhiều năm thử nghiệm trên động vật, vốn là tiêu chuẩn trong việc phát triển vaccine.
Việc nhận được hỗ trợ của chính phủ Mỹ cũng khiến công ty Moderna bị áp lực khi có nhiều công ty khác đã làm việc với giới chức y tế, có thể sẽ tạo ra vaccine Covid-19 nhanh và hiệu quả hơn. 

Những tình nguyện viên đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 thử nghiệm tại Mỹ vào ngày 16/3. Ảnh: AP

Vấn đề của các công ty dược phẩm, sinh học trong cuộc “chạy đua” sản xuất vaccine là phải đánh giá hiệu quả thử nghiệm trên người, thực hiện các nghiên cứu từ pha 1 đến pha 4, chuẩn bị hồ sơ đăng ký để được duyệt. Do đó, khi nào có vaccine Covid-19, công ty nào tung ra sớm nhất và vaccine Covid-19 nào hiệu quả nhất, vẫn là những câu hỏi lớn lúc này.


Dưới đây là một số phương pháp nghiên cứu, chế tạo vaccine Covid-19 đang được các công ty, đơn vị phát triển:

* Vaccine sống, giảm độc lực
Vaccine sống, giảm độc chứa virus sống đã được làm yếu đi trong phòng thí nghiệm để không còn khả năng gây bệnh. Đây là dạng gần với nhiễm trùng tự nhiên nhất nên các vaccine này được xem là tốt cho hệ miễn dịch, thường giúp cơ thể có khả năng miễn dịch lâu dài chỉ với 1 hoặc 2 liều vaccine.
- Hạn chế: Virus có khả năng (dù rất nhỏ) chuyển thành dạng có độc lực và gây bệnh. Vaccine này phải được bảo quản lạnh mới có thể giữ được hoạt tính và không thể dùng cho những người có hệ miễn dịch yếu hoặc bị tổn thương bởi việc điều trị hóa chất.
- Các đơn vị đang phát triển: Codagenix and Serum Institute (Ấn Độ). 
- Dự kiến thử nghiệm trên người: tháng 8/2020


* Phương pháp sử dụng các bộ phận nhỏ từ virus 
Phương pháp này được phát triển nhiều khi khoa học công nghệ phát triển, giúp con người hiểu rõ cấu trúc của virus và thao tác dễ dàng trên DNA, RNA, protein.
Phương pháp này tiện lợi và an toàn khi các nhà khoa học có thể chọn lựa thành phần của virus có vai trò đáp ứng miễn dịch để làm vaccine mà không phải nuôi virus sống trong phòng thí nghiệm.
Các thành phần của virus có thể đưa vào người dưới dạng DNA, RNA, chuỗi ngắn protein hoặc thậm chí gắn các bộ phận này lên một virus lành tính khác để giả làm virus muốn phòng ngừa.
- Hạn chế: Đây không phải là virus thật nên phải kết hợp với các chất kích thích hệ miễn dịch (adjuvant) để tăng hiệu quả.
•    Vaccine DNA: 
- Các đơn vị đang phát triển:
Inovio Pharmaceuticals Inc phối hợp với Beijing 
Advancine Biotechiology (Trung Quốc), Zydus Cadila, Ứng dụng khoa học DNA.
- Thử nghiệm trên người: tháng 4/2020
•    Vaccine RNA: 
- Các đơn vị đang phát triển: CureVac, Moderna, Cao đẳng Hoàng gia London, BioNTech và Pfizer, Arcturus và Duke – thuộc trường Y khoa của ĐH Quốc gia Singapore…
- Thử nghiệm trên người: tháng 3/2020

•    Vaccine dùng protein: 
- Các đơn vị đang phát triển: GSK & Clover BioPharma, Sanofi Pasteur, Novavax, Cao đẳng Y khoa Baylor, ĐH Queenlands Australia, ĐH Saskatchewan Canada, GSK and Dynavax, Vaxart, Generex và EpiVax, EpiVax và ĐH Georgia…
- Dự kiến thử nghiệm trên người: tháng 6/2020

Vaccine Covid-19 nào được tung ra sớm nhất và hiệu quả nhất vẫn đang là câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Ảnh: REUTERS


* Vaccine vector tái tổ hợp
Tương tự như vaccine DNA, tuy nhiên, loại vaccine này sử dụng virus đã được làm giảm độc lực để đưa DNA vào trong tế bào cơ thể người. Từ “vector” là để chỉ các virus hoặc vi khuẩn đóng vai trò vật chủ.
Vaccine vector tái tổ hợp mô phỏng quá trình nhiễm trùng tự nhiên, do đó có khả năng kích thích hệ miễn dịch rất hiệu quả.
- Các đơn vị đang phát triển: Johnson & Johnson, GeoVax and BravoVax, ĐH Oxford và Advent Srl (Ý); Tonix Pharmaceuticals, AltiImmune Inc, Greffex, Vaxart, CanSino Biologics, Zydus Cadila, Viện Pasteur.
- Dự kiến thử nghiệm trên người: tháng 6/2020

 

Các chuyên gia dự đoán đến đầu quý 3, khi dịch bệnh lên đỉnh, số ca nhiễm giảm dần, các "ứng viên" vaccine Covid-19 sáng giá mới lộ diện. Tuy nhiên, việc vaccine được sử dụng rộng rãi cho cộng đồng, sớm nhất cũng phải đến giữa năm 2021. Còn hiện tại, thuốc điều trị triệu chứng vẫn là giải pháp cho người nhiễm Covid-19.

Các “ứng viên” vaccine Covid-19 tiềm năng:
* BNT162:
Do BioNTech, nhượng quyền từ Shanghai Fosun Pharmaceuticals (Trung Quốc), hợp tác với “đại gia” dược Pfizer phát triển cho thị trường ngoài Trung Quốc, thử nghiệm lâm sàng từ 4/2020.
* Ad5-nCOV: Vaccine của công ty CanSino Biologics vốn có lợi thế sớm, bắt đầu từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc và đã từng phát triển thành công vaccine Ebola.

Vaccine Ad-nCoV của CanSino Biologics

* S-Trimer: Do nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới GSK & Clover BioPharma phát triển, nhắm vào protein gai “Spike” mà virus dùng thâm nhập tế bào vật chủ. Năng lực sản xuất của Clover, dưới sự hỗ trợ của GSK có thể lên đến 100 triệu liều.
* INO-4800 DNA: Do tập đoàn Inovio Pharmaceuticals phối hợp với Beijing Advancine Biotechiology của Trung Quốc phát triển, nghiên cứu lâm sàng tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc vào tháng 4. Dự án đã nhận 5 triệu USD từ Quỹ Bill và Melinda Gate và 9 triệu USD từ hiệp hội vaccine CEPI. Nếu thành công, cuối năm 2020 sẽ sản xuất 1 triệu liều. 
* Vaccine của công ty Johnson & Johnson: Được đầu tư 1 tỷ USD để nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm lâm sàng vắc-xin, được kỳ vong cung ứng số lượng “khủng” hơn 1 tỷ liều, nếu hồ sơ được duyệt sản xuất hàng loạt vào tháng 9/2020. 
* mrNA-1273: Do Moderna phát triển, đã thử nghiệm pha 1 vào tháng 3, dự kiến xong giai đoạn 1 vào tháng 6. Moderna dùng kỹ thuật mới phát triển vaccine dựa vào mRNA, tương đồng cấu trúc mRNA của virus corona để tạo ra protein kích hoạt hệ miễn dịch tiêu diệt virus. Kỹ thuật này giúp Moderna bỏ qua giai đoạn thử nghiệm trên động vật, đẩy nhanh thử nghiệm trên người.
* Vaccine của Tập đoàn Novamax: dự án cũng nhận được tài trợ 4 triệu USD từ CEPI, nhưng thử nghiệm pha 1 phải đến tháng 6/2020.
* Vaccine của Sanofi Pasteur: dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào 3/2021.

Nguồn: Tổng hợp